Vụ SAGRI: Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục hầu tòa
Vụ SAGRI: Cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục hầu tòa
Chinh Hoàng
Thứ hai, ngày 09/05/2022 07:34 AM (GMT+7)
Theo dự kiến, ngày 11/5 TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng nghị và kháng cáo của 7 bị cáo liên quan vụ án SAGRI, trong đó có cựu Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.
Trong vụ án này, có 7 bị cáo có kháng cáo và kháng nghị của Viện trưởng VKSND, gồm: Lê Tấn Hùng - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI); Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM; Nguyễn Thị Thúy - cựu Kế toán trưởng SAGRI; Hồ Văn Ngon - cựu Phó Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên SAGRI; Nguyễn Thị Tuyết Mai - cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI và Đoàn Quang Hồi - cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế.
Về kháng cáo, 5 bị cáo: Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Tuyết Mai và Đoàn Quang Hồi cùng xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng, bị cáo Hồ Văn Ngon (cựu Phó giám đốc SAGRI) có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng sau khi làm đơn ông đã chết.
Trước đó, trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Ngon bị bệnh nặng, có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo này bảo lưu tất cả lời khai tại quá trình điều tra và ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng.
Vẫn giữ quan điểm mình bị oan, bị cáo Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo bị cáo Tuấn, bản án tuyên buộc về tội danh và mức án hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan, không đúng quy định của pháp luật và làm oan cho ông.
Theo bản án sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên vào 18/12/2021, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng và 17 bị cáo bị TAND TP.HCM xét xử về hàng loạt hành vi xảy ra tại SAGRI (100% vốn Nhà nước).
"Hành vi của bị cáo Hùng và một số đồng phạm gây mất niềm tin của người dân vào việc quản lý tại các cơ quan Nhà nước nên cần phải có mức án nghiêm", toà nhận định, đồng thời tuyên phạt bị cáo Hùng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý nhà nước", 14 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 25 năm tù.
Tiếp đó, toà tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến mức án 6 năm tù do sai phạm khi phê duyệt chủ trương cho SAGRI chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) cũng bị cáo buộc vì "nể nang" nên biết SAGRI sai phạm nhưng vẫn ký tờ trình tham mưu cho bị cáo Tuyến quyết định cho công ty này chuyển nhượng dự án trái pháp luật.
Bị đề nghị mức án bằng bị cáo Tuyến, bị cáo Tuấn cho rằng việc tham mưu cho ông Tuyến là thực hiện đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. Ông và các luật sư đề nghị tòa xem xét một cách toàn diện, công tâm để "tránh oan sai".
Toà đánh giá vai trò, trách nhiệm của bị cáo Trần Trọng Tuấn trong vụ án tương đương ông Trần Vĩnh Tuyến, tuyên phạt 6 năm tù về cùng tội danh.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội Tham ô tài sản, 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hình phạt 20 năm tù.
HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Vân Trọng Dũng 6 năm tù, Hồ Văn Ngon 5 năm tù, Lê Văn Thanh 5 năm tù, Phan Trường Sơn 5 năm tù và Nguyễn Thanh Chương 5 năm tù; Trần Quốc Đạt và Lê Tấn Hòa cùng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Các bị cáo này cùng tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai 6 năm tù, Trần Văn Trường 7 năm tù, Đoàn Quang Hồi 8 năm tù, Nguyễn Thị Nguyên 5 năm tù, Đỗ Sĩ Hoài Thanh 5 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.
HĐXX cũng tuyên phạt 2 bị cáo Dư Huy Quang, Nguyễn Thị Thanh An 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo bị Lê Thị Diệp Cẩm bị phạt 3 năm tù về tội Che giấu tội phạm nhưng cho hưởng án treo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.