Mấy ngày nay mạng xã hội đang tranh luận trước sự việc ca sỹ Thủy Tiên bị một nữ doanh nhân tố không minh bạch trong hoạt động từ thiện.
Trên mạng xã hội đã có những cuộc tranh cãi xung quanh vụ việc này, trong đó nữ doanh nhân trên và nhiều người khác yêu cầu nữ ca sỹ hãy sao kê chi tiết toàn bộ số tiền cho công chúng được biết.
Còn Thủy Tiên cho biết, trước đây cô chọn cách sao kê tổng tiền từ thiện vì số lượng người chuyển tiền quá nhiều, sao kê có thể lên đến vài thùng giấy và rất khó để ngân hàng tổng kết.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội, chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, nếu để sự việc kéo dài những vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm niềm tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế.
Để kết luận đúng sai cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, phải tiến hành kiểm tra xác minh, thu thập chứng cứ mới có thể kết luận chính xác về sự việc.
Nếu vụ việc này không có đơn tố cáo hoặc cơ quan chức năng không tiến hành xác minh tin báo sẽ không bao giờ dư luận biết được sự việc là đúng hay sai bởi một bên nói có, một bên nói không, dư luận không biết tin bên nào.
Vị luật sư thông tin, theo quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: vu khống, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh tin báo và có kết luận là sự việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không để xử lý.
Trường hợp hai bên đều không có đơn tố cáo nhưng vụ việc được đưa lên báo chí, dư luận, mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cơ quan điều tra cũng có thể sẽ vào cuộc xác minh.
Các tội danh như vu khống, tội làm nhục người khác, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... mà ở mức độ nghiêm trọng thì không cần phải có đơn thư tố cáo, trình báo, tố giác của các bên liên quan cơ quan điều tra vẫn có thể vào cuộc xác minh.
Nên sớm công khai sao kê
Theo dõi vụ việc giữa nữ doanh nhân và ca sỹ Thủy Tiên, luật sư Cường cho biết, với diễn biến sự việc đến thời điểm này cơ quan điều tra có đủ căn cứ để có thể thụ lý tin báo, làm rõ sự việc để xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp xác định có sai phạm chứ không cần phải đợi đến đơn tố cáo, tố giác của những người trong cuộc.
Ca sỹ Thủy Tiên cũng đã biết sự việc mình bị nghi ngờ ăn chặn tiền từ thiện và đã lên mạng bày tỏ quan điểm, thậm chí đã khóc và tỏ ra bức xúc về câu chuyện này. Ca sỹ cho rằng mình bị vu khống, bị xúc phạm và sự việc là hoàn toàn không có thật.
Tuy nhiên theo vị luật sư, điều khó hiểu là dù nữ ca sỹ cho rằng mình bị xúc phạm, bị vu khống, làm nhục như vậy, nhiều khán giả, người hâm mộ đã quay lưng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, thậm chí cả tài sản nhưng đến nay nữ ca sỹ này vẫn chưa có đơn tố cáo nữ doanh nhân.
"Nếu mình không làm việc gì sai trái, tốt nhất ca sỹ Thủy Tiên nên đưa sự việc ra pháp luật để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ, có kết luận và lấy lại công bằng cho mình" – luật sư Cường nhấn mạnh.
Vị luật sư nêu quan điểm, từ sự việc bóc phốt, tố cáo các nghệ sĩ trong đó có Thủy Tiên thì số lượng antifan, các hội nhóm mọc lên rất nhiều trên mạng xã hội để tẩy chay một số nghệ sĩ. Dư luận xã hội cũng chia thành những bè phái công kích, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau.
Mạng xã hội trở nên hỗn loạn với những hoạt động chửi bới, bởi móc, tìm kiếm thông tin cá nhân, xúc phạm lẫn nhau một cách vô tội vạ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm niềm tin và đạo đức của con người, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và có thể làm suy giảm hiệu quả của hoạt động từ thiện trong thời gian tới đây.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đồng thời xác minh làm rõ sự việc để xử lý những sai phạm theo quy định pháp luật, nếu có.
Về phía Thủy Tiên, nếu thực sự bị oan ức, bị làm nhục, bị xúc phạm, nữ ca sỹ này nên công khai tất cả các thông tin sao kê tài khoản từ thiện cũng như các khoản chi phí một cách chi tiết, có văn bản, có tính hệ thống, giải trình đầy đủ những câu hỏi thắc mắc của dư luận cho những người đã đóng góp tiền cho nữ ca sỹ từ thiện.
Đồng thời đưa nên đưa sự việc ra pháp luật đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận đúng sai. Nếu thực sự hoàn toàn trong sạch, chỉ có cách làm như vậy mới cứu vãn được danh dự, uy tín và xử lý những người đã vu khống mình.
"Thủy Tiên càng chậm công khai thông tin sao kê, chậm giải thích về các nghi ngờ của dư luận và không đưa sự việc ra pháp luật sẽ càng mất uy tín và khiến cho nhiều người càng tin vào những chứng cứ mà nữ doanh nhân kia đã đưa ra" – luật sư Cường nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xin ý kiến các hội ngành liên quan để soạn dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Văn bản được xây dựng để nghệ sĩ ứng xử có văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức.
Ngoài quy định nghề nghiệp, bản dự thảo đề cập một số vấn đề liên quan đến ứng xử trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng. Theo đó, với đồng nghiệp, nghệ sĩ không công kích, bài xích mà nên cạnh tranh lành mạnh. Với công chúng, nghệ sĩ cần tận tâm cống hiến, lắng nghe góp ý của khán giả, không lợi dụng danh tiếng để trục lợi.
Trong các hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, đồng thời minh bạch hoạt động xã hội, từ thiện. Dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan. Trên mạng xã hội, nghệ sĩ phát ngôn trung thực, không dùng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, không đăng tải các thông tin sai sự thật, xúc phạm người khác...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.