Vụ sạt lở ở Mù Cang Chải: Những cái chết được tiên liệu trước

Thứ ba, ngày 11/09/2012 08:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những người dân tộc Mông ở La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) nói rằng, vụ 18 người chết do sạt lở đất đá khi đi mót quặng là điều họ đã tiên liệu trước...
Bình luận 0

Và thảm hoạ ấy bắt đầu xuất hiện từ những vỉa quặng và những đường hầm sâu hun hút ăn vào lòng núi của những đơn vị khai thác quặng ở đây.

Mất nguồn nước cho sản xuất

Tại ngã ba Kim, những người Mông ở xã La Pán Tẩn đang sốc vì quá nhiều người trong dòng họ mất mạng bởi vụ sập núi. Không ít người từng là cán bộ các xã thuộc Mù Cang Chải cho biết, hồi còn đi học, họ cũng từng đi mót quặng mỗi dịp nghỉ về quê vì nhà quá nghèo.

img
Tìm kiếm các nạn nhân bị nghìn khối đất đá vùi lấp

Lúa ở La Pán Tẩn năm nay không được mùa như mọi năm, vì mạ già rồi mới có nước để cấy. Đến giờ lúa già rồi cũng không chín được. Lại còn mất mùa cả thảo quả nữa. Mọi năm mỗi khóm thảo quả có tới hơn 20 bông đều cho quả. Năm nay mỗi khóm chỉ ra được khoảng 10 bông mà cho toàn quả lép. Thậm chí, nhiều nơi thảo quả chết luôn cả khóm...Ông Lý Súa Tính - nguyên cán bộ xã La Pán Tẩn cho biết, trong họ nhà ông có tới 4 người mất mạng là Lý A Lềnh, Lý A Sinh, Lý A Sàng và Lý A Vính. Ông Tính bức xúc: “Họ mới khai thác quặng mà đã làm mất nước sản xuất rồi. Như thế thì bà con hết đường sống thôi".

Không biết năm bảy năm nữa, liệu có còn lễ hội di sản văn hóa ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khi mà các mỏ khai thác quặng vẫn hàng ngày khoét sâu vào lòng đất, làm cạn kiệt nguồn nước, phá vỡ tầng đất mặt của hàng chục ha đất hiếm hoi nơi đây.

“Mất mùa đều tại thiếu nước. Không phải vì trời ít mưa, tôi nghĩ người ta khai thác quặng ở đầu nguồn nên nước chảy hết sang phía sườn núi bên kia, không chảy về những ruộng bậc thang nữa. Không có nước thì lúa, thảo quả mất mùa là đúng thôi” - ông Tính phân tích.

Một cán bộ xã La Pán Tẩn (đề nghị không nêu tên) cũng khẳng định, nếu tiếp tục khai thác mỏ thì sẽ “giết chết” hàng chục ha ruộng bậc thang - là nguồn cung cấp lương thực cho hàng nghìn dân ở La Pán Tẩn, thuộc vùng di sản văn hóa cấp quốc gia, vì nguồn nước bị cạn kiệt và bị đầu độc.

Thảm họa sẽ không dừng lại...

Cách đây không lâu, người dân đã kéo lên xã rồi lên cả huyện chỉ vì chuyện cho khai thác chì, kẽm ở bản Hấu Đề. “Hấu Đề” theo tiếng Mông nghĩa là đầu nguồn nước. Nguồn nước cho ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn vốn đã ít đi khi Công ty TNHH Thịnh Đạt khai thác mỏ chì, kẽm ở ngay dưới đỉnh Đá Trắng, nếu tiếp tục khai thác mỏ ở Hấu Đề thì nguồn nước thứ hai và cũng là nguồn nước cuối cùng cho ruộng lúa và cho sinh hoạt của bà con sẽ bị đầu độc.

img
Việc khai thác mỏ có thể làm ruộng bậc thang - di sản của Mù Cang Chải biến mất.

Người dân không muốn nhận tiền đền bù của chủ đầu tư (dù cho hộ ở điểm phát lộ mỏ quặng mới đã nhận hơn 1 tỷ đồng) bởi họ biết chắc một điều, nếu không có nước thì đời họ và đời con, đời cháu của họ cũng sẽ không sống được ngay trên chính mảnh ruộng vốn là nguồn sống của nhiều đời người nơi đây. Ông Lý Súa Tính cho hay, khu vực khai thác mỏ chính là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đầu nguồn của không chỉ riêng La Pán Tẩn.

Gần 600 triệu đồng hỗ trợ các nạn nhân

Đến 10 giờ ngày 10.9, số tiền ủng hộ gia đình các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở xã La Pán Tẩn đã là hơn 585 triệu đồng; trong đó, số tiền các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp tới gia đình có người bị thiệt mạng và mất tích là 26 triệu đồng/người; người bị thương là 5 triệu đồng/người. Tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ mai táng cho mỗi nạn nhân xấu số là 4,5 triệu đồng, mỗi nạn nhân bị thương 1,5 triệu đồng. Huyện Mù Cang Chải hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 100kg gạo. Công ty TNHH Thịnh Đạt - đơn vị quản lý khu mỏ nơi xảy ra vụ sạt lở cũng hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng...

Ngay trước khi thảm họa xảy ra, chính quyền xã cùng doanh nghiệp đã vận động, yêu cầu bà con ký cam kết không đi mót quặng. Ký thì ký nhưng khi biết ở đó có quặng thì họ vẫn lao đi làm, nhất là vào những ngày nông nhàn, mùa giáp hạt. Trung bình mỗi người mót được 5kg, bán đi được khoảng 150.000 đồng (có thời điểm giá quặng lên đến 90.000 đồng/kg), còn hơn làm lúa chán...

Tháng 4.2011, hàng trăm người dân ở La Pán Tẩn và các xã lân cận còn bất chấp nguy hiểm kéo lên khu mỏ của Công ty Khai thác khoáng sản Nam Hồng Hà ở bản Kháo Nhà, xã Cao Phạ - giáp ranh khu vực xảy ra vụ sạt lở hôm 7.9, dù trước đó, đất đá trong lò sập xuống làm chết anh Lý A Dờ (25 tuổi, người bản Ma Lừ Thàng, xã Dế Xu Phình) và làm bị thương 2 người khác.

Đến lúc này, UBND tỉnh Yên Bái mới yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng UBND huyện cho nổ mìn đánh sập cửa hầm lò để bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhưng trớ trêu thay, khi đánh sập hầm lò thì nhiều vỉa quặng lại lộ ra và người dân bất chấp nguy hiểm, bất chấp lệnh cấm lại lao vào mót quặng, và họ vẫn cứ phản đối việc khai thác mỏ ở Hấu Đề.

Nếu không có vụ việc La Pán Tẩn một giây mất đi 18 mạng người, có lẽ chẳng ai biết được những thửa ruộng bậc thang cao lên đến tận trời ở đây, đẹp như một bức tranh giữa núi rừng Tây Bắc phải kêu cứu vì thiếu nước. Lúa sống dở, chết dở, còn người dân thì đã chết rồi, quả là đau xót!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem