Chiến lược của Mỹ khiến đối thủ lớn Nga chùn tay
Ngày 02.02, Hoa Kỳ đã đưa ra học thuyết hạt nhân mới, mô tả thế giới trong gam màu ảm đạm hơn nhiều so với văn kiện tương tự kỳ trước. Học thuyết này đặt Nga ở vị trí đối tượng chủ chốt, đồng thời cũng đề cập đến những đối thủ chủ yếu của Mỹ như: Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis lý giải tại sao Hoa Kỳ lại chú mục vào Nga trong học thuyết mới. Theo ông, Nga đã trở lại cuộc cạnh tranh của các cường quốc. Do đó, học thuyết mới của Mỹ là lời đáp trả cho sự phát triển tiềm lực của Nga, phản ứng lại bản chất chiến lược và học thuyết của Moscow.
Ghi nhận vai trò của đạn dược hạt nhân cỡ nhỏ, trong văn kiện khẳng định rằng, đó là vũ khí sẽ được chú tâm phát triển để đáp trả bước đi tương tự của những nước khác, kể cả Nga.
"Hiện nay, Nga đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân cũng như những hệ thống chiến lược khác. Gây bất an hơn nữa là việc Moscow đang áp dụng chiến lược quân sự nguy hiểm, với hoạch định là sẽ đạt tới thành công nhờ mở rộng khả năng hạt nhân" - tài liệu nhấn mạnh.
Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã đe dọa “sẽ là bên đầu tiên sử dụng đòn tấn công hạt nhân hạn chế”, bởi Moscow trông đợi “một cách nhầm lẫn” là đe dọa hạt nhân hoặc đòn tấn công hạn chế phủ đầu có thể làm tê liệt Hoa Kỳ và NATO, bằng cách đó kết liễu xung đột theo những điều kiện do Nga đặt ra" - học thuyết nhận định.
Theo Mỹ, Nga cần hiểu rằng, việc sử dụng hạt nhân đầu tiên dù hạn chế đến đâu chăng nữa vẫn sẽ không thể đạt mục đích, mà lại làm thay đổi bản chất xung đột đến tận gốc rễ và gây ra cho Moscow “những tổn phí không thể tính đếm và không thể chịu đựng nổi”. Do đó, chiến lược của Hoa Kỳ sẽ khiến cho Nga nhận thức được rằng, bất kỳ động tác sử dụng vũ khí hạt nhân dù chỉ hạn chế đều là không được phép.
Trung Quốc, Triều Tiên, Iran: Đều là nguy cơ tiềm tàng
So với Nga thì mức độ bất an về Trung Quốc của Hoa Kỳ ở mức độ thấp hơn. Washington nhận định, Bắc Kinh cũng đang nâng cấp và mở rộng lực lượng hạt nhân một cách đáng kể; tuy nhiên, tiềm lực của Bắc Kinh vẫn không thể so được với Washington và Moscow.
Washington cho rằng, chính vũ khí hạt nhân Mỹ đã ngăn chặn Chiến tranh Thế giới mới
Giống như Nga, Trung Quốc đang sản xuất những vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới, được chế tạo nhằm đạt tới mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực an ninh quốc gia, cũng như xúc tiến hiện đại hóa các loại vũ khí thông thường, đưa ra thách thức đối với ưu thế quân sự truyền thống của Mỹ ở vùng Tây Thái Bình Dương" - học thuyết mới nhận định.
Đối với Mỹ, một nguy cơ mới nổi đang lớn dần là đến từ Triều Tiên. Trong vài năm qua, Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh “những nỗ lực đầy khiêu khích” để có được tiềm lực tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hạt nhân. Ông Kim Jong-un nhiều lần khẳng định rằng, họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Học thuyết dự báo rằng, chỉ sau vài tháng nữa là Triều Tiên sẽ có khả năng giáng đòn tấn công vào Hoa Kỳ bằng tên lửa hạt nhân. Bình Nhưỡng đã trở thành mối đe dọa cụ thể về sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Do đó, chương trình hạt nhân bất hợp pháp của Triều Tiên phải chấm dứt “một lần và mãi mãi”.
Iran và chương trình hạt nhân của nước này vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây lo ngại cho Hoa Kỳ. Chính quyền Tehran xem ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Đông như là mối đe dọa chính và đang tăng cường vị thế để trở thành lực lượng đóng vai trò chủ đạo trong khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ, trực tiếp đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Tehran tiếp tục rót kinh phí vào chương trình tên lửa lớn nhất ở Trung Đông và trong tương lai có thể đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Nước này cũng đang phát triển tiềm lực quân sự phi hạt nhân khác, bao gồm các hệ thống tên lửa hành trình và khả năng chiến tranh trong không gian mạng. Iran cũng có thể tiếp tục đầu tư vào vũ khí hóa học và sinh học.
Vũ khí hạt nhân Mỹ đảm bảo hòa bình thế giới?
Theo học thuyết hạt nhân mà Lầu Năm Góc vừa công bố, Hoa Kỳ đã có công lao lớn giúp thế giới từ hơn 60 năm qua không xảy ra xung đột trên phạm vi toàn cầu. Đây chính là nội dung được nhấn mạnh trong học thuyết hạt nhân mới.
Trong văn kiện lưu ý rằng, các cuộc chiến tranh với hậu quả thảm khốc giữa các cường quốc thế giới là hiện tượng thông thường trước kỷ nguyên kiềm chế hạt nhân.
"Trong nửa đầu thế kỷ 20, trước khi xúc tiến thực hiện học thuyết của Hoa Kỳ về răn đe hạt nhân, trên khắp thế giới có từ 80 đến 100 triệu người đã chết bởi bom đạn trong Thế chiến I và Thế chiến II, tính trung bình 30.000 người chết trong một ngày" - học thuyết nêu rõ.
Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất trong học thuyết là luận điểm “chính tiềm năng hạt nhân của Hoa Kỳ đã mang đóng góp đáng kể vào việc ngăn chặn sự hiếu chiến hạt nhân và phi hạt nhân".
Và để hiện thực hóa tuyên bố này trong học thuyết hạt nhân mới, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ triển khai khắp thế giới cái gọi là lực lượng không quân “tính năng kép”, đủ sức mang cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân.
"Hoa Kỳ sẽ duy trì và củng cố khả năng tiếp tục triển khai máy bay ném bom hạt nhân và máy bay có tính năng kép trên toàn thế giới theo yêu cầu cần thiết. Chúng tôi dự định đổi mới những máy bay có tính năng kép với tiềm lực hạt nhân dựa vào F-35" - văn kiện thông báo.
F-35 là máy bay tiêm kích bom mới nhất thuộc thế hệ thứ năm, đã được đưa vào hệ trang bị của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ những năm gần đây. Trước đó, F-35 không lắp đặt vũ khí hạt nhân, mặc dù khả năng kỹ thuật đã được tính đến khi thiết kế mẫu máy bay này.
Huy Bình (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.