Cần 10 được vay 1!
Mới đây, thị trường chứng khoán bất ngờ trước thông tin “vua” cá tra Hùng Vương thoái vốn hàng loạt công ty con, bất động sản để… trả nợ! Tính đến cuối tháng 11.2017, Hùng Vương đã bán một lô đất, bán công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC) để thu về khoảng 440 tỉ đồng. Hùng Vương còn công bố tiếp tục thoái vốn tại Agifish, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và tương lai sẽ cơ cấu lại theo hướng tinh gọn nhất.
Thiếu vốn, Hùng Vương phải bán nhiều công ty con.
Hùng Vương là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, tôm có bước tăng trưởng vượt bậc chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm kể từ khi thành lập. Năm 2003, Hùng Vương đạt doanh thu 60 tỉ đồng; đến năm 2017 tăng lên 20.000 tỉ đồng. Không chỉ sản xuất và xuất khẩu, Hùng Vương còn thâu tóm (M&A) các doanh nghiệp trong ngành. Việt Thắng, Agifish, FMC... là những thành viên mới, nhưng đem lại nguồn thu quan trọng của công ty.
Nhưng gần đây, Hùng Vương tuyên bố “bán hết những đứa con cưng. Tổng giám đốc Dương Ngọc Minh tiết lộ: “Phải thu hẹp quy mô là việc làm cực chẳng đã. Nguyên nhân sâu xa là do ngân hàng không đáp ứng đủ nguồn tài chính cho tập đoàn hoạt động. Trên báo cáo tài chính hợp nhất đến 30.9.2017, tổng nợ vay của Hùng Vương được thuyết minh là 7.800 tỉ đồng, nhưng trong đó, vay ngắn hạn khoảng 7.000 tỉ đồng, còn dài hạn chỉ 800 tỉ đồng”.
Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra cần số lượng vốn rất lớn, nhưng vòng xoay đồng vốn chậm do phụ thuộc thời gian: từ nuôi cá, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu doanh nghiệp phải mất ít nhất một năm mới thu hồi vốn. Vì vậy, không những Hùng Vương, mà các doanh nghiệp trong ngành như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Nam Việt… lúc nào cũng khát vốn. Ngoài sức ép rủi ro mùa vụ, giá cả thị trường, doanh nghiệp còn bị động trước lịch trả nợ của khách hàng, thậm chí còn bị giật nợ, trả nợ chậm… “Đây là lý do giới ngân hàng không “mặn” cho vay dài hạn, làm các doanh nghiệp phải khốn khổ lo đáo hạn các khoản vay ngắn hạn”, ông Minh phân tích.
“Một tập đoàn chỉ kinh doanh chuyên ngành lĩnh vực cá, tôm như Hùng Vương mà ngân hàng xét cho vay chỉ 800 tỉ đồng dài hạn, thử hỏi chúng tôi lấy tiền đâu mà đầu tư, mở rộng nhà máy, mở rộng vùng nuôi để tăng doanh số? Với số nợ vay dài hạn trên, không thể hoạt động được với quy mô và doanh số trong tương lai khoảng 30.000 – 35.000 tỉ đồng, cũng như không thể nuôi được lực lượng lao động lâu dài”, ông Minh nói.
Cơ chế…“tạo nản”
Vốn và cơ chế chính sách là hai yếu tố cản trở đối với doanh nghiệp hiện nay. Với mục tiêu sản xuất chuỗi khép kín từ con giống đến chế biến xuất khẩu, năm 2015, Hùng Vương tiếp tục dấn thêm vào nuôi heo công nghệ cao nhưng khi dòng vốn khó khăn, ông Minh phải tính toán lại mô hình chăn nuôi heo.
Mới đây, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp ở TP.HCM cũng đang gặp khó khăn về vốn do ngân hàng không đáp ứng nhu cầu. Phó giám đốc một hợp tác xã giết mổ ở Hóc Môn cho biết, cần ít nhất 300 tỉ đồng để xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp công suất 3.000 con/ngày, nhưng ngân hàng chỉ giải quyết được hơn 100 tỉ đồng, dù đã nhận thế chấp gần 10ha đất sổ đỏ quy hoạch công nghiệp với thời hạn hơn 40 năm. “Dù chính quyền TP.HCM khuyến khích đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp nhưng không đủ vốn, chúng tôi phải tính toán lại quy mô đầu tư”, vị phó giám đốc tâm sự.
Bên cạnh vốn, theo vị phó giám đốc hợp tác xã nói trên, mười năm nay đơn vị này chạy vạy lo thủ tục đầu tư nhà máy nhưng vẫn chưa đi đến đâu, vì… thiếu cơ chế. Năm doanh nghiệp khác cũng đầu tư nhà máy công nghiệp ở TP.HCM đang rơi vào bế tắc vì… thủ tục đầu tư. Có nhà máy làm xong thủ tục lại vướng… không có đường vào! Dù đã có hàng chục văn bản cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn không giải được. Các nhà máy khác vẫn còn loay hoay làm thiết kế 1/500. Đặc biệt, có nhà máy đã làm được quy hoạch nhưng vì thủ tục quá lâu, dân cư vào ở xung quanh, nay phải chuyển sang vị trí mới.
Theo giám đốc công ty An Hạ Nguyễn Thị Hồng Thắm, khi đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp 3.000 con/ngày, đã làm hồ sơ từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn “bừa bộn”, dù trước đó đã bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để gom đất của dân. “Nhưng để được sở Tài nguyên nhận hồ sơ hợp thửa, công ty được yêu cầu phải có bản vẽ hiện trạng khu đất, làm đánh giá tác động môi trường, đóng tiền ký quỹ cam kết đầu tư… Song song đó là chạy giấy phép đầu tư, quy hoạch 1/500, giấy phép chấp thuận công nghệ, giấy phép đánh giá tác động giao thông, phòng cháy chữa cháy…”, bà Thắm liệt kê. “Mỗi khâu làm nhanh nhất phải mất mười ngày. Chúng tôi mới làm được 1/3 thủ tục mà mất hơn một năm, giấy tờ chất thành đống mà vẫn chưa đâu vào đâu. Đi đến đâu cũng bị yêu cầu giấy này giấy nọ, làm riết thấy nản quá!”, bà Thắm than vãn.
bài, ảnh Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.