Vụ trâu nhà dính bẫy thú trong khu bảo tồn: Giám đốc Khu BTTN Kẻ Gỗ nói “không kiểm soát được”!

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ hai, ngày 14/03/2022 12:25 PM (GMT+7)
Trước thực trạng hàng chục con trâu nuôi bị chết do dính bẫy thú rừng gần Trạm bảo vệ rừng số 2 (KBT TN Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh) người dân rất bức xúc, đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Tuy nhiên, Giám đốc Khu bảo tồn (KBT) cho rằng “rất khó để biết hiện nay trong KBT có bao nhiêu con trâu, chúng tôi không kiểm soát được”.
Bình luận 0

Video trâu của người dân xã Kỳ Thượng dính bẫy thú chết trong Khu bảo tồn

"Tôi đã mất hơn 150 triệu đồng do trâu mắc bẫy, chỉ trong 3 tháng qua"

Như Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh, ông Trần Văn Hải và 9 hộ dân khác ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh sau khi phát hiện đàn trâu nuôi của mình bị dính bẫy khiến hàng chục con chết và mất tích gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng đã viết đơn kiến nghị gửi UBND xã Kỳ Thượng, Ban Công an xã Kỳ Thượng báo cáo sự việc. Đồng thời các hộ dân cũng nêu rõ tên 5 người được cho là đã đặt bẫy giết chết trâu nhà.

Ngay sau khi Báo điện tử Dân Việt thông tin, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an xã Kỳ Thượng cho biết Công an xã đã viết giấy triệu tập 5 người dân nói trên.

Trao đổi với Phóng viên Dân Việt chiều 13/3, ông Trần Văn Hải cho biết: "Trước đây có nhân viên của Khu bảo tồn đưa cho tờ giấy trắng đến vận động những người có trâu thả trong rừng ký vào biên bản để Trạm bảo vệ rừng không cho người khác thả trâu vào nữa. Biên bản đó không ghi nội dung, vì tin tưởng nhau nên chúng tôi ký vào, giờ họ có ghi thêm nội dung vào hay không chúng tôi không biết (?).

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 1.

Khu vực Khe Lẫm mà trâu của người dân xã Kỳ Thượng dính bẫy thú chết chỉ cách Trạm bảo vệ rừng số 2 (KBT TN Kẻ Gỗ) khoảng 500m. Ảnh: VH

Thế nhưng, bây giờ trâu chúng tôi bị dính bẫy thú chết, phản ánh đến họ thì họ bảo các anh đã ký cam kết là không thả trâu vào khu vực đó rồi, trong khi chúng tôi đã chăn thả từ năm 1995, khi chưa có Khu bảo tồn. Giờ chúng tôi chưa biết có lệnh cấm, chúng tôi chưa được tuyên truyền, chưa thấy văn bản nào (được thông báo tới chúng tôi về việc đó)".

Là người sinh ra và lớn lên ở xã Kỳ Thượng và thường xuyên vào rừng trông nom đàn trâu cũng như nắm rất rõ tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng ở địa phương; nên ông Hải cho rằng: "Trước đây có một Phó giám đốc KBT TN Kẻ Gỗ làm công tác bảo vệ rừng rất gần dân, sát sao với người dân nên việc tồn rất tốt. Không xảy ra tình trạng bẫy thú như bây giờ".

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 3.

Những món hàng rừng mà các đối tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chào mời Nhóm phóng viên Dân Việt. Địa bàn này cách không xa KBT TN Kẻ Gỗ. Ảnh: Lam Anh

"Hiện nay, trong rừng bảo tồn mà có hàng ngàn, hàng vạn cái bẫy thì làm bảo tồn kiểu gì? Tại sao có những đối tượng bẫy được hàng chục con lợn rừng cùng lúc, họ bẫy cả khỉ và mang (hoẵng), nai ra ăn, rồi bán; mà cán bộ bảo tồn không biết?" - Ông Trần Văn Hải đặt câu hỏi này trong tất cả những lần trao đổi với chúng tôi. Ông mô tả rõ hành vi thủ đoạn của các lâm tặc tàn sát thú rừng trên.

Đến thời điểm này ông Hải cũng như những người hàng xóm của ông có trâu bị dính bẫy chết và mất tích đang rất bức xúc, bởi bao nhiêu tiền vay ngân hàng đầu tư vào mua trâu giờ trâu chết coi như mất trắng. "Riêng nhà tôi đã mất hơn 150 triệu đồng từ tháng 12/2021 đến nay. Tôi vào rừng thấy bẫy và có nói với các anh ở Trạm bảo vệ rừng số 2 điều đó. Nhưng, họ không đi gỡ bẫy" - ông Hải bức xúc.

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 2.

Theo ông Trần Văn Hải, con trâu đực lớn này của gia đình ông đã bị dính bẫy thú chết, gây thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Ảnh: VH

Các lý do được cán bộ đưa ra để lý giải cho thảm trạng

Trao đổi với Phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc KBT TN Kẻ Gỗ cho biết: "Chúng tôi đã nhận được Đơn kiến nghị có ghi rõ tên một số đối tượng đặt bẫy thú rừng gây chết trâu của dân. Đơn vị đã cho anh em vào cuộc để phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý".

"Thực chất việc chăn thả trâu trong KBT thì Ban quản lý đã có công văn cấm, tuy nhiên do xung quanh rừng đặc dụng có người dân sinh sống, có tập quán chăn thả trâu như thế, nên việc trâu của người dân sinh sống trong KBT vẫn diễn ra".

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 5.

Văn bản thông báo của KBT TN Kẻ Gỗ gửi UBND các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà và UBND các xã vùng đệm từ 30/12/2021. Tuy nhiên, theo một số người dân xã Kỳ Thượng nói họ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào. Ảnh: KBT TN Kẻ Gỗ cung cấp

Cũng theo Giám đốc KBT TN Kẻ Gỗ: "Rất khó để thống kê được hiện nay có bao nhiêu trâu được thả trong khu bảo tồn, vì hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ anh có rất nhiều trâu, chúng tôi không kiểm soát được. Chỉ biết là tương đối nhiều".

Về tình trạng săn bẫy thú rừng trong Khu bảo tồn khiến nhiều loài động vật hoang dã như tê tê, lợn rừng, khỉ, nai bị tàn sát, ông Ninh cho rằng: "Có lẽ cũng có. Nhưng không nhiều. Anh em cũng thường xuyên đi tuần kiểm tra hàng tuần, hàng tháng, cũng thu được bẫy!"

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 3.

Khu vực chăn thả trâu của người dân xã Kỳ Thượng tại đội 6, gần KBT TN Kẻ Gỗ. Ảnh: VH

Còn ông Bùi Đức Tân, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2, KBT TN Kẻ Gỗ, là người quản lý trực tiếp khu vực trâu bị dính bẫy chết, cho biết: "Đây là một việc rất khó, trâu người dân thả, rừng thì rộng, trong khi Trạm bảo vệ rừng số 2 chỉ có 5 người nhưng quản lý và bảo vệ hơn 5.000ha. Đường sá đi lại rất khó khăn, người dân đặt bẫy họ luồn rừng tốt, nên rất khó phát hiện".

Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2 cho biết: đến thời điểm hiện nay, chỉ biết là có trâu của người dân chăn thả trong KBT nhưng đơn vị quản lý không nắm được có bao nhiêu con trâu. Đúng là, khu vực có nhiều trâu dính bẫy thú rừng nằm trong địa phận quản lý của Trạm.

Được biết, Trạm bảo vệ rừng số 2 đã nhiều lần phối hợp với người dân có trâu thả trong rừng đi tìm và tháo dỡ các loại bẫy thú rừng nguy hiểm kể trên. Nhưng những người đặt bẫy sau đó lại vào rừng "tái diễn" những sai phạm của họ. Người dân địa phương tìm hiểu biết được danh tính và hành vi của những người đặt bẫy đã báo cáo với UBND xã, Ban Công an xã Kỳ Thượng.

"Thời gian vừa qua Trạm bảo vệ rừng số 2 thu được khoảng hơn 30kg bẫy thú bằng dây cáp và dây phanh xe đạp tại địa phận do Trạm quản lý, bảo vệ" - ông Tân thông tin.

Phản hồi từ Khu BTTN Kẻ Gỗ: Bẫy thú giết trâu, “không kiểm soát được”, rất khó để xử lý! - Ảnh 4.

Con trâu cái của ông Trần Văn Hải khi vừa mới đẻ có người đến trả 56 triệu nhưng ông Hải nhất quyết không bán vì là trâu đầu đàn. Tuy nhiên một thời gian sau trâu cái bị dính bẫy thú chết, con nhỏ không có sữa cũng đang yếu và sắp chết. Ảnh: VH

Theo nguồn tin mà phóng viên Dân Việt có được, trong sáng nay (14/3) cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh sẽ đến hiện trường khu vực trâu bị dính bẫy thú rừng chết hàng loạt để kiểm tra.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem