Vụ Thẩm phán lập khống 57 bộ hồ sơ: "Xử lý như vậy là xuê xoa, không nghiêm"

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 11/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cần chuyển hồ sơ vụ Thẩm phán TAND huyện Đắk Song (Đắk Nông) làm giả 57 bộ hồ sơ cho Viện KSND Tối cao điều tra xử lý. Riêng việc xử lý các cán bộ liên quan trong vụ việc này, theo luật sư là chưa nghiêm, có thể trở thành tiền lệ xấu.
Bình luận 0

Ngày 11/6, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - liên quan đến vụ Thẩm phán TAND huyện Đắk Song (Đắk Nông) làm giả 57 bộ hồ sơ.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, về việc làm giả 57 bộ hồ sơ của bà Bùi Thị Dung - nguyên Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song - có hai hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu cơ quan nhà nước và hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Vụ Thẩm phán lập khống 57 bộ hồ sơ: "Xử lý như vậy là xuê xoa, không nghiêm" - Ảnh 1.

Trụ sở TAND huyện Đắk Song. (Ảnh: D.H)

"Khi mà đã có việc anh bị hủy án (tức là vi phạm nội quy xét xử rồi), anh lại dựng ra một tài liệu bất minh khác để biến mình thành "trắng án", thành vô tội. Ngoài việc tạo lập hồ sơ khống (giả mạo tài liệu cơ quan nhà nước), anh còn xâm phạm hoạt động tư pháp. Vì hoàn toàn không có việc kiện tụng, khiếu nại gì nhưng vẫn thụ lý tức là làm sai quy trình thụ lý vụ án dân sự của hệ thống tòa án Việt Nam" - luật sư Tạ Quang Tòng phân tích.

"Không thể kết luận rằng, bản thân bà Dung xin thôi việc là kết thúc. Mà cần phải chuyển hồ sơ này cho Viện KSND Tối cao để điều tra làm rõ có hay không có các hành vi nói trên. Hai hành vi này cần phải được xem xét một cách chặt chẽ để giải quyết rốt ráo, tránh tình trạng có thể lặp lại" - luật sư Tạ Quang Tòng nói.

Vụ Thẩm phán lập khống 57 bộ hồ sơ: "Xử lý như vậy là xuê xoa, không nghiêm" - Ảnh 2.

Một vụ án được TAND huyện Đắk Song xét xử lưu động năm 2020. (Ảnh: Viện KSND tỉnh Đắk Nông)

Về trách nhiệm của những người liên quan, luật sư Tạ Quang Tòng cho biết, trong vụ việc này có trách nhiệm của ngành tòa án và của người đứng đầu. Bởi vì, khi người dân nộp đơn khởi kiện về bất kỳ một vụ án gì, bộ phận văn phòng (sau khi tiếp nhận hồ sơ) đều phải trình lên lãnh đạo để xem xét, Sau đó, lãnh đạo mới chuyển lại cho thẩm phán chuyên môn ra quyết định thông báo tạm ứng án phí. Nếu lãnh đạo không phê duyệt thì không ra được thông báo tạm ứng án phí.

"Thế thì cơ sở nào để phê duyệt? Có sự thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong việc này hay không? (Mặc dù hậu quả thì chưa có gì do sau đó các vụ án bị đình chỉ vì một trong các bên rút đơn, nhưng có hậu quả về mặt tinh thần, về lĩnh vực chính trị, gây ra tai tiếng không tốt cho ngành tư pháp). Do đó, lãnh đạo phải liên đới chịu trách nhiệm. Không thể nói bà Dung và các thư ký của bà Dung làm đơn xin thôi việc là hết trách nhiệm, phê bình kiểm điểm là xong. Chúng ta đừng biến một tiền lệ thành thông lệ" - luật sư Tạ Quang Tòng nhấn mạnh.

Về việc xử lý kỷ luật hai lãnh đạo TAND huyện Đắk Song, luật sư Tạ Quang Tòng cho rằng: "Xử lý như vậy là xuê xoa, không nghiêm; khuyến khích cho hành vi gian lận tiếp tục tái diễn nếu có cơ hội. Việc điều động hai cán bộ này đi nơi khác nhưng giữ nguyên chức vụ thì xem như không kỷ luật mà chỉ là luân chuyển cán bộ".

Trước đó, trả lời với báo chí về vụ việc, ông Ngô Đức Thọ - Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông - cho biết, với vai trò là người đứng đầu TAND 2 cấp, ông đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao. Tập thể Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh cũng báo cáo kiểm điểm, qua đó nhanh chóng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi gây ra vụ việc, bà Bùi Thị Dung đã làm đơn xin thôi việc và được lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông đồng ý. Sau đó, bà Dung làm các thủ tục để được hành nghề luật sư tại tỉnh Đắk Nông.

Cùng ngày, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với luật sư Lương Minh Khang - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông. Theo luật sư Lương Minh Khang, khi tiếp nhận bà Dung ông không hề biết bà Dung có sai phạm khi còn làm Thẩm phán ở TAND huyện Đắk Song. Ngoài ra, các câu hỏi khác, luật sư Khang từ chối trả lời.

Như Dân Việt đã đưa tin, năm 2016, bà Bùi Thị Dung lúc này là Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song đã làm giả 57 bộ hồ sơ (đơn khởi kiện). Bà Dung cũng tự nộp tiền án phí rồi thụ lý. Sau đó, các đơn khởi kiện này được rút lại.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông, việc bà Dung làm giả hồ sơ nhằm mục đích làm giảm tỷ lệ án hủy xuống dưới 1,16%. Vì lúc này bà Dung sắp hết nhiệm kỳ và lo sợ không được tiếp tục bổ nhiệm lại Thẩm phán.

Liên quan đến vụ việc, mới đây Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật đối với Chánh án TAND huyện Tuy Đức, ông Phạm Văn Phiếm (nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song); Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô, bà Nguyễn Thị Hải Âu (nguyên Phó Chánh án huyện Đắk Song); ông Nguyễn Xuân Triệu, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức (nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song). Cả ba người đều bị kỷ luật khiển trách.

"Đối với những người đã tham gia công tác tư pháp, tố tụng (từng là điều tra viên trung cấp trở lên; kiểm sát viên, thẩm phán (không kể sơ cấp hay trung cấp) khi không còn đảm nhiệm các chức danh đó nữa mà muốn trở thành luật sư thì thiết lập hồ sơ theo mẫu quy định nộp cho Sở Tư pháp.

Nếu hồ sơ đầy đủ, đáp ứng được các yêu cầu thì Sở Tư pháp sẽ chuyển hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Tư pháp hay Cục trưởng Cục Quản lý luật sư sẽ ký chứng chỉ hành nghề luật sư.

Sau khi có chứng chỉ này, người được cấp chứng chỉ phải đăng ký hoạt động vào Đoàn luật sư tại địa phương và phải có một nơi làm việc (một văn phòng luật sư hoặc một doanh nghiệp bất kỳ). Khi đó, người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư mới được hành nghề".

Luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem