Vụ nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận bị bắt dưới góc nhìn pháp lý

Phi Long Thứ hai, ngày 13/01/2025 06:40 AM (GMT+7)
Theo luật sư, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Công an bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận

Ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận. 

Cùng thời điểm nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cũng ra quyết định khởi tố bị can và khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Ngọc Cường, nhân viên Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở GDĐT (ông Cường được áp dụng biện pháp ngăn chặn do đang bị bệnh hiểm nghèo).

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hồng Sơn (55 tuổi, quê quán tỉnh Bắc Ninh) Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC, nơi đăng ký thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội. 

Được biết, ông Nguyễn Hồng Sơn đang bị truy nã theo Quyết định truy nã số 08/QĐTN-CSKT-P9 ngày 9/9/2022 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an nên cơ quan điều tra tống đạt quyết định về nơi cư trú.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, cả bốn bị can nói trên đều bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ Luật hình sự.

Trước đó, vào trung tuần tháng 11/2024, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đối với ông Phan Đoàn Thái.

Ông Phan Đoàn Thái bị các cơ quan chức năng xác định có sai phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC), có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Phan Đoàn Thái. Thời gian thi hành kỷ luật bắt đầu từ ngày Quyết định số 1504-QĐNS-TW ngày 27/8/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có hiệu lực.

Trước đó, ngày 4/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với ba gói thầu (Sở GDĐT tỉnh làm chủ đầu tư) do Công ty AIC trúng thầu.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định các cá nhân tại Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với các cá nhân tại Công ty AIC, chỉnh sửa hồ sơ đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Vụ nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận bị bắt dưới góc nhìn pháp lý- Ảnh 2.

Lực lượng Công an triển khai khám xét nhà riêng nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PP.


Theo kết luận thanh tra, 3 gói thầu do Sở GDĐT Bình Thuận làm chủ đầu tư đều là cấu hình các thiết bị phòng học thông minh do Công ty AIC cung cấp và hồ sơ dự thầu có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tự vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Cụ thể, gói thầu mua sắm thiết bị phòng học năm 2016 giá trị là 12,453 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào chỉ là 4,9 tỷ đồng, chênh lệch hơn 7,4 tỷ đồng.

Còn gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh năm 2017 giá trị hơn 12,6 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào là 5,9 tỷ đồng, chênh lệch hơn 6,7 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh cho 10 Trường THCS thuộc các xã nông thôn mới năm 2017 giá trị hơn 2,1 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào là 899 triệu đồng, chênh lệch hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty AIC cung cấp không đúng theo hợp đồng về model, thông số kỹ thuật, xuất xứ nhưng Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận vẫn ký Biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong đó có thiết bị ghi xuất xứ từ Singapore nhưng thực tế thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc…

Quy định về tội vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 87 Luật Đấu thầu 2023 quy định, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định trong đấu thầu tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng cụ thể như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.

Trường hợp người phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Người phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài các khung hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem