Vụ Liên Kết Việt: Lê Xuân Giang nói sẽ xin, vay tiền để trả cho bị hại
Vụ Liên Kết Việt: Bị cáo Lê Xuân Giang nói sẽ xin, vay tiền để trả cho bị hại
Nguyễn Hoà
Thứ năm, ngày 24/12/2020 15:24 PM (GMT+7)
Hôm nay (24/12), trước khi bước vào nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo trong vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty Liên Kết Việt được nói lời sau cùng.
Vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này có 7 bị cáo.
Gồm: Lê Xuân Giang - Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt); Lê Văn Tú – cựu Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt; Nguyễn Thị Thủy - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt.
Ngoài ra còn có các thành viên nhóm phát triển thị trường của Công ty Liên Kết Việt gồm: Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường.
Các bị cáo bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nói lời sau cùng, "ông trùm đa cấp" Liên Kết Việt Lê Xuân Giang đã xin lỗi bị hại, xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo lời của nam bị cáo, là người lính xuất ngũ, Giang mong muốn tạo công ăn việc làm, phát triển quê hương, giúp đỡ cộng đồng.
"Chỉ do thiếu hiểu biết pháp luật, công ty phát triển quá nhanh, biến tướng xấu. Tôi không chủ động lừa đảo, tôi là người đàng hoàng, không phải lưu manh" – Giang nói.
Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt cũng mong Hội đồng xét xử cân nhắc các yếu tố, giảm nhẹ hình phạt cho mình như khai báo thành khẩn, có mẹ 80 tuổi, con trai mắc hội chứng "tự hủy hoại bản thân".
Lê Xuân Giang nói khi đòi được nợ, sẽ xin, vay gia đình trả hết tiền cho các bị hại.
Với cựu Phó tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thủy, người này khóc, gửi lời xin lỗi tới các bị hại.
Thủy thừa nhận phạm tội do thiếu hiểu biết, nói khi nghe các bị hại trình bày tại phiên tòa mới biết có lỗi với các bị hại rất nhiều.
Thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt là Lê Thanh Sơn thì nói tuổi đời quá trẻ, án bị đề nghị nặng. Sơn bật khóc, gửi lời xin lỗi tới gia đình, bị hại.
Với Vũ Thị Hồng Dung, người này cũng bày tỏ mong muốn được hưởng mức án nhẹ hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.
Trong lời nói sau cùng, Dung đọc một bài thơ mà bị cáo này sáng tác trong thời gian ở trại giam và mong muốn sớm được hòa nhập cộng đồng.
Các bị cáo còn lại đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận cho hành vi phạm tội của mình và đều mong muốn một mức án khoan hồng với bản thân.
Các bị cáo bị cáo buộc đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều bị hại.
Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng vào Công ty Liên Kết Việt, các quy định trái pháp luật về hoạt động đa cấp được đặt ra như chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.
Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước; tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Lê Xuân Giang và đồng phạm còn đặt ra nhiều chương trình thi đua khuyến mại, kích cầu, đánh vào lòng tham của các bị hại. Chúng còn mở các đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó quy định về quyền lợi áp dụng cho các Trưởng Chi nhánh, Văn phòng đại diện, đại lý để khuyến khích các đối tượng này lôi kéo thêm nhiều bị hại tham gia tại các địa phương.
Với cách thức, phương pháp, thủ đoạn như trên, sau 1 năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới, phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh thành.
Chúng lôi kéo được hơn 68000 bị hại tại 49 tỉnh, thành tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, đã nộp cho Lê Xuân Giang và Công ty Liên Kết Việt hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng thu được của các bị hại, sau khi trừ đi số tiền chi trả hoa hồng, tiền thưởng, tiền nuôi bộ máy hoạt động, Lê Xuân Giang và đồng bọn chiếm đoạt hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.