Nhận hối lộ tiền tỷ trong vụ Việt Á nhưng cựu Vụ trưởng vẫn được luật sư cho rằng đã "xé rào"

Bách Thuận Thứ ba, ngày 09/01/2024 06:33 AM (GMT+7)
Nguyễn Minh Tuấn – cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế bị cáo buộc nhận gần 7 tỷ đồng từ Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Bào chữa cho thân chủ, luật sư của bị cáo Tuấn cho rằng ông này "vào thế" buộc phải làm.
Bình luận 0

Luật sư nói cựu Vụ trưởng buộc phải làm

Nguyễn Minh Tuấn – cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành sinh phẩm chuẩn đoán, Bộ Y tế bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố tội "Nhận hối lộ".

Ông Tuấn bị quy kết đã 2 lần nhận tiền của Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ngày 8/1, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm phạt ông này từ 8 đến 9 năm tù với tội danh "Nhận hối lộ".

Cơ quan truy tố cáo buộc, do Công ty Việt Á không thuộc đối tượng cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm nên ngoài việc nhờ Nguyễn Văn Trịnh – cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và cựu thư ký của ông này, Phan Quốc Việt còn trực tiếp gặp, nhờ Nguyễn Minh Tuấn giúp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành và được Tuấn đồng ý.

Ông Tuấn bị cáo buộc biết rõ test xét nghiệm Covid-19 là sản phẩm của đề tài thuộc sở hữu Nhà nước, không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á.

Ông Tuấn cũng được cấp dưới báo cáo rõ hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành thiếu 4 tài liệu, không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành nhưng do cựu thư ký của ông Nguyễn Thanh Long, cựu Trợ lý của Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Thanh Long tác động, chỉ đạo và Phan Quốc Việt trực tiếp đặt vấn đề nên Tuấn đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm.

Cơ quan truy tố quy kết, để được bị cáo Tuấn giúp đỡ trong quá trình kiểm tra, đánh giá, tham mưu để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á trái quy định pháp luật, vào tháng 3 và tháng 7/2020, Việt đã gặp và đưa tiền hối lộ Tuấn 2 lần với tổng số 300.000 USD (tương đương hơn 6,94 tỷ đồng).


Nhận hối lộ tiền tỷ trong vụ Việt Á nhưng cựu Vụ trưởng vẫn được luật sư cho rằng đã "xé rào"- Ảnh 1.

Nguyễn Minh Tuấn đã nhận hối lộ gần 7 tỷ đồng từ Phan Quốc Việt. Ảnh: DV

Hành vi của bị cáo Tuấn giúp Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, biến test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm của Công ty Việt Á, được sản xuất, bán thương mại, gây thiệt hại số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, cả bị cáo và luật sư đều nhất trí với tội danh bị cáo Tuấn bị truy tố, như vậy là đúng người, đúng tội, tuy nhiên theo vị luật sư, mức án mà vị Viện Kiểm sát nêu là quá nặng với thân chủ của mình.

Về hành vi sai phạm của bị cáo Tuấn, luật sư Ứng cho rằng, về nguyên nhân chủ quan, mặc dù ông Tuấn biết test xét nghiệm Covid-19 không đủ điều kiện để cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á nhưng vì chỉ đạo của cấp trên nên phải làm, buộc phải soạn và trình văn bản…

Về nguyên nhân khách quan, luật sư Ứng phân tích, trong giai đoạn cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nếu không cấp phép để chống dịch thì chậm trễ, bị cáo Tuấn cũng sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ.

Xét về tính thời điểm, theo vị luật sư bào chữa cho cựu Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, hành động của Tuấn cũng được coi là "xé rào". Tiếp tục bào chữa, luật sư Ứng nói tất nhiên khi Tuấn thấy hồ sơ không đủ thì có thể từ chối, có thể không tuân theo chỉ đạo của cấp trên tuy nhiên "rất tiếc là bị cáo không làm được".

Về việc nhận hối lộ từ Phan Quốc Việt, luật sư Ứng trình bày, việc nhận tiền này là chính xác, bị cáo Tuấn đã chủ động làm bản tường trình vì dằn vặt, biết nhận tiền là không đúng và nhận thức được đó là tiền hưởng lợi không chính đáng. Bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả toàn bộ 300.000 USD được xác định nhận hối lộ.

Vị luật sư cũng trình bày, bị cáo Tuấn luôn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Trong nhiều tình tiết giảm nhẹ, vị luật sư thông tin rằng vợ của bị cáo Tuấn hiện bị ung thư giai đoạn cuối, phải nhập viện nên không thể đến tòa theo triệu tập của HĐXX.

Luật sư Ứng nhìn nhận Viện Kiểm sát đề nghị mức án với thân chủ mình là quá cao, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt dưới mức Viện Kiểm sát đề nghị.

"Nhiệt tình giúp bạn, giúp em mà phạm tội"

Luật sư Bùi Đình Ứng cũng là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Thủy là cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục, bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 3 đến 4 năm tù tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Bà Thủy bị quy kết cùng Nguyễn Bạch Thùy Linh – Giám đốc Công ty SNB Holdings đã gợi ý Công ty Capitaland ký hợp đồng mua test xét nghiệm của Công ty Việt Á, trị giá 1 triệu USD với mục đích để hưởng lợi bất chính. Thủy lợi dụng mối quan hệ cá nhân, can thiệp, tác động để ông Nguyễn Thanh Long có mặt tại buổi lễ trao test xét nghiệm nên Thuỷ, Linh được hưởng lợi 40% giá trị hợp đồng.

Cụ thể, cơ quan truy tố cáo buộc, sau khi biết Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm Covid-19, do có mối quan hệ quen biết từ trước nên ngày 18 và 20/3/2020, Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng Nguyễn Bạch Thùy Linh chủ động gặp, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.

Nhận hối lộ tiền tỷ trong vụ Việt Á nhưng cựu Vụ trưởng vẫn được luật sư cho rằng đã "xé rào"- Ảnh 2.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (trong ảnh) bào chữa, bị cáo này vì nhiệt tình giúp bạn, giúp em mà phạm tội. Ảnh: Công Lý

Theo đó, thỏa thuận Công ty Việt Á giao Thuỷ, thông qua Công ty Giang San (Linh và chồng là ông Ngô Mê Giang đứng tên chủ sở hữu) là đại lý cấp 1, độc quyền xuất khẩu test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất.

Do Công ty Việt Á chưa được cấp số đăng ký lưu hành chính thức, chưa đủ điều kiện xuất khẩu test xét nghiệm nên Việt thỏa thuận và chấp nhận chi 40% giá trị test xét nghiệm được xuất khẩu cho Thuỷ.

Phan Quốc Việt chấp nhận việc trên vì biết Thủy có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á thuận lợi trong việc được cấp số đăng ký lưu hành chính thức, cấp chứng chỉ CE, CFS, đủ điều kiện xuất khẩu test xét nghiệm Covid-19.

Cuối tháng 3/2020, bà Trần Vũ Mai Hoàng (em họ Thuỷ), nhân viên Công ty Capitaland (thuộc Chính phủ nước ngoài) có trao đổi thông tin với Thuỷ, Linh về việc công ty sẽ ủng hộ hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 giá 1 triệu USD.

Lúc này Thuỷ, Linh nói Công ty Giang San là đại lý cấp 1 của Công ty Việt Á, đồng thời gợi ý cho bà Hoàng báo cáo lãnh đạo công ty mua test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất với giá trị 1 triệu USD để tặng.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đánh giá, điều kiện Công ty Capitaland đưa ra, Phan Quốc Việt không thực hiện được nhưng do Thủy có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ nên Thủy có thể can thiệp, tác động đến lãnh đạo các Bộ, ngành để có thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ này.

Do vậy, Việt đồng ý chi 40% giá trị hợp đồng cho Thuỷ, Linh để Thủy thực hiện tác động, can thiệp theo đề nghị của Công ty Capitaland.

Nhận hối lộ tiền tỷ trong vụ Việt Á nhưng cựu Vụ trưởng vẫn được luật sư cho rằng đã "xé rào"- Ảnh 3.

Trong 38 bị cáo bị truy tố ở đại án Việt Á thì có 2 người bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" là Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh. Ảnh: DV

Bào chữa cho bị cáo Thuỷ, luật sư Bùi Đình Ứng cũng cho biết, bị cáo Thủy đồng ý với quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát nhưng theo luật sư Ứng, mức án được đề nghị với bị cáo Thủy là "quá nặng".

Tiến hành phân tích, luật sư Ứng cho rằng, việc mua quà tặng trị giá bao nhiêu Thủy không biết. Việc tác động mời ông Nguyễn Thanh Long đến dự buổi trao sinh phẩm của Công ty Capitaland mục đích là giúp cho Linh có hợp đồng, giúp em họ Mai Hoàng.

Luật sư ứng trình bày, việc ông Long đến dự buổi trao sinh phẩm đó là rất bình thường, thể hiện sự trân trọng với nhà hảo tâm vì Capitaland không đề nghị đích danh ông Long đến, nếu ông Long không đến thì cũng có lãnh đạo cấp cao khác đến.

Từ các phân tích của mình, luật sư cho rằng bị cáo Thủy vừa có tội nhưng cũng vừa gián tiếp có công lao. Hành vi của Thủy được luật sư Ứng phân tích là có sai, nhưng sai do không hiểu biết nên vi phạm.

Luật sư Ứng cũng cho rằng tiền hưởng lợi cũng không phải của Nhà nước mà là của doanh nghiệp nên mong HĐXX xem xét hành vi của Thủy là do nhiệt tình giúp bạn, giúp em mà phạm tội.

Về số tiền hưởng lợi, luật sư dẫn chứng Thủy cũng đã trả lại toàn bộ 2 tỷ đồng cho Linh. Nhân thân của Thủy cũng đưa luật sư nêu rõ là có bố đẻ, mẹ đẻ 75 năm tuổi Đảng, 65 năm tuổi Đảng, gia đình có công.

Về bản thân bị cáo Thuỷ, luật sư cho biết Thủy mắc bệnh huyết áp thấp từ cách đây 6 năm, rối loạn thần kinh dẫn đến trầm cảm, có dấu hiệu teo não…

Với các phân tích, luật sư Ứng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thuỷ, mức án được ông Ứng đề nghị là vừa bằng mức tạm giam bị cáo Thủy (Thuỷ bị bắt từ ngày 4/1/2023, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem