Trong lúc Sở Y tế TP.HCM đang “khẩn trương xử lý nghiêm” vụ việc liên quan đến làm bằng giả mà một nhân viên thuộc Sở Y tế TP.HCM bị tố cáo là một “mắt xích”, phóng viên đã đến thực tế tại phòng khám Nha khoa Đăng Quang (số 485 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM) để xác minh về “bác sĩ” đang hành nghề tại đây.
Chiều 20.4, phòng khám Nha khoa Đăng Quang liên tục có bệnh nhân đến làm răng. Người khám, điều trị răng cho các bệnh nhân tại đây chính là ông Lê Đăng Quang (36 tuổi) - người từng bị công an triệu tập vì mua bằng y sĩ đa khoa giả và bằng bác sĩ răng hàm mặt giả từ đường dây của Hồ Quang Hải.
Theo tìm hiểu, lịch làm việc ở đây từ 14h đến 20h, từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Trên danh thiếp, “bác sĩ” Quang chuyên khám, điều trị nha tổng quát, nha thẩm mỹ, implant, chỉnh nha.
Phóng viên cũng được “bác sĩ” Quang khám tổng quát răng miệng và thực hiện điều trị, lấy tủy răng sâu với giá 700 nghìn đồng và theo "bác sĩ" này, đợt điều trị phải kéo dài nhiều lần.
“Bác sĩ” Quang đang chữa răng sâu cho bệnh nhân. Ảnh: Quốc Ngọc
Trước đó, thời điểm xảy ra vụ án, tại cơ quan điều tra, Quang khai năm 2010 đang học ngành y Đại học Hồng Bàng, lớp 09T3 do Hải làm giáo viên chủ nhiệm. Sau đó do bận việc gia đình, Quang nghỉ ngang. Hải đề nghị làm bằng “y sĩ đa khoa” và bằng “bác sĩ răng hàm mặt” cho Quang với giá 30 triệu đồng/bằng. Quang đồng ý, nhưng sau khi nhận bằng, biết bằng giả không có hồ sơ gốc nên Quang không sử dụng.
Vậy, việc hiện nay ông Quang đang hành nghề “bác sĩ nha khoa” công khai theo như ghi nhận của phóng viên, có nghĩa ông ta là... bác sĩ dỏm và hành nghề trái phép? Bởi, Sở Y tế TP.HCM khẳng định "chưa hề cấp chứng nhận hành nghề cho ai tên là Lê Đăng Quang" theo dữ liệu mà phóng viên cung cấp.
Các bằng cấp y, dược giả mà Hồ Quang Hải đã làm cho "bác sĩ" Lê Đăng Quang. Ảnh: Quốc Ngọc
Một người không được đào tạo chuyên môn như ông Quang, nhưng vẫn ngang nhiên khám - chữa bệnh cho người dân sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.