Từ vụ Chủ tịch Thuận An Group Nguyễn Duy Hưng bị bắt, thế nào là vi phạm đấu thầu?

Quang Trung Thứ tư, ngày 17/04/2024 13:17 PM (GMT+7)
Sau vụ ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Thuận An Group bị bắt, bạn đọc đặt câu hỏi, thế nào là vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận 0

Bắt ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Thuận An Group

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group). Ông Hưng bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Từ vụ Chủ tịch Thuận An Group Nguyễn Duy Hưng bị bắt, thế nào là vi phạm đấu thầu?- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Duy Hưng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Ông Hưng bị bắt trong quá trình Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ" xảy ra tại Thuận An Group và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Cùng vụ án, C03 ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Thế Du - Trưởng phòng Ban quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Thuận An Group về tội đưa hối lộ.

Ông Nguyễn Khắc Mẫn - Phó tổng Giám đốc Thuận An Group, bị C03 khởi tố, bắt tạm giam về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ".

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam hai cán bộ gồm ông Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang) và Đàm Văn Cường (Phó Giám đốc ban).

Cả hai bị can trên bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội nhận hối lộ…

Hiểu rõ về hành vi vi phạm đấu thầu

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Điều 222 Bộ luật hình sự quy định hành vi vi phạm về đấu thầu là thực hiện một trong các hành vi sau đây: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc chuyển nhượng thầu trái phép.

Hành vi cấu thành tội phạm khi gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân từ 100 triệu đồng trở lên. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Chủ thể của tội danh này thường là người có chức vụ quyền hạn, thuộc các cơ quan Nhà nước khi được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu đối với các loại gói thầu xây lắp, mua sắm…

Ngoài ra, chủ thể của tội danh này cũng có thể là các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác với hành vi giúp sức cho người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi vi phạm về đấu thầu gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân. Hành vi này còn gây ra sự mất công bằng, không bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, khiến cho Nhà nước không lựa chọn được đơn vị là các nhà thầu có uy tín, hoặc mua sắm phải các tài sản giá trị không tốt mà phải chi phí nhiều…

Theo ông Cường, bản chất của hoạt động đấu thầu là thủ tục để lựa chọn nhà thầu phù hợp hoặc đấu thầu mua sắm tài sản sao cho giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.

Nếu các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu không tuân thủ pháp luật về luật đấu thầu, hoạt động đấu thầu sẽ phát sinh tiêu cực, Nhà nước sẽ không lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự hoặc phải mất nhiều tiền của để mua sắm phải những tài sản giá trị thấp, kém chất lượng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, mất uy tín của Nhà nước và không đảm bảo cạnh tranh mạnh mạnh, gây bất bình đẳng trong xã hội.

Vị chuyên gia cho rằng, thời gian qua cơ quan điều tra Bộ công an liên tục khởi tố các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng cơ bản, các hoạt động liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, khai thác mỏ…

Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả, một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng đạo đức, bị mua chuộc dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem