Vụ việc chùa Biện Sơn: Hảo tự ố tăng và bài học "phản Phật, phản dân"
PGS Trần Lâm Biền nói về vụ việc chùa Biện Sơn: "Hảo tự ố tăng" và bài học "phản Phật, phản dân"
Hà Tùng Long
Thứ sáu, ngày 22/07/2022 15:04 PM (GMT+7)
PGS Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu di sản, văn hóa chia sẻ với Dân Việt rằng, ông xem việc sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn (Vĩnh Phúc) vừa qua là sự việc có tính chất cảnh tỉnh một số nhà tu hành.
Thưa Phó Giáo sư! Sự việc sư thầy ở chùa Biện Sơn - Vĩnh Phúc có những hành vi tà dâm nơi cửa Phật, trái với giới luật của tăng sĩ, trái với giáo pháp của đạo Phật… sau khi được báo chí đăng tải đã gây "chấn động" trong dư luận. Là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo… ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Tôi có theo dõi vụ việc này trên Báo Dân Việt. Qua sự việc này, tôi thấy rằng, đã tình nguyện xuống tóc, khoác áo cà sa, xuất gia làm đệ tử của đức Phật thì phải quan tâm đến giới luật của người tu hành. Giới ở đây là giới hạn của đạo đức, hành vi, ứng xử, lối sống… của người tu hành ở chốn thiền môn. Còn nếu nói đó là tính cách khó bỏ của con người đời thường thì hãy sớm trả lại áo cà sa và trở về đời thường đi, đừng ở chùa nữa.
Đã bước chân vào chốn thiền môn, đã xác định theo đời tăng sĩ thì phải nghiêm túc giữ giới luật, giới chính là các nguyên tắc phải có của người tu hành. Giữ được giới thì tâm mới tịnh, tâm có tịnh thì tuệ (trí tuệ) mới phát sinh, tuệ có phát sinh thì mới tiếp cận được với đạo, tiếp cận được với đạo thì mới giáo hóa được chúng sinh đi theo con đường chân lý của đức Như Lai.
Nếu không giữ được giới, không ý thức được nếp của người xuất gia thì có thể gọi đó là "phản Phật, phản dân", mà đã "phản Phật, phản dân" thì không thể ở chùa được.
Sau khi sự việc được sáng tỏ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã đưa ra các hình thức xử lý vị tăng sĩ này. Ông thấy những hình thức xử lý đó đã đủ sức răn đe, ngăn chặn?
Nội hàm của đạo Phật là từ bi và trí tuệ, còn được gọi là "Bi Trí song vận". Vì thế, dù xử lý nghiêm tới đâu thì chúng ta vẫn thấy có sự từ bi trong đó. Đó là điều chúng ta không thể phản bác hoặc phủ nhận.
Nhưng có lẽ vì thế mà nhiều vị tăng sĩ mắc sai lầm vẫn chưa nhận ra được cái lỗi của mình nên đã không chịu tu sửa, không chịu sám hối và nghiêm túc dừng lại. Thậm chí, nhiều vị vẫn chưa lấy những câu chuyện đã xảy ra để làm gương, để răn sửa mình mà vẫn tiếp tục vi phạm các chế định của giáo hội.
Có nhiều ý kiến cho rằng, sự việc ở chùa Biện Sơn không phải là hiện tượng phổ biến, chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", sự việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đạo Phật nói chung và tầng lớp tăng sĩ nói riêng. Theo ông, nên nhìn nhận như thế nào cho đúng về hiện tượng này?
Tôi nghĩ, không nên nói đây là "con sâu làm rầu nồi canh" mà là sự việc có tính chất cảnh tỉnh một số nhà tu hành. Nhất là các nhà tu hành đang không xem việc giữ gìn giới luật của người tăng sĩ là việc quan trọng nhất.
Thực ra, trong thời gian gần đây, xảy ra những sự việc ồn ào liên quan đến hành vi, ứng xử, lối sống của một số tăng sĩ. Theo ông, vì sao lại có những sự việc này?
Bây giờ, người ta nói là "no cơm ấm cật, dậm dật chân tay" chứ không phải kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa" như ngày xưa nữa. Rõ ràng, có nhiều người gửi mình vào chùa là để tu hành thực sự, để tìm con đường giải thoát đúng nghĩa nhưng không loại trừ có người vào chùa để kiếm lợi về vật chất. Và khi đã thỏa mãn về nhu cầu vật chất thì xuất hiện hiện tượng "no cơm ấm cật, dậm dật chân tay".
Tôi đi chùa, thấy bây giờ chùa nào cũng to lớn, khang trang… có nhà sư đi xe hơi bóng loáng. Trong khi đó, cổ nhân có câu "hảo tự ố tăng", chùa càng to lớn bao nhiêu thì người tu hành lại hướng vào vật chất bấy nhiêu. Người ta tu hành để thoát khỏi tham sân si, thoát khỏi ái dục, thoát khỏi vô minh… mà giờ lại vướng sâu hơn vào vật chất thì liệu có tu nổi không, tu có thành tựu được không?
Vậy theo ông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải làm gì hoặc có những chế định như thế nào để ngăn chặn được các hành vi trái với giới luật của tăng sĩ, gây ảnh hưởng đến chánh pháp của đạo Phật?
Người lãnh đạo của giáo hội cần phải đặc biệt coi trọng sự trong sáng trong đạo. Đặc biệt, đạo Phật cần phải hướng tới sự trong sáng tuyệt đối, phải hướng tới đỉnh cao của sự giác ngộ như lời của đức Phật dạy.
Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể hướng đến sự trong sáng tuyệt đối chứ không bao giờ có được sự trong sáng tuyệt đối cả. Nếu không quyết tâm và tập trung hướng vào điều đó thì sẽ ngày càng có thêm những vụ việc gây tiêu cực như vụ việc ở chùa Biện Sơn.
Trong lịch sử của nước ta, một số triều đại phong kiến đã rất quan tâm đến sự phát triển của tăng chúng. Ngoài ra, nhiều triều đại cũng không ít lần thanh lọc và nâng cao sự trong sáng của hàng ngũ tăng chúng. Và ngày nay, chúng ta nên nghiên cứu cách làm đó của cha ông để áp dụng cho phù hợp. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến phát triển tăng chúng để đạo Phật thực sự mang đạo pháp đồng hành cùng dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.