Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Võ Anh Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Còn 4 công ty: CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Phương Đông, Đầu tư và thương mại An Lộc (các nguyên đơn dân sự) kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường thiệt hại chứ không phải yêu cầu Huyền Như bồi thường như bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, phát biểu tại phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn cùng 4 công ty là nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Hai bị cáo Như và Tuấn tại tòa.
Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn, VKS cho rằng bị cáo là người thực hiện 4 hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi phạm tội độc lập, với các công ty khác nhau nên phải chịu trách nhiệm cho từng hành vi phạm tội của mình. Dù biết hành vi gian dối của Huyền Như nhưng Tuấn không ngăn cản, mặc cho Huyền Như làm hồ sơ giả, chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên số tiền 200 tỷ đồng. Hành vi của Tuấn là giúp sức tích cực cho Huyền Như, gây nguy hiểm cho xã hội, hành vi đã cấu thành hành vi phạm tội.
Bản án sơ thẩm đã đánh giá toán bộ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Võ Anh Tuấn xin giảm án nhưng lại không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ hình phạt nào mới nên VKS cho rằng yêu cầu của bị cáo không có căn cứ.
Còn đối với các công ty là nguyên đơn dân sự có kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường, đại diện VKS cho rằng các công ty này gửi tiền vào ngân hàng vì nghe lời Huyền Như, mục đích là để hưởng lãi suất cao trái quy định, chỉ quan tâm đến lãi suất. Khi mở tài khoản không kiểm soát tài sản của mình, bỏ mặc cho Huyền Như sử dụng, thao túng.
Các công ty đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật ở ngoài trụ sở Vietinbank; vì lợi ích riêng đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản… Phía Vietinbank không biết Huyền Như thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận lãi suất cao với các nguyên đơn dân sự nên Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường cho các các nguyên đơn dân sự trong vụ án này.
Tại tòa, bị cáo Huyền Như bất ngờ nhận hết trách nhiệm và cho rằng mình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bản án sơ thẩm nêu. Luật sư của bị cáo này cũng đồng tình với luận tội của đại diện VKS, đồng thời đưa ra các căn cứ phân tích các yếu tố cho thấy thân chủ của mình phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào.
Trong khi đó, bị cáo Võ Anh Tuấn cũng đưa ra các ý kiến giữ nguyên kháng cáo của mình, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét xin giảm nhẹ trách nhiệm. Bị cáo cho rằng không liên quan trong việc giúp Huyền Như lừa đảo 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên bởi hợp đồng của Như với công ty kia được thực hiện trước khi bị cáo ra Hà Nội.
Trong khi đó, các công ty là nguyên đơn dân sự tiếp tục đưa ra quan điểm yêu cầu Vietinbank phải hoàn trả thiệt hại cho mình chứ không phải Huyền Như.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 2.2018, TAND TP.HCM Huyền Như bị tuyên phạt mức án chung thân; bBị cáo Võ Anh Tuấn bị tuyên phạt 7 năm tù giam, tổng hợp với bản án 20 năm tù tại giai đoạn 1, Tuấn phải chấp hành tổng cộng 27 năm tù giam. Ngoài bản án hình sự này, Huyền Như và Võ Anh Tuấn buộc phải bồi thường hơn 1.085 tỷ đồng mà các bị cáo đã gây thiệt hại cho 5 công ty gửi tiền vào Vietinbank thông qua Huyền Như.
Sau bản án sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo. Còn bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng không biết bị Huyền Như “lợi dụng” và mong được xem vì cho rằng, một hành vi lại bị xử 2 lần. Trong khi đó, các công ty là nguyên đơn dân sự trong vụ án yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.