Vụ mạo danh giáo sư cung cấp giống lúa "lạ" cho dân ở Hà Nội: Có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng

Trần Quang Thứ năm, ngày 08/07/2021 11:01 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt về vụ Xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương mạo danh GSTrần Duy Quý chọn tạo giống lúa nếp cái hoa vàng cung cấp cho đại lý kinh doanh giống cây trồng ở Hà Nội, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự".
Bình luận 0
Mạo danh giáo sư cung cấp giống lúa lạ cho dân ở Hà Nội: Có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng - Ảnh 1.

Luật sư Đăng Văn Cương - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin trong bài Vụ bán giống lúa "lạ" cho dân ở Hà Nội, Giáo sư Trần Duy Quý: Tôi bị mạo danh. Cụ thể, theo thông tin mà PV Dân Việt nắm được, ngày 5/6/2021, UBND xã Dục Tú đã tiến hành thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất và phát hiện cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, địa chỉ ở thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) kinh doanh lô giống khoảng 950kg (trong đó 750kg giống nếp cái hoa vàng với giá bán 40.000 đồng/kg (sản xuất tháng 8/2020, hạn dùng đến tháng 8/2021); 190kg giống lúa TĐ25 (ngày sản xuất 20/5/2021, hạn sử dụng: 31/8/2021).

Qua xác minh, tổ công tác phát hiện nhiều vi phạm trong các mẫu giống lúa thu thập được tại cửa hàng Phạm Quang Thấm. Theo đó, các mẫu vỏ bao các giống lúa ở đây không phù hợp với quy định về nhãn mác đối với giống cây trồng quy định tại điều 10, Nghị định 94/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đúng sự thật để nhằm lừa dối khách hàng thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự. 

Cụ thể, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a, Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mạo danh giáo sư cung cấp giống lúa lạ cho dân ở Hà Nội: Có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng - Ảnh 2.

Hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa 2021 (ký ngày 15/5/2021) giữa xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương (Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) và ông Phạm Quang Thấm, chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm có đề cập đến GS.TSKH Trần Duy Quý là người chọn tạo giống lúa. Ảnh: Trần Quang

Trao đổi thêm về vụ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm ở Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) kinh doanh một số giống lúa chưa được cấp phép lưu hành như phản ánh của báo điện tử Dân Việt qua bài: Hà Nội: Ngang nhiên bán giống lúa "lạ" của Giáo sư chưa được cấp phép cho dân sản xuất nhưng không bị... xử lý, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật trồng trọt thì giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính chỉ được phép sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu sau khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng quy định tại Điều 15 của Luật này hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 16 của Luật này, trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu.

Đồng thời Điều 9 Luật trồng trọt cũng quy định về việc nghiêm cấm sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc;…

Như vậy, có thể thấy về nguyên tắc việc kinh doanh giống lúa nói chung và giống cây trồng nói riêng phải đảm bảo bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, được công nhận lưu hành theo quy định pháp luật. Do đó, việc doanh nghiệp kinh doanh giống lúa không rõ nguồn gốc, chưa được công nhận lưu hành giống lúa là vi phạm quy định pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm lại không có quy định về xử phạt hành chính về hành vi buôn bán giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính nhưng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc hành vi buôn bán giống cây không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định, do đó chưa đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm.

Có thể thấy thời điểm ban hành Nghị định 31/2016/NĐ-CP là trước khi Luật trồng trọt năm 2018 được ban hành. Do đó, những quy định về xử phạt vi phạm tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP chưa phù hợp với Luật trồng trọt và Nghị định này cần được sớm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế phù hợp với quy định hiện hành.

Mạo danh giáo sư cung cấp giống lúa lạ cho dân ở Hà Nội: Có dấu hiệu của tội Lừa dối khách hàng - Ảnh 3.

Cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm ở thôn Dục Tú 2, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) mới bị cơ quan chức năng phát biện kinh doanh giống lúa lạ cho người dân. Ảnh: Trần Quang.

Theo luật sư Cường, hiện nay, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt để triển khai thi hành Luật Trồng trọt 2018 và lấy ý kiến đóng góp sửa đổi dự thảo để hoàn thiện và trình Chính phủ.

Trong dự thảo Nghị định này cũng đã bổ sung mức phạt đối với hành vi buôn bán giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính nhưng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc hành vi buôn bán giống cây không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Dự thảo này thì quy định:

- Phạt tiền đối với hành vi buôn bán giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính nhưng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc chưa có Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng theo mức phạt sau đây:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa có trị giá dưới 50.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 20.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa có trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa có trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Hoặc khoản 2, khoản 3 Điều 10 Dự thảo này quy định:

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán giống cây không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định.

3. Phạt tiền đối với hành vi buôn bán giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định theo mức phạt sau đây:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán lô giống có số lượng dưới 100 cây giống;

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán lô giống có số lượng từ 100 cây đến dưới 200 cây giống;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán lô giống có số lượng từ 200 cây đến dưới 500 cây giống;

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán lô giống có số lượng từ 500 cây giống trở lên. Như vậy, khi Dự thảo này được Chính Phủ phê duyệt thì mới có cơ sở áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm nêu trên.

Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, GS Trần Duy Quý khẳng định mình đã bị mạo danh. GS Trần Duy Quý ta ra bất ngờ và rất bức xức khi mình bị mạo danh đứng tên trong hợp đồng thực hiện mô hình trình diễn giống lúa nếp cái hoa vàng vụ mùa 2021 (ngày 15/5/2021) giữa xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương (chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương) ký với chủ cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội).

GS Quý cho rằng: "Trước đây. tôi chủ yếu chọn tạo giống lúa tẻ và siêu lúa. Hiện giờ tôi đã nghỉ hưu và không làm giống nữa mà tập trung vào chơi lan đột biến. Trong vụ việc trên, có thể giống lúa mới do anh em mới chọn tạo ra và mượn danh tôi thôi chứ không thấy ông Thượng (ông Vũ Thế Thượng - Giám đốc xí nghiệp giống cây trồng Quý Dương) trao đổi lại gì.

Không xử lý là không đúng với quy định của pháp luật

Sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm của cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm, UBND xã Dục Tú đã làm báo cáo gửi lên Trạm bảo vệ thực vật, Phòng kinh tế huyện Đông Anh để phối hợp xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, qua xác minh lại vụ việc cho thấy, việc vi phạm của cửa hàng giống cây trồng Phạm Quang Thấm không đủ căn cứ để xử lý hành chính theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật nên địa phương này chỉ yêu cầu chủ cửa hàng lên nhắc nhở và làm cam kết không tái phạm.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho rằng: Mặc dù Luật Trồng trọt nới lỏng đầu vào, nhưng về mặt nguyên tắc, cá nhân/tập thể nào muốn kinh doanh giống vẫn buộc phải có quyết định công nhân lưu hành. Cũng theo Luật Trồng trọt, muốn kinh doanh giống nào, ở đâu bắt buộc phải đăng ký với đơn vị quản lý là Sở NNPTNT.

Vấn đề xử phạt, hiện nay vẫn áp dụng theo Nghị định 31 /2016/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Mức phạt cho hành vi vi phạm cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng, tập thể là 100 triệu đồng với các hành vi vi phạm như:

- Kinh doanh giống cây trồng hết hạn sử dụng;

- Kinh doanh giống cây trồng không có tên trong Danh Mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông, lâm nghiệp mới.

Thậm chí, nếu vi phạm ở mức độ cao hơn như buôn bán giống giả quy mô lớn, gây thiệt hại sản xuất nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Khi đã lập biên bản vi phạm hành chính thì phải có hành vi vi phạm hành chính. Chính vì thế việc không xử lý là không đúng với quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem