Vụ sạt lở Cảng Hồng Vân: Khu vực nạo vét nằm trong hành lang bảo vệ đê điều

Nguyễn Đức Thứ hai, ngày 07/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hạt quản lý đê Thường Tín kiểm tra phát hiện Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân đang thực hiện việc nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân (nằm trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị) khi chưa có đầy đủ giấy phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, theo báo cáo của Hạt quản lý đê huyện Thường Tín (TP.Hà Nội) tại tuyến kè Xâm Thị, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc khu vực phạm vi Cảng Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng.

Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường vào chiều 14/1, các cơ quan chức năng xác định, tại vị trí từ K89+320 đến K89+383 có chiều dài tương ứng khoảng 63m trong khu vực Cảng Hồng Vân của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân xảy ra sự cố sụt lún.

Mức độ sụt lún sâu khoảng từ 2 đến 3,5 m so với mặt bằng cầu cảng số 2, chiều dài sụt lún khoảng 40 m, chiều rộng khoảng 25 m tính từ mép ngoài cầu cảng số 2 trở vào; cầu cảng số 2 bị nghiêng, có khả năng xảy ra sụt, đổ gây mất an toàn.

Lãnh đảo Cảng Hồng Vân nói gì?

Trao đổi với Dân Việt ngày 3/3, ông Hoàng Huy Minh - Phó Giám đốc Công ty Cảng Hồng Vân cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã thực hiện cắm cọc tạm thời để nhằm mục đích bảo vệ tài sản. Sau đó, đơn vị đã báo cáo cơ quan chức năng có liên quan về sự việc.

Ông Minh phủ nhận việc nguyên nhân dẫn tới sạt lở là do hoạt động nạo vét, duy tu vùng nước tại Cảng Hồng Vân.

Vụ sạt lở Cảng Hồng Vân: Khu vực nạo vét nằm trong hành lang bảo vệ đê điều - Ảnh 1.

Cảng Hồng Vân nằm ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: N.Đ

"Sự việc xảy ra vào buổi đêm, không có sự tác động của người và phương tiện bốc xếp dỡ hàng tại cảng. Các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân, điều tra sự cố", ông Minh nói. 

Về việc cấp phép nạo vét tại Cảng Hồng Vân, theo ông Minh, đơn vị có giấy phép về mặt chủ trương cho nạo vét luồng, nâng cấp cảng. 

"Còn về hoạt động nạo vét chúng tôi chưa hề có hoạt động nạo vét nào. Chúng tôi phải hoàn tất các thủ tục về mặt pháp lý, ví dụ như xin phép cơ quan quản lý đê điều chúng tôi mới dám làm. Dự định là chúng tôi ra Tết mới làm, trong khi đó sự việc xảy ra vào trong Tết", ông Minh thông tin.

Trong khi đó, sáng 6/3, trao đổi thêm với Dân Việt, ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín thông tin, khi thấy có các dấu hiệu, huyện đã có văn bản yêu cầu phía Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân dừng ngay hoạt động nạo vét.

Hiện tại, UBND huyện Thường Tín đang thành lập tổ công tác có sự tham gia của các sở, ngành và các chuyên gia để điều tra nguyên nhân sự cố, đưa ra giải pháp để khắc phục.

Vụ sạt lở Cảng Hồng Vân: Khu vực nạo vét nằm trong hành lang bảo vệ đê điều - Ảnh 3.

Vị trí sụt lún từ K89+320 đến K89+383 có chiều dài tương ứng khoảng 63 m trong khu vực Cảng Hồng Vân của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân xảy ra sự cố sụt lún. Ảnh: N.Đ

"Bước đầu có thể xác định một phần nguyên dân là do hoạt động nạo vét. Còn phía bên Hạt quản lý đê điều thường họ cũng khẳng định có bằng chứng về hoạt động nạo vét, chúng tôi sẽ thu thập thêm bằng chứng từ đơn vị ấy. Ngày 26/2, một tổ điều tra sự cố độc lập cũng được thành lập để làm rõ sự việc", ông Thản thông tin.

Việc nạo vét ở Cảng Hồng Vân vi phạm Luật Đê điều

Theo báo cáo của Hạt quản lý đê Thường Tín, Chi cục Phòng chống thiên tai, nguyên nhân bước đầu dẫn đến vụ sạt lở là do Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân thực hiện việc nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân trong hành lang bảo vệ kè không có giấy phép về lĩnh vực đê điều. Ngoài ra, một phần nguyên nhân khác có thể là do địa chất tại khu vực là lớp cát pha kết cấu rời rạc dẫn đến bị xói trôi dưới tác động của dòng chảy.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TP.Hà Nội, việc Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân thực hiện nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân, tương ứng từ K89+000 đến K89+500 đê Hữu Hồng nằm trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị, không có giấy phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Phạm vi nạo vét duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân nêu trên nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều. Cụ thể, chiều dọc sông 500m từ Km 156+ 500 đến Km 157+000 tương ứng với K89+000 đến K89+500 đê Hữu Hồng (đê cấp 1).

Vụ sạt lở Cảng Hồng Vân: Khu vực nạo vét nằm trong hành lang bảo vệ đê điều - Ảnh 4.

Các vết sụt lún lớn tại vị trí cầu cảng số 2. Ảnh: N.Đ

Do vậy, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TP.Hà Nội cho rằng, việc nạo vét như phương án được Cục đường thủy nội địa Việt Nam thống nhất tại Văn bản số 2817/CĐTNVN-PCTT ngày 1/12/2021 sẽ dẫn đến đến sạt lở kè Xâm Thị, đe dọa trực tiếp ổn định và an toàn của công trình đê điều.

Ngoài ra, việc nạo vét duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân nằm trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị đã phạm quy định khoản 1 Điều 7, Luật Đê điều; khoản 2 Điều 12 Luật phòng, chống thiên tai; gây ra sự cố rất nghiêm trọng và nguy hiểm, có xu hướng tiếp tục mở rộng vào kè Xâm Thị và khu vực bãi sông thuộc phạm vi quản lý của Cảng Hồng Vân.

Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội cũng có văn bản chỉ đạo liên quan đến vụ việc sạt lở trên. Trong văn bản, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu giao cho UBND huyện Thường Tín tổ chức kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân theo đúng quy định của pháp luật. 

Qua đó yêu cầu Công ty Cổ phần Cảng Hồng Vân thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, quy định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều khi thực hiện việc nạo vét.

Điều 7 Luật Đê Điều 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể như sau:

1. Phá hoại đê điều.

2. Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.

3. Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.

4. Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.

5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.

6. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.

7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

8. Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

9. Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

11. Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem