Bộ trưởng Bộ Y tế: Có đơn vị, cán bộ e ngại việc đấu thầu, mua sắm thuốc

Diệu Linh Thứ hai, ngày 11/11/2024 17:00 PM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc.
Bình luận 0

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV chiều 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, theo phản ánh của các nhà thuốc bệnh viện, vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc và trên thực tế vẫn còn những thời điểm người dân khám bệnh xong nhưng không thể mua thuốc được tại nhà thuốc bệnh viện, ảnh hưởng đến việc điều trị. 

"Xin Bộ trưởng cho biết, vướng mắc này do đâu và bao giờ sẽ giải quyết được vướng mắc này?", bà Thủy chất vấn. 

Về điều này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH Kon Tum) cũng đặt vấn đề: "Việc để xảy ra tình trạng thiếu thuốc có phải do số bộ phận thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện đấu thầu của các cơ sở y tế này không? Nếu có thì Bộ trưởng đã xử lý như thế nào?". 

Quyết liệt các giải pháp xử lý tình trạng thiếu thuốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận thực tiễn có đơn vị, cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, e ngại sai phạm nên triển khai việc đấu thầu, mua sắm thuốc còn vướng mắc. (Ảnh Quochoi)

Trả lời các chất vấn về việc thiếu thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian trước có điểm nghẽn về pháp luật. 

Tuy nhiên, Quốc hội, Chính phủ có nhiều nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn đó như Luật Đấu thầu, Luật Khám chữa bệnh... như vậy những điểm nghẽn về pháp lý cơ bản giải quyết được.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, để đấu thầu mua thuốc có ba cấp: Mua sắm tập trung ở Bộ Y tế; Mua sắm tại tỉnh và giao cho các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện; Mua sắm ở các cơ sở y tế.

Bộ trưởng nêu rõ, với những vướng mắc trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều và Luật Đấu thầu đã có hiệu lực từ 1/1/2024, tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai các quy định mới. 

Do các văn bản quy định mới nên vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu cũng như bố trí nhân lực để triển khai thực hiện còn khó khăn… cần thời gian để triển khai. Vì vậy, Bộ Y tế, đã làm việc với các địa phương, thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Bộ Y tế xây dựng sổ tay cẩm nang hướng dẫn đấu thầu thuốc để các địa phương có năng lực triển khai thực hiện. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận thực tiễn có đơn vị, cán bộ chưa dám nghĩ, dám làm, e ngại sai phạm nên triển khai việc đấu thầu, mua sắm thuốc còn vướng mắc. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 24 quy định trách nhiệm của người đứng đầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm liên quan tới việc đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Nội dung này cũng đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và đây là trách nhiệm bắt buộc. Đồng thời Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc sẽ tiếp tục tháo gỡ.

Bộ Y tế mong muốn Giám đốc cơ sở y tế tập trung triển khai nhiệm vụ hết sức quan trọng này. Về vướng mắc cơ chế, Bộ trưởng chỉ rõ có địa phương phân công cho trung tâm y tế, Sở Y tế mua sắm thực hiện. Trong quá trình triển khai có vướng mắc thì phân cấp cho cơ sở y tế.

Vì vậy, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến huyện phải triển khai mua sắm khó khăn. Việc phân bổ nguồn lực, lên kế hoạch còn thiếu chủ động. Vì vậy, các giải pháp về tổ chức thực hiện cũng cần được xem xét triển khai hiệu quả. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem