Vụ xử Nguyễn Khắc Thủy: Trình tự giám đốc thẩm vụ án thế nào?

Đình Việt Thứ tư, ngày 16/05/2018 07:20 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu được xử giám đốc thẩm sẽ có một Ủy ban Thẩm phán được thành lập, Ủy ban này sẽ xem xét lại hồ sơ vụ án.
Bình luận 0

Ngày 11.5 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên xử phúc thẩm vụ án "Dâm ô trẻ em" đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, nguyên Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngụ chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) và tuyên phạt bị cáo mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trước đó, phiên sơ thẩm, bị cáo này bị tuyên phạt 3 năm tù giam.

Phán quyết này của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gây bức xúc trong dư luận bởi hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, ông ta bị cáo buộc thực hiện hành vi dâm ô với nhiều trẻ em và nhiều lần.

img

Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: IT

Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết, sau khi nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với bản án tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy, Viện KSND Cấp cao đã chỉ đạo rút hồ sơ vụ án lên để xem xét trên cơ sở kháng nghị toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình xem xét, nếu phát hiện sai phạm, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM sẽ có văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án. 

“Được biết TAND Tối cao cũng đã cử người vào Bà Rịa – Vũng Tàu rút hồ sơ vụ án để xem xét. Trong trường hợp đơn vị này thấy bản án vụ ô trẻ em ở Vũng Tàu có vấn đề sẽ thực hiện theo trình tự giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án”, luật sư Thơm thông tin.

Theo vị luật sư này, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Theo luật sư Thơm, nếu vụ ô trẻ em ở Vũng Tàu được xử giám đốc thẩm sẽ có một Ủy ban Thẩm phán được thành lập, Ủy ban này sẽ xem xét lại hồ sơ vụ án.

Sau khi xem xét, nếu thấy phiên tòa phúc thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, bản án phúc thẩm sẽ được giữ nguyên. Nếu phát hiện sai phạm sẽ hủy bản án đã tuyên và yêu cầu điều tra lại. Nếu xét thấy bản án sơ thẩm đã đúng sẽ giữ nguyên bản án đó.

Ngoài ra, cũng theo luật sư, trong vụ việc này nếu cả bị cáo và bị hại thấy bản án phúc thẩm chưa hợp lý có quyền làm đơn đề nghị TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TP HCM xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm.

Ở một diễn biến liên quan, ngày 15.5 bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa ký hai công văn gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị chỉ đạo xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Khắc Thủy.

Vụ án này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã theo dõi, phản ánh ngay từ khi vụ việc được tố giác và có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng VKSND tối cao. 

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thấy đây là vụ án dâm ô trẻ em phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định hành vi và tuyên giảm mức án đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại bản án phúc thẩm.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn vụ án tiếp tục được xém xét một cách toàn diện, đầy đủ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa chung trong xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem