Vụ Năm Cam và những chuyên án "khủng" làm nên thương hiệu Cảnh sát nhân dân
Vụ Năm Cam và những chuyên án "khủng" làm nên thương hiệu Cảnh sát nhân dân
An Di
Thứ hai, ngày 18/07/2022 12:02 PM (GMT+7)
Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã đấu tranh, điều tra khám phá nhiều trọng án như vụ Năm Cam ở TP.HCM, giết 3 người để cướp tiệm vàng tại hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang năm 2011; Nguyễn Đại Dương cùng đồng bọn sát hại dã man 6 người trong cùng một gia đình tại Bình Phước gây rúng động dư luận cả nước...
Theo tổng kết của Bộ Công an, chỉ riêng giai đoạn 2011-2021, lực lượng CSND đã xác lập, đấu tranh hàng chục nghìn chuyên án. Số lượng chuyên án trong 10 năm qua đã tăng hơn 70% so với giai đoạn cùng kỳ trước đó (2000-2010). Lực lượng CSND đã triệt phá hàng nghìn đường dây, tổ chức tội phạm, khám phá hàng trăm nghìn vụ án, bắt giữ hàng trăm nghìn đối tượng phạm tội rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Đặc biệt, Bộ Công an đã chọn lọc, tập hợp 60 chuyên án điển hình, tiêu biểu trong hàng chục nghìn chuyên án trên, đưa vào kỷ yếu đặc biệt tại Hội nghị tổng kết các chuyên án điển hình của lực lượng CSND.
Trong 60 chuyên án đã được Bộ Công an tổng kết, trong đó có rất nhiều chuyên án đấu tranh với băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" tương tự như vụ Năm Cam ở TP.HCM hay Khánh "trắng" ở Hà Nội. Những chuyên án truy xét, điều tra khám phá các vụ trọng án giết 3 người để cướp tiệm vàng tại hiệu vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang năm 2011; đối tượng Nguyễn Đại Dương cùng đồng bọn sát hại dã man 6 người trong cùng một gia đình tại Bình Phước gây rúng động dư luận cả nước; hay chuyên án điều tra truy bắt đối tượng giết người, đốt xác tạo hiện trường giả nhằm chiếm đoạt tiền 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm ở Đắk Nông… đều là những chuyên án điển hình cho tinh thần mưu trí, sáng tạo, quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm của lực lượng CSND.
Ông trùm Năm Cam bị công an dẫn giải đến một phiên tòa. Ảnh: Gettyimages
Nhắc tới vụ án đối tượng nguyên là Bí thư xã giết người dã man, đốt xác, tạo hiện trường giả nhằm trốn khoản nợ 20 tỷ đồng và chiếm đoạt 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, Ban chuyên án đã lật mặt và bắt giữ đối tượng Đỗ Văn Minh (SN 1971, trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Kết quả của chuyên án thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an tỉnh Đắk Nông với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh và đặc biệt là tinh thần mưu trí, quyết tâm đưa kẻ thủ ác ra trừng trị trước pháp luật của lực lượng CSND.
Vụ thảm án Nguyễn Đại Dương giết 6 người trong một đêm ở Bình Phước cũng gây ám ảnh cho nhiều người cho đến tận bây giờ. Do bị người yêu từ chối tình cảm, đối tượng Dương đã lên kế hoạch, rủ đồng bọn đột nhập biệt thự nhà người yêu trong đêm rồi lạnh lùng, tàn bạo sát hại dã man 6 người. Chuyên án điều tra bắt giữ đối tượng được chính Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trực tiếp. Chỉ vài ngày sau khi gây án, những kẻ thủ ác đã bị bắt giữ, chịu sự trừng trị của pháp luật.
Một trong những chuyên án đứng đầu về thời gian điều tra, vô cùng khó khăn, phải kể tới chuyên án đấu tranh, triệt xóa băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm do đối tượng Lê Văn Thọ (tức Thọ "sứt", là phạm nhân chấp hành án tù tại Trại giam Nam Hà) cầm đầu thực hiện. Chuyên án với thời gian kéo dài tới 5 năm. Có nhiều chi tiết đặc biệt, "vô tiền khoáng hậu" trong vụ này như đối tượng chủ mưu là Thọ "sứt" khi đó đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nam Hà nhưng vẫn tìm cách chỉ đạo đám đàn em đang ở ngoài xã hội thực hiện hàng loạt các vụ ném chất nổ vào nhà dân, những người mà Thọ "sứt" cho rằng đã bắt giữ, ngăn cản, truy bắt, chặn đường phạm tội, tống y vào tù.
Chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm do Thọ "sứt" cầm đầu đã góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân, đảm bảo an toàn cho bị hại, nhân chứng, cán bộ thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm.
Nguyễn Hải Dương, kẻ hận tình đã gây ra vụ thảm sát, giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước. Ảnh: NLĐ
Nhắc đến chuyên án triệt phá đường dây tội phạm ma túy do Tráng A Tàng (SN 1982, ở Mộc Châu, Sơn La) còn gọi là Tàng "Keangnam" cầm đầu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết: Không chỉ chuyên án Tàng "Keangnam", trong 10 năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy của Cục và Công an các địa phương đã triệt xóa hàng trăm nghìn vụ án và chuyên án ma túy.
Có chuyên án các đối tượng vận chuyển, mua bán hàng nghìn bánh heroin, xuyên quốc gia, với những thủ đoạn cất giấu, vận chuyển tinh vi, xảo quyệt, cùng hành vi côn đồ, manh động, sẵn sàng sử dụng súng để chống trả lực lượng vây bắt.
Những chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia được lực lượng Cảnh sát Công an các tỉnh như Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bình Dương, Hải Phòng, Hậu Giang… triển khai cũng đã trở thành những bài học kinh điển trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CSND.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, những chuyên án ở "mảng" hình sự, đặc biệt là công nghệ cao , "tín dụng đen", đánh bạc bằng công nghệ cao hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm số lượng lớn trong 60 chuyên án điển hình được Bộ Công an tổng kết.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng kéo theo không ít những nguy cơ các đối tượng tội phạm lợi dụng công nghệ cao để gây án.
Từ việc nhận diện và đấu tranh hiệu quả với những chuyên án này, lực lượng CSND đã phát hiện nhiều "lỗ hổng" trong quản lý, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường những biện pháp phòng, chống, không để tội phạm công nghệ cao lợi dụng sơ hở hoạt động.
Đặc biệt, Cơ quan CSĐT các cấp cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho đông đảo người dân nắm vững, hiểu sâu các thủ đoạn gây án của các đối tượng phạm tội, từ đó chủ động phòng tránh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.