Vụ việc Chủ đầu tư khu đô thị Phương Đông lấn chiếm bãi triều: Người dân chính thức gửi đơn kêu cứu

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 25/03/2021 16:39 PM (GMT+7)
Khoảng 4 ngày sau khi huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) công bố việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông (Công ty Phương Đông) "thực hiện xong việc khôi phục hiện trạng" khu vực lấn chiếm bãi triều xã Đông Xá, hơn 100 người dân sinh sống bằng nghề đào sá sùng đã đến trụ sở UBND huyện Vân Đồn kiến nghị, đòi quyền lợi.
Bình luận 0

Ngày 19/3/2021, khoảng hơn 100 người dân làm nghề đào sá sùng trên bãi triều xã Đông Xá đã cùng có mặt tại trụ sở UBND huyện Vân Đồn gửi đơn kiến nghị.

Khu đô thị lớn nhất Vân Đồn lấn chiếm bãi triều: Người dân gửi đơn kêu cứu - Ảnh 1.

Theo số liệu của UBND huyện Vân Đồn, 16.000m2 đất bãi triều xã Đông Xá đã bị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông đổ đất, lấn chiếm.

Bà Châu Thị Tâm (thôn 10, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cho biết, chiều 19/3, hơn 100 người dân đào sá sùng cùng nhau đến trụ sở UBND huyện. Sau đó, bà và bà Việt (thị trấn Cái Rồng) được cử làm đại diện vào nộp đơn.

"Tại phòng tiếp công dân, chúng tôi cũng trình bày rằng bãi biển tự nhiên người dân khai thác hải sản từ bao đời nay. Năm 2018, Công ty Phương Đông đã đến lấp một diện tích bãi triều rất lớn, từ đó dân làm nghề khai thác sá sùng chúng tôi bị giảm thu nhập đi quá nửa.

Nay lại thêm một lần nữa đổ đất lấn chiếm 16.000m2 bãi triều, hủy diệt vĩnh viễn sá sùng và các loài hải sản khác dưới lòng đất. Chúng tôi yêu cầu Công ty Phương Đông phải bồi thường thiệt hại về sinh kế cho người dân", bà Tâm kể.

Khu đô thị lớn nhất Vân Đồn lấn chiếm bãi triều: Người dân gửi đơn kêu cứu - Ảnh 2.

Mặc dù Công ty Phương Đông đã tuyên bố khắc phục xong, nhưng theo người dân, hiện vẫn còn một lượng lớn đất đá được lu lèn chặt xuống bãi triều cũ, hủy diệt vĩnh viễn các loài hải sản từng tồn tại ở đây.

"Sau khi trình bày và nộp đơn, người đại diện gặp mặt tiếp chúng tôi nói sẽ xem xét đơn và giải quyết vào một ngày gần nhất. Chúng tôi cũng nói nếu không giải quyết sớm thì dân lại kéo lên huyện đòi bồi thường thiệt hại" – bà Tâm nói thêm.

Một trong số hơn 100 người dân có mặt tại trụ sở UBND huyện Vân Đồn, bà Phạm Thị Huân (thôn Đông Thắng, xã Đông Xá) bần thần, nói: "Họ bảo là khắc phục xong, trả lại nguyên trạng, nhưng thực tế vẫn còn gần 1m đất lu lèn chặt chẽ kéo dài hàng kilomet dọc bãi triều. Vĩnh viễn sẽ không có loài hải sản nào tái sinh ở đó nữa. Tới giờ đi qua tôi vẫn luyến tiếc, không dám nhìn".

Khu đô thị lớn nhất Vân Đồn lấn chiếm bãi triều: Người dân gửi đơn kêu cứu - Ảnh 3.

Ánh mắt nuối tiếc, xót xa của người đào sá sùng khi nhìn về bãi triều cũ bị vùi lấp.

"Sát sinh, hủy diệt" – đó là những cụm từ mà chị Đỗ Thị Thu Hằng (hộ nghèo ở khu 8, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) nói về hành vi đổ đất, lấn chiếm bãi triều của Công ty Phương Đông.

"Nhiều năm nay, tôi một mình nuôi 2 con ăn học cũng chỉ trông cậy vào bãi sá sùng Đông Xá này. Việc lấp đất của Công ty Phương Đông không chỉ sát hại các loài hải sản trên bãi, mà còn đẩy những người như gia đình chúng tôi vào cảnh sống hết sức khó khăn", chị Hằng bức xúc.

Khu đô thị lớn nhất Vân Đồn lấn chiếm bãi triều: Người dân gửi đơn kêu cứu - Ảnh 4.

Gần 200 người làm nghề đào sá sùng trên bãi triều Đông Xá vẫn hàng ngày mưu sinh, dù thu nhập đã bị hạn chế đi rất nhiều.

Là người nhiều tuổi nhất trong số hơn 100 người dân đào sá sùng trên bãi triều Đông Xá, bà Châu Thị Phượng (thôn Đông Hợp, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. 72 tuổi, nhưng hiện tại bà vẫn là lao động chính trong nhà, nuôi chồng cùng 2 cháu nhỏ của con trai đã bỏ vợ.

Bà Phượng tái nhợt, hom hem hơn nhiều so với tuổi 72. Bước đi không còn vững chãi nhưng hằng ngày, bà vẫn phải cố ra bãi triều. Con sá sùng từ nhiều năm nay là cơm, là điện, là trang sách của cháu bà…

"Trước đây, người già như tôi mỗi buổi làm cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Nhưng giờ thì không còn được như thế nữa. Nhiều hôm còn về tay trắng" – bà Phượng sụt sùi.

Còn nhiều, nhiều nữa những gương mặt lam lũ mà PV Dân Việt đã gặp, trao đổi trên bãi triều Đông Xá. Một số người thẳng thắn nói lên niềm phẫn uất vì bị mất bãi triều, nơi khai thác hải sản tự nhiên nhiều đời nay. 

Một số khác ngậm ngùi ngồi yên, chỉ tỏ bày qua ánh nhìn buồn rượi. Thậm chí nhiều người tỏ ra sợ sệt, xin phép không nói vì sợ hãi một điều gì đó.

Khu đô thị lớn nhất Vân Đồn lấn chiếm bãi triều: Người dân gửi đơn kêu cứu - Ảnh 5.

Sá sùng, loài hải sản được ví như vàng ròng ở Quảng Ninh.

Trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho hay: "Tới thời điểm hiện tại, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chưa nhận được phản ánh của nông dân Vân Đồn về vấn đề này. Trong trường hợp có phản ánh, kiến nghị, chúng tôi sẽ cử cán bộ đến khảo sát, nắm bắt và trao đổi với địa phương, phối hợp với các cơ quan để giải quyết.

Trong trường hợp chưa có đơn kiến nghị, chúng tôi sẽ nắm lại thông tin, tư tưởng của người dân. Cái gì trong phạm vi Hội, Hội sẽ có văn bản chỉ đạo, đề nghị phối hợp giải quyết với mục đích đòi hỏi quyền lời hợp pháp cho người dân. Cái gì không thuộc phạm vi sẽ đề xuất sang cấp ủy, chính quyền".

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 3/3, Báo Điện tử Dân Việt đã gửi công văn số 81 đề nghị UBND huyện Vân Đồn, Sở NN&PTNT Quảng Ninh, Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh phối hợp cung cấp thông tin. Tuy nhiên đến nay, Báo Điện tử Dân Việt chưa nhận được văn bản trả lời.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh:

Nếu khu vực đất bị lấn chiếm là khu vực thủy sản tự nhiên đang sinh sống, thì không thể áp dụng việc xử phạt đất chưa sử dụng như trên.

Theo đó, quy định có liên quan đến Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 42/2019 là cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước tiến hành xử lý. Bởi hành vi lấn chiếm này có thể vi phạm vào "các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản" được quy định tại Điều 7 của Luật Thủy sản 2017.

Cụ thể là "hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản".

Hành vi này chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính hay có thể khởi tố vụ án hình sự hay không, cần tiến hành việc khảo sát thực tế, cùng với đó là thẩm định thiệt hại theo hai vấn đề.

Thẩm định thiệt hại nguồn lợi thủy sản. Thẩm định trị giá thủy sản thu được (dựa trên sự tính toán sản lượng và giá cả bán ra của lượng thủy sản bị xâm hại).

Nếu qua việc thẩm định này mà xác định đủ căn cứ về giá trị (thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng trở lên, thiệt hại thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng trở lên), hành vi vi phạm này có thể bị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung tại Khoản 62 Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2017.

Nếu hành vi vi phạm không đủ giá trị định lượng nêu trên, chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 42/2019 "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản" với mức phạt cho hành vi vi phạm lần đầu từ 100 - 200 triệu đồng theo Điểm B Khoản 1 Điều 6 Nghị định 42 (vì đây là tổ chức vi phạm).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem