Từ lúng túng cấp Giấy đi đường: "Việc liên quan đến hàng triệu người đang còn làm hời hợt quá!"

Vinh Hải Chủ nhật, ngày 05/09/2021 15:42 PM (GMT+7)
Từ câu chuyện lúng túng đổi mẫu Giấy đi đường ở Hà Nội, ông Đào Trung Thành – thạc sỹ an ninh mạng (Institut National des Télécommunications- Pháp) cho rằng việc ứng dụng công nghệ để đối phó với dịch bệnh Covid-19 chưa được bài bản và cách xử lý vẫn còn hời hợt.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Công an TP.Hà Nội được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phần mềm "Cấp và kiểm tra Giấy đi đường có nhận diện".

Đây là bước đi được kỳ vọng sẽ ứng dụng công nghệ trong việc kiểm soát người dân ra đường không đúng mục đích tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ngay từ khi chưa chính thức triển khai, việc cấp Giấy đi đường có nhận diện mã QR đã bộc lộ những lúng túng, bất cập nhất định.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Thành – chuyên gia an ninh mạng về vấn đề này.

Từ lúng túng cấp Giấy đi đường: Việc liên quan đến hàng triệu người đang còn làm hời hợt quá! - Ảnh 1.

Ông Đào Trung Thành cho rằng chủ trương cấp Giấy đi đường để kiểm soát số lượng người lưu thông là đúng, nhưng cách làm bất ổn. Ảnh NVCC.

Tôi được biết, ông đã rất bất ngờ khi Công an Hà Nội mở hòm thư điện tử Gmail để tiếp nhận thông tin làm Giấy đi đường?

- Đúng vậy, đây có thể coi là lỗ hổng, bởi người ta có thể tạo email trước Công an các quận, các phường. Người ta tạo được chục cái như thế thì phương án tiếp nhận thông tin của người dân có nguy cơ thất bại hay cần điều chỉnh. 

Tôi không chê Gmail, đây là ứng dụng tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới về email, nhiều tổ chức cũng dùng. Tuy nhiên, nếu anh là cơ quan, tổ chức của Nhà nước, Chính phủ cần tuân thủ quy chế bảo mật, an toàn của cơ quan và cần sử dụng email của cơ quan chính thức có đăng ký tên miền (org.vn , edu.vn , .vn).

Tôi cho rằng, chủ trương cấp Giấy đi đường để kiểm soát số lượng người lưu thông, khoanh vùng dập dịch bệnh là đúng. Nhưng cách làm đang bất ổn.

Một số địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu chẳng hạn, đã sử dụng Giấy đi đường điện tử bằng mã QR. Người dân chỉ cần mở trực tiếp ứng dụng "VUNGTAUIOC-Civ" hoặc lưu mã QR trên điện thoại, in mã QR làm thẻ đeo, dán mã QR trên phương tiện di chuyển. Công an có thể kiểm tra nhanh chóng, đỡ phải tiếp xúc, tránh lây nhiễm. Quan trọng hơn là giảm bớt thủ tục, giấy tờ phiền hà cho dân và cơ quan phục vụ.

Còn ở Đà Nẵng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động được phép theo quy định có nhu cầu được cấp giấy đi đường QRCode, đăng ký trực tuyến tại địa chỉ https://giaydiduong.danang.gov.vn. Cơ quan có thẩm quyền được phân công phê duyệt, cấp giấy đi đường QRCode tại địa chỉ https://eticket.danang.gov.vn. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy đi đường QRCode thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường QRCode và gửi cho người sử dụng.

 Thế nhưng, các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh vẫn cứ in Giấy đi đường.

Mỗi địa phương có một cách cấp, xác nhận Giấy đi đường khác nhau. Vì sao chúng ta không thống nhất hệ thống cấp mã nhận diện QR để người dân lưu thông?

- Chúng ta có hệ thống này chưa? Chưa có! Chúng ta có làm được một hệ thống kết nối toàn quốc hay không? Được, nhưng cần có thời gian!

Với cách làm của Hà Nội hiện nay, sẽ sử dụng dàn trải một lực lượng lớn Cảnh sát khu vực ở địa phương thay vì tập trung vào một bộ phận thực hiện quy trình cấp Giấy đi đường.

Nếu thực hiện cấp mã QR tập trung tại một bộ phận, sẽ cần viết lại một phần mềm hay hệ thống để: Cho phép người dân đăng ký; Tạo, phân cấp, phân quyền cho người duyệt; Quy trình duyệt. Với số lượng đăng ký lớn cũng cần nâng cấp hạ tầng để đáp ứng, điều đó cũng chưa chắc đã đơn giản.

Chuyên gia công nghệ: "Cách làm cấp giấy đi đường chưa bài bản, có thể tạo lỗ hổng trong quá trình đăng ký" - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường theo mẫu mới tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Thuyền

Vậy là ở góc độ ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đang có những vấn đề chưa thể giải quyết?

- Hiện giờ, chúng ta đang đối phó chứ chưa có chiến lược bài bản. Ứng dụng công nghệ kiểu gì mà đến thời điểm dịch bệnh phức tạp lại dùng Gmail hay Google Form?

Chúng ta hô hào chuyển đổi số nhưng công nghệ cho phòng chống Covid-19 chưa được chú ý, thiếu sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan.

Rất có thể, sắp tới có Giấy chứng nhận vắc xin cho phép người tiêm 2 mũi có thể lưu thông. Chẳng lẽ lại thêm một phần mềm hay một thủ tục riêng lẻ khác? Những việc liên quan đến hàng triệu con người nhưng cách chúng ta làm hời hợt quá!

Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng, Bộ TT&TT cần chủ trì việc này. Chúng ta đủ sức làm được một hệ thống kiểm soát người dân đi lại có kết nối với các vấn đề về khai báo y tế, tiêm chủng và nên làm bởi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Chúng ta có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin giỏi, đã có những bài học về ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở các quốc gia khác. Tôi tin chúng ta sẽ làm được.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem