Vụ nhân viên Sở Y tế bị tố bằng giả: Lật tẩy phòng nha "chui", bác sĩ rởm

Quốc Ngọc Thứ tư, ngày 27/04/2016 06:54 AM (GMT+7)
Hiểm họa từ một phòng khám không phép do bác sĩ dỏm điều hành, hoạt động công khai trong bao nhiêu năm là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng mãi đến khi báo chí phản ánh, địa phương và ngành y tế mới cuống cuồng “chạy theo” kiểm tra, xử lý, rồi hứa chấn chỉnh, tăng cường quản lý…
Bình luận 0

Liên quan đến vụ nhân viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Sở Y tế TP.HCM bị tố làm bằng giả, ngày 25.4, Báo Dân Việt đã tiếp tục vạch trần hoạt động trái phép của một phòng khám nha khoa do bác sĩ dỏm - sử dụng bằng giả từ đường dây của Hồ Quang Hải cung cấp - trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân.

Đầu tư phòng nha để làm cho… người nhà!?

Ngay khi bài báo được đăng tải, 16h chiều cùng ngày 25.4, UBND phường 13, quận 4 (TP.HCM) phối hợp với Phòng y tế quận tiến hành kiểm tra “đột xuất” Công ty TNHH TM y nha khoa Đăng Quang tại số 485 Đoàn Văn Bơ, Quận 4.

Tại thời điểm kiểm tra, tuy không có bệnh nhân, nhưng có đầy đủ cơ sở khẳng định phòng khám nha khoa của công ty này đang hoạt động. Bởi đoàn kiểm tra ghi nhận, phòng nha của cơ sở này có 1 ghế khám răng, auto clave, tủ cực tím, máy cạo vôi răng Woodpecker, 2 đèn trám Composite Woodpecker. Đoàn còn phát hiện thuốc tê Lignospan Standard, nhiều dụng cụ nha khoa đang được ngâm trong khay nhựa, 2 dấu làm răng giả và giỏ rác có găng tay cao su, thạch cao vụn và 10 cây hút nước bọt vừa sử dụng.

img

 “Bác sĩ” Quang đang “hành nghề” tại phòng khám “chui” Nha khoa Đăng Quang.

“Bác sĩ” Lê Đăng Quang - chủ cơ sở - chỉ xuất trình được bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp số 972442/GD-ĐT chuyên ngành “y sỹ răng trẻ em” do Trường Đại học Y Dược TP.HCM cấp ngày 19.4.2002. Cơ sở cũng chỉ có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Ông Quang không xuất trình được giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám nha khoa. Bản thân ông dù trực tiếp khám chữa bệnh cũng không xuất trình được chứng chỉ hành nghề (CCHN).

Đoàn không tìm thấy sổ ghi bệnh tại phòng khám. Trước đó, khi chúng tôi thâm nhập thực tế chữa răng tại đây, nhân viên phòng khám nha khoa Đăng Quang đã ghi lại tên tuổi, số điện thoại của phóng viên trong sổ ghi bệnh. Ông Quang khai nhận phòng khám chữa bệnh răng hàm mặt của ông đã hoạt động từ tháng 3.2014 đến nay và chỉ “làm” cho người nhà, bạn bè!?

Chuyển Thanh tra Sở Y tế xử lý

Trao đổi với chúng tôi ngày 26.4, bà Đoàn Bích Hồng - Trưởng phòng y tế quận 4 - khẳng định, Nha khoa Đăng Quang là phòng khám hoạt động trá hình. Hiện UBND phường 13 đã có văn bản báo cáo UBND quận 4. Nếu xác định mức độ vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của địa phương, sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để tiếp tục xử lý.

img

Bảng hiệu của phòng khám “chui” Nha khoa Đăng Quang gắn từ đầu đường Đoàn Văn Bơ và xung quanh địa chỉ số 485 Đoàn Văn Bơ cách ngang nhiên như thế mà địa phương và ngành y tế không phát hiện được?

Chúng tôi đặt vấn đề một phòng khám không phép do bác sĩ dỏm thực hiện, lại ngang nhiên hoạt động bao nhiêu năm trên địa bàn mà vì sao địa phương không hay biết? Bà Hồng cho rằng, do phòng khám nha khoa hoạt động “trong” Công ty TNHH TM y nha khoa Đăng Quang nên cơ sở này không nằm trong danh sách kiểm tra định kỳ hằng năm của quận nên chưa phát hiện (?). Nay qua vụ việc này, quận sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, phối hợp với các đơn vị liên quan, phân công cán bộ phụ trách địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những phòng khám chưa có phép hoạt động, hoặc hoạt động dưới nhiều hình thức gian lận, trá hình.

Cũng trong ngày 26.4, ông Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết, qua những gì mà đoàn kiểm tra do UBND phường 13 phối hợp Phòng y tế quận 4 ghi nhận cũng như bằng chứng từ báo chí cung cấp, đã có đầy đủ cơ sở để xử lý. Thanh tra sở đã yêu cầu Phòng y tế quận 4 chuyển hồ sơ lên để thanh tra xem xét, tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Như thế từ đơn tố cáo của bạn đọc về nhân viên thuộc Sở Y tế làm bằng giả và có liên quan đến đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải (tuyên án 4 năm tù giam năm 2014), phóng viên chúng tôi đã vào cuộc xác minh. Trong quá trình đó, tiếp tục phát hiện nhiều khuất tất từ việc cấp CCHN của sở. Choáng váng hơn, chúng tôi còn phát hiện phòng khám nha khoa liên quan trong đường dây bằng giả nói trên vẫn hoạt động công khai không phép, “bác sĩ” không CCHN v.v…

Vậy còn có bao nhiêu kiểu làm ăn phi pháp, hành vi đáng xử lý hình sự như thế đang diễn ra mà cơ quan quản lý y tế không biết hoặc cố tình không biết? Chẳng lẽ phải đợi đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tương tự như vụ án mạng “thẩm mỹ viện Cát Tường”, ngành chức năng mới “biết” phải làm gì?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem