Vụ Quang Hải bị hack facebook: Im lặng không phải là khôn ngoan

Hà Thúy Phương Thứ sáu, ngày 26/06/2020 10:48 AM (GMT+7)
Trước sự việc cầu thủ Quang Hải bị hack facebook cá nhân cùng nhiều vụ việc thông tin đời tư của người nổi tiếng bị xâm phạm gần đây, Truyền hình Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Người của công chúng, mạng xã hội và những cạm bẫy rình rập".
Bình luận 0
Qua sự việc Quang Hải bị hack facebook cần biết bài học xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp đối với người nổi tiếng - Ảnh 1.

Tọa đàm "Người của công chúng, mạng xã hội và những cạm bẫy rình rập" do Truyền hình Dân Việt tổ chức.

Người nổi tiếng phải chấp nhận để công chúng nâng lên hạ xuống bất cứ lúc nào

Tại tọa đàm, nhà văn Di Li cho biết bị hack facebook là việc không hiếm khi xảy ra đối với mỗi người. Chính nữ nhà văn có lần đăng ảnh trên trang cá nhân và sau đó thấy bức ảnh của mình bị gắn rất nhiều người lớn tuổi vào làm chị rất ngại. Việc đó khiến nhà văn vô cùng sợ hãi và có cảm giác như ngôi nhà của mình đang có kẻ rón rén đi vào rồi đi ra và để lại dấu vết.

Theo nhà văn Di Li, mọi người thường có suy nghĩ rằng người nổi tiếng - thần tượng là không tì vết, trong veo, không được làm gì xấu, làm gì cũng phải như tiên. Khi đã là người của công chúng thì mọi người có quyền phán xét, người nổi tiếng sẽ không được sống thật, công chúng có quyền nâng lên hạ xuống lúc nào họ muốn. Người nổi tiếng phải chấp nhận hai mặt khi là người của công chúng. Bất kỳ câu chuyện thầm kín nào khi ra công luận đều rất buồn cười. 

Khi là người của công chúng cần phải rất cẩn thận. Tất cả thông tin liên quan đến bảo mật như trang cá nhân, tin nhắn hay các nhóm chat… đôi khi với bạn bè, người thân có thể văng tục hoặc hơi lố, nhưng khi lọt ra ngoài sẽ rất phản cảm. Những phương tiện thông tin như vậy không có độ tin cậy, điện thoại, máy tính có thể bị mất bất cứ lúc nào. Có rất nhiều rủi ro, đặc biệt khi đã là giấy trắng mực đen, tin nhắn đã viết ra thì không thể xóa hay chối cãi được. Bởi vậy, việc đầu tiên là phải "cẩn tắc vô áy náy" với những phương tiện giao tiếp này.

Qua sự việc Quang Hải bị hack facebook cần biết bài học xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp đối với người nổi tiếng - Ảnh 2.

Trước sự việc tài khoản cá nhân bị hack cùng với những thông tin riêng tư của cầu thủ Quang Hải bị tiết lộ, nhà văn Di Li cho rằng với bất kỳ một sự việc nào xảy ra, dư luận lúc nào cũng có hai luồng công kích và bênh vực, đó là điều buộc phải chấp nhận. Dù không đánh giá sự việc của cầu thủ Quang Hải theo quan điểm cá nhân, nhưng nhà văn Di Li cho rằng bản thân "nhân vật chính" – người bị tai nạn vẫn có lỗi theo một cách nào đó. Theo nữ nhà văn có kinh nghiệm nghiên cứu việc xử lý khủng hoảng truyền thông, để lựa chọn giữa việc Không được phép làm điều đó còn dễ hơn việc Sống thật và muốn làm gì thì làm. Theo chị, nếu ai đó nghĩ như vậy thì hãy quên đi việc trở thành người nổi tiếng. Với chị, dù quan điểm này hơi tàn nhẫn nhưng có thể coi đó là cái giá của danh vọng.

Im lặng không phải là chuyên nghiệp mà phải xin lỗi

Qua sự việc Quang Hải bị hack facebook cần biết bài học xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp đối với người nổi tiếng - Ảnh 3.

Quang Hải sẽ làm gì trước khủng hoảng bị hacker xâm phạm cuộc sống cá nhân.

Trong tọa đàm, ý kiến của các khách mời về việc xử lý vụ việc xâm phạm thông tin đời tư là đưa sự việc ra pháp luật. Đây chính là cách giải quyết dứt điểm câu chuyện của người bị hại và làm bài học cho những kẻ hack thông tin của những người khác. 

Bất kỳ quốc gia nào cũng có luật về việc này, nhưng vấn đề là xử lý đến đâu. Người bị hại lúc nào cũng nhận được sự cảm thông của công chúng, nhưng ngoài câu chuyện về pháp luật và thông tin còn có câu chuyện "nhân vật chính" bị phán xét như thế nào. Khi những hành vi được coi là lệch chuẩn đó được giấu kín thì coi là "khuất mắt trông coi", nhưng khi đã bị lộ ra thì cũng là một sự ảnh hưởng cho công chúng. 

Việc khôn ngoan mà "nhân vật chính" cần làm là xin lỗi những người liên quan trong câu chuyện, đồng thời xin lỗi công chúng. Vì khi là người của công chúng, ta thuộc về họ. Khi làm điều tốt đẹp thì người đó truyền cảm hứng đến cho công chúng và khi làm điều tệ thì tinh thần của những người hâm mộ cũng xuống dốc theo. Không nên im lặng mà nên xin lỗi những người liên quan, đó là cách chuyên nghiệp. 

Im lặng chỉ nên làm khi sự việc chưa rõ ràng. Khi sự việc đã rõ ràng chỉ có hai lựa chọn sự thật hoặc không sự thật. Nếu là sự thật thì lên tiếng thì bào chữa, mà không là sự thật thì xin lỗi. Im lặng lúc này không phải là khôn ngoan. Trước khủng hoảng truyền thông, chúng ta phải xin lỗi công chúng và được quyền đưa ra lời kêu gọi sự cảm thông chia sẻ. Đó cũng là phương án mà nữ nhà văn có kinh nghiệm nghiên cứu về xử lý khủng hoảng truyền thông đưa ra.

Qua sự việc Quang Hải bị hack facebook cần biết bài học xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp đối với người nổi tiếng - Ảnh 4.

Ca sĩ Văn Mai Hương nhận được sự thông cảm của công chúng khi bị hacker tấn công camera riêng tư và phát tán hình ảnh cá nhân của cô.

Theo nữ nhà văn, với người nổi tiếng có sự chuyện nghiệp, phải có kịch bản sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng vì chậm phút nào là hỏng phút đó. Việc này mang tính khẩn cấp như bị bệnh cần cấp cứu. Người nổi tiếng cần phòng xa, phòng chống, phòng bệnh, phải lên kế hoạch xử lý. Không có công ty quản lý thì người đó phải tự làm, nếu có bản lĩnh và chuyên nghiệp thì bất cứ chuyện gì cũng có thể giải quyết được. Còn nếu sống kiểu được chăng hay chớ, không biết ngày mai ra sao, hành động một cách bản năng không có sự chuẩn bị thì đó là sự thiếu chuyên nghiệp. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với người nổi tiếng ở Việt Nam về tính chuyên nghiệp trước việc xử lý khủng hoảng.

Quy định hành vi cố tình truy cập có thể bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả ảnh hưởng đến danh dự người khác và phải bồi thường cho người bị hại

Lâm Thị Trâm Anh – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem