Rạng sáng 8.3, vụ TNGT xảy ra ở Khánh Hoà làm 12 người chết và hơn 60 người bị thương. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra, làm rõ. Bùn mía rơi vãi tại hiện trường vụ tai nạn đang là một trong những nguyên nhân mà cơ quan chức năng đưa vào “tầm ngắm”.
Vậy trong trường hợp vụ tai nạn có nguyên nhân chính từ lớp bùn mía bị rơi vãi trên đường, lái xe làm rơi vãi bùn mía sẽ bị xử lý ra sao? Trao đổi với PV, TS. Luật sư Vũ Thái Hà (Chủ tịch Cty Luật TNHH YouMe) phân tích:
- Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự hiện hành, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Các quy định về ATGT đường bộ là những quy định được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ như: Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được sửa đổi bởi Nghị định 71/2012/NĐ-CP, hành vi “làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển” là một trong những hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nói trên, trường hợp người điều khiển ô tô làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển dẫn đến hậu quả làm chết người có thể được coi là đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác. Do đó, người có hành vi nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự.
Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (thiệt hại về tài sản và khiến nhiều người chết và bị thương), người phạm tội có thể phải chịu hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Hải Phong (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.