Vũ khí Iran và nỗi đau người Mỹ

Thứ sáu, ngày 22/03/2013 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt)- Giống như chuyện "Gậy ông đập lưng ông". Ngày nay, Iran và Mỹ là “kẻ thù không đội trời chung”, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) Iran lại hình thành với sự giúp đỡ của Mỹ.
Bình luận 0

Ra đời dưới sự bảo trợ của Mỹ

CNQP Iran hình thành từ những năm 1970 dưới thời vua Mohammad Reza Shah Pahlavi. Thời đó, Iran ký thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Anh cung cấp giấy phép sản xuất máy bay, trực thăng, tên lửa đất đối không, thiết bị máy tính và hệ thống quang điện.

img
Qaher-313: là loại máy bay chiến đấu tàng hình một chỗ ngồi của Iran, được xếp vào loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 giống như F-35 của Mỹ. Nó có khả năng làm mù mọi loại radar, có thể đồng thời đối đầu với các máy bay chiến đấu của đối phương, vừa tấn công các mục tiêu mặt đất rất hiệu quả.

Khi đó, bốn công ty nhà nước về CNQP của Iran được lập gồm: Military Industries Organization (MIO) lo sản xuất vũ khí cá nhân, tên lửa, súng cối và pháo binh; Iran Aircraft Industries (IAI) nghiên cứu chế tạo máy bay; Iran Helicopter Industries (IHI) sản xuất trực thăng và Iran Electronics Industry (IEI) sản xuất các linh kiện điện tử. Bốn công ty này đặt dưới sự quản lý chung của MIO và Bộ Chiến tranh.

Cũng trong thời gian này, Iran bắt tay với Israel để cùng phát triển một loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Iran đã cung cấp 280 triệu USD cho dự án, một nhóm các chuyên gia hai bên đã cùng làm việc để xây dựng nhà máy lắp ráp tên lửa ở gần Sirjan (miền trung Iran) cùng một trung tâm thử nghiệm tên lửa.

Tuy nhiên, năm 1979 bùng nổ cuộc cách mạng Iran, chế độ quân chủ Pahlavi bị lật đổ. Chính phủ mới dẹp bỏ tất cả những dự án liên quan phương Tây. Iran-Israel từ đối tác chuyển thành đối đầu, những bất đồng sau đó ngày càng sâu sắc hơn và đến bây giờ họ trở thành “kẻ thù không đội trời chung”.

Khởi động nền CNQP tự chủ

CNQP Iran đủ khả năng để sản xuất hầu hết các trang thiết bị vũ khí cho quân đội. Các sản phẩm của họ là một sự “lai tạp” giữa các hệ thống vũ khí của phương Tây trước đây chuyển giao cho họ trong thời gian quan hệ “trăng mật” với Washington, về sau là các sản phẩm được chuyển giao từ Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

CNQP nay là điểm tựa vững chắc cho lực lượng vũ trang Iran. Trong bối cảnh họ phải sống giữa vòng vây và lăm le sử dụng vũ lực từ Mỹ-Israel, khả năng “tự cung, tự cấp” của CNQP trong nước là một nhân tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.

img
Zulfiqar 1: Nặng khoảng 40 tấn, được điều khiển bởi một kíp lái gồm ba thành viên: trưởng xe, pháo thủ và lái xe. Hiện tại, dòng xe tăng này được phát triển thành ba biến thể: Zulfiqar 1, Zulfiqar 2 và Zulfiqar 3.

Những sản phẩm do Iran tự sản xuất có thể kể đến như: tên lửa đạn đạo chiến thuật Shahab-1, tên lửa đạn đạo tầm trung - gồm loại Shahab-3, các phương tiện bọc thép, xe tăng Zulfiqar, một loại xe tăng được sản xuất dựa trên xe tăng T-72 của Liên Xô và M48 và M60 của Mỹ, các loại xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp dựa trên những mẫu xe sẳn có từ phương Tây hoặc từ Liên Xô.

Các loại tàu chiến cho hải quân như tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ, đặc biệt là tàu tấn công cao tốc. Dự án đóng tàu khá đình đám là tàu khu trục nhỏ đa năng lớp Jamaran có lượng giãn nước khoảng 1.400 tấn, trang bị tên lửa chống hạm tầm xa và tên lửa hải đối không.

Ngoài ra, công nghiệp đóng tàu Iran còn có khả năng đóng các loại tàu ngầm mini lớp Ghadir, tàu ngầm tấn công tải trọng 1.000 tấn lớp Qaaem.

img
Tàu ngầm lớp Ghadir của Iran có tải trọng 120 tấn và có khả năng phóng ngư lôi.

Iran có một danh sách khá dài các loại tên lửa chống hạm, điển hình là tên lửa chống hạm tầm xa Ra’ad tầm bắn 360km được sản xuất dựa trên tên lửa HY-2 của Trung Quốc. Loại tên lửa chống hạm mới nhất được sản xuất gần đây là Qader tầm bắn khoảng 200km. Tất cả các loại tên lửa chống hạm được sản xuất tại Iran phần lớn dựa trên linh kiện và công nghệ từ Trung Quốc.

Về công nghiệp hàng không (CNHK), tiêu biểu là máy bay chiến đấu HESA Saeqeh được sản xuất dựa trên tiêm kích F-5E của Mỹ. Máy bay vận tải IR An-140 được sản xuất theo giấy phép từ Antonov An-40 của Ukraine. Đặc biệt, gần đây Iran đã cho trình làng mẫu máy bay chiến đấu tàng hình Qaher-313, nếu thành công đây có thể coi là bước đột phá lớn của CNHK nước này.

Bên cạnh đó, CNHK Iran còn sản xuất được rất nhiều các loại máy bay không người lái UAV mini phục vụ cho nhiệm vụ do thám và tấn công cảm tử. Các UAV do Iran sản xuất có thể kể đến như Ababil-I,II,III, IV, có phạm vi hoạt động tương đối ngắn (khoảng 150km), chủ yếu phục vụ cho mục đích do thám.

Ngoài ra, Iran còn khởi xướng chương trình phát triển loại máy bay tấn công không người lái UCAV có khả năng tàng hình.

Về các vũ khí phòng không, CNQP Iran cũng sản xuất được gần đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Sao chép thành công tên lửa đối không SM-1 của Mỹ. Sản xuất thành công các loại pháo phòng không dựa trên các sản phẩm của Trung Quốc, Liên Xô và Thụy Sỹ. Nâng cấp thành công tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Liên Xô với tên gọi Fajr-8.

Đặc biệt, sau khi thương vụ mua hệ thống phòng không tầm xa S-300 của Nga không thành, nước này đã tự sản xuất một hệ thống tên lửa phòng không tương tự như S-300 (Bavar-373) để chứng minh khả năng của nền CNQP.

Ngoài ra, Iran cũng đã trình làng loại tên lửa phòng không tầm trung Raad tương tự như SA-11 của Nga.

img
Hệ thống Bavar-373 "nhái" S-300.

Từng bước xuất khẩu vũ khí

CNQP Iran ngoài việc đảm bảo nguồn cung trang thiết bị vũ khí cho quân đội còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Theo các nguồn tin từ chính phủ Iran, năm 2003 họ đã đạt kim ngạch xuất khẩu vũ khí khoảng 100 triệu USD. Vũ khí của Iran chủ yếu được xuất khẩu cho các quốc gia như Lebanon, Yemen, Sudan, Syria các tổ chức Hồi giáo vũ trang không thân thiện với Mỹ.

Đặc biệt, vũ khí của Iran đã được các nhóm Hồi giáo cực đoạn như Hamas, Hezbollah sử dụng để tấn công vào Israel. Vì lý do đó, Mỹ-Israel càng có thêm cái cớ để áp đặt các lệnh cấm vận và đe dọa sử dụng vũ lực với quốc gia Hồi giáo này.

Sự thành công của CNQP Iran trong tình thế bị “bao vây tứ phía” là điều đáng ghi nhận cho nỗ lực của họ đó có thể coi là một điển hình hiếm có. Tuy nhiên, sự tụt hậu về công nghệ so với các quốc gia khác là điều khó tránh khỏi.

Theo Thế giới và hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem