Vụ trẻ mầm non bị bạo hành, trường giải thể là "thoát" trách nhiệm?

Tùng Anh Thứ tư, ngày 08/02/2017 15:34 PM (GMT+7)
Sau khi hành vị bạo hành trẻ của 2 giáo viên trường mầm non Sen Vàng bị phát giác, chủ cơ sở giáo dục này đã tự giải thể trường. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc, các chuyên gia giáo dục cho rằng, kỷ luật giáo viên, giải thể trường là chưa đủ.
Bình luận 0

Hình ảnh cô giáo mầm non trường Sen Vàng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu và “lên gối” thúc vào bụng trẻ đã trở thành nỗi ám ảnh cho rất nhiều phụ huynh trong suốt một tuần qua.

Chị Trần Phương Lan (Khu đô thị Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội) đã theo dõi rất kỹ vụ việc này trên các phương tiện truyền thông, vì chị cũng có 2 con đang học mầm non. Chị Lan cho biết: “Giáo viên đã được cho nghỉ việc, trường cũng tự giải thể nhưng biết đâu giải thể chỉ là chiêu trò để rồi sau đó họ lại xin phép thành lập trường khác để hoạt động. Vì giờ có để trường cũng chẳng ai vào học nữa. Nếu vẫn chủ cũ, quản lý cũ thì sau đó tên trường có thay đổi trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo hành?”.

img

Cô giáo cầm dép đánh vào đầu trẻ tại trường mầm non Sen Vàng (ảnh cắt từ Clip)

Trả lời phóng viên báo Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An  - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc Hội khóa XIII cho rằng, cần “mạnh tay” hơn nữa đối với những vụ việc tương tự, vì đây không phải lần đầu tiên diễn ra.

Bà An lý giải, việc trẻ bị bạo hành tại trường mầm non đã gây ra hậu quả rất lớn. Nó không dừng lại ở những tổn thất về thể chất, tinh thần của trẻ và gia đình người bị hại mà còn gây hoang mang cho rất nhiều bậc cha mẹ hiện đang có con trong độ tuổi mầm non.

“Họ thiếu lòng tin vào ngành giáo dục, vào trường lớp và thầy cô vì vậy gửi con để đi làm nhưng tâm lý lúc nào cũng nơm nớp. Điều này ảnh hưởng đến năng xuất lạo động, chất lượng cuộc sống của gia đình họ” – bà An nói.

Theo bà An, những giáo viên đã từng xuống tay bạo hành trẻ không nên cho trở lại hoạt động trong ngành giáo dục nữa vì họ không đủ nhân cách và đạo đức để đứng lớp dạy trẻ và nhận sự tin tưởng của phụ huynh.

“Đối với những chủ trường, hiệu trưởng trường mầm non, tuy không trực tiếp bạo hành trẻ nhưng họ gián tiếp dung túng cho hành động này. Họ vì lợi nhuận, tuyển giáo viên không đủ trình độ, quản lý lỏng lẻo, cơ chế giám sát không tốt… Đối với những cơ sở này, ngoài việc phải tước giấy phép thành lập trường mà còn phải gia hạn một thời gian nhất định không được tiếp tục xin giấy phép thành lập trường mầm non nữa” – bà An nói.

img

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch hội nữ trí thức Hà Nội

Ngoài ra, bà An cũng để nghị các Sở GD ĐT phải làm mạnh vấn đề giám sát, sàng lọc các cơ sở trường mầm non trên địa bàn, đặc biệt là các trường tư thục, nhóm lớp tư nhân: “Cần có yêu cầu bắt buộc các cơ sở này công khai các tiêu chí, tên trường, địa chỉ, cập nhật số lượng học sinh, giáo viên, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất… để xã hội giám sát. Những cơ sở nào không đủ điều kiện phải dứt khoát loại bỏ ra khỏi hệ thống” – bà An nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD ĐT) cũng cho biết, Bộ GD ĐT đã đề nghị các địa phương phối hợp, tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ nhóm lớp tư thục không đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem