Vụ "tiệc ma túy ở Hà Tĩnh": Vì sao nhiều công chức sa đọa?

Thứ ba, ngày 25/12/2018 06:59 AM (GMT+7)
Bữa tiệc lắc gần đây của một phó giám đốc ngân hàng, giáo viên, kế toán, kiểm lâm...mới xảy ra tại Hà Tĩnh làm dư luận dấy lên câu hỏi: vì sao ngày càng có nhiều công chức sa đọa?
Bình luận 0

Nhân dịp sinh nhật của một người, nhóm gồm 7 nữ 6 nam đã tổ chức tiệc "ma túy" trong phòng VIP một quán karaoke ở TP Hà Tĩnh. Tang vật gồm cỏ Mỹ, ma túy tổng hợp, ma túy đá. Điều đáng nói là trong số những người tham gia tiệc "lắc" này có 1 phó giám đốc ngân hàng chi nhánh Agribank huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), một giáo viên, 1 kế toán và cả nhân viên kiểm lâm.

img

Quán karaoke Dubai nơi 13 đối tượng bị bắt quả tang thác loạn ma túy tập thể.

Không chỉ Luật Cán bộ, công chức đã có quy định cấm những điều công chức không được làm mà bản thân người thầy luôn phải là tấm gương sáng, mẫu mực để học sinh nói theo. Thế nên có thể nói gì khi một giáo viên hằng ngày rao giảng về đạo đức, lối sống, về phòng chống ma túy và tác hại của nó đến với các học sinh trong khi bản thân mình lại nhúng chàm?

Liệu có phải phó giám đốc ngân hàng quá nhiều tiền, không biết làm gì nên dùng "đốt" vào ma túy? Cán bộ kiểm lâm ngoài tham gia những bữa tiệc vui vẻ thế này không có những lúc "đi đêm" với những đối tượng khác?...

Công chức ngoài việc mẫn cán để phục vụ nhân dân còn luôn phải "Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước". Nhưng những vi phạm pháp luật, đạo đức của một số công chức thời gian qua đã làm cho nhiều người  mất niềm tin vào đạo đức của các công bộc của dân.

Bạn đọc Quân thảng thốt: "Thầy giáo cầm dao vào trường học đánh vợ, hiệu trưởng dâm ô học sinh, thầy giáo hiếp dâm học sinh, cô giáo tát, đánh học sinh, giờ thì giáo viên sử dụng ma túy... Hỏi sao học sinh không hư?”.

Bạn đọc Nguyễn Nam Bộ ngán ngẩm: "Hết nói, đã là cán bộ giáo dục, nhân viên ngân hàng còn ăn chơi trác táng kiểu đó thì làm sao không có tiêu cực, tham nhũng? Cần phải loại ngay họ ra khỏi ngành".

Suy thoái và tha hóa của công chức diễn ra ở khắp các nơi theo nhiều người là do cách "trị bệnh" bấy lâu nay chỉ ở mức độ "sẽ xử lý nghiêm"…trên giấy, kiểm điểm cho xuống vị trí thấp hơn nhưng sau đó vài tháng, khi sự việc lắng xuống, người vi phạm bỗng được lên chức cao hơn ở hàng huyện, tỉnh.

Kiểu xử phạt nhẹ như lông hồng này càng làm cho cán bộ, công chức lờn luật. Theo nhiều bạn đọc, để răn đe cần xử phạt thật nặng đối với những cá nhân biến chất, tha hóa để làm trong sạch đội ngũ công chức. Không chỉ vậy, đối với khâu tuyển chọn đầu vào cũng cần chú trọng.

Như bạn đọc Son phân tích: "Căn nguyên của sự suy đồi đạo đức, tha hóa, biến chất bắt nguồn từ gốc rễ. Có nghĩa từ khâu tuyển đầu vào... Tư lệnh ngành nên nhìn nhận thực tế nguyên nhân mới mong đưa ngành mình trong sạch vững mạnh! Hãy chọn những người có tài đức thật sự không phân biệt giàu nghèo, quen biết để còn dạy được lớp trẻ sau này sống lành mạnh, cố gắng học tập thật tốt". 

Độc giả Duy Linh cũng đồng thuận với ý kiến trên. "Vấn đề nhức nhối cần giải quyết của các ngành hiện nay là làm sao có được cán bộ và nhân viên có đạo đức và có tâm với công việc chứ không phải cứ để sự việc nghiêm trọng xảy ra mới "sẽ cho điều tra nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm".

Làm cho nghiêm từ gốc rễ chứ không xử lý phần ngọn mãi thế này!". Hơn lúc nào hết, qua vụ đãi tiệc bằng ma túy mà những cán bộ, công chức của nhà nước là nhân vật chính, nhiều người dân đang chờ xem họ bị xử lý thế nào, chứ không phải như lời khẳng định "không có biểu hiện của sự sa ngã" như lời của giám đốc ngân hàng Agribank Hương Khê nhận xét.

Song Ngọc (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem