Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Thứ bảy, ngày 21/04/2012 00:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Triển khai được gần 1 năm, dự án đưa 600 trí thức trẻ (TTT) về làm phó chủ tịch (PCT) xã nghèo đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Báo NTNN đã phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh (ảnh) - Giám đốc Ban quản lý dự án, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Ông Vũ Đăng Minh cho biết: Mục tiêu cơ bản và lâu dài của dự án là tăng cường nguồn nhân lực về cho địa phương. TTT được bố trí chức danh PCT xã nghèo, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thì căn cứ vào nguyện vọng, nhu cầu của địa phương, nếu địa phương có nhu cầu và TTT mong muốn thì sẽ tiếp tục được bố trí ở lại làm việc.

img
Lớp tập huấn cho 61 TTT tại Thanh Hóa.

Trong trường hợp xã không có nhu cầu thì TTT sẽ được xét tuyển làm công chức cấp huyện trở lên. Nhưng thực tế, có nhiều TTT vừa mới về làm việc tại địa phương một thời gian đã được lãnh đạo huyện, tỉnh “nhắm” để cân nhắc lên sau khi hết nhiệm kỳ.

Trong trường hợp TTT không ở lại mà các xã nghèo vẫn cần PCT thì làm thế nào để bổ sung vào khoảng trống này, thưa ông?

- Sẽ có 2 nguồn tuyển để lấp chỗ trống: Một là tuyển từ công chức trên tỉnh, huyện tăng cường về giúp xã đó nếu xã đó vẫn trong diện chưa thoát nghèo. Thứ 2 là nguồn TTT kế nhiệm. Trong giai đoạn 2 của dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển chọn TTT để đưa về bổ sung nhân lực còn thiếu ở các xã (kể cả những xã đã có TTT về trước đó). Tuy nhiên, kế hoạch này còn phải xem đánh giá kết quả thực hiện dự án giai đoạn 1.

Chức danh PCT xã là chức danh hiệp thương, bầu cử, nếu TTT do tỉnh chọn không được tín nhiệm thì làm thế nào? Đã xảy ra tình trạng này ở tỉnh nào chưa?

- Khi bắt đầu hình thành dự án, chúng tôi cũng rất lo lắng và băn khoăn về vấn đề này, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, PCT xã sẽ qua Hội đồng Nhân dân bầu, sau đó mới được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện phê chuẩn. Tuy nhiên, qua việc triển khai ở 11 tỉnh trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy kết quả bầu khá tốt.

Ví dụ như huyện Minh Hoá (Quảng Bình) trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong hiệp thương bầu cử do đồng bào dân tộc thiểu số chiếm lực lượng khá đông, nhưng vừa qua 11 TTT được đưa về 11 xã đều được tín nhiệm bầu 100%, ngày 20.4 đã ra quân. Đến thời điểm hiện tại chưa có TTT nào không được tín nhiệm bầu cử cả.

“Trong tổng số 225 TTT đã hoàn thành khoá đào tạo chỉ có 44 TTT của Sơn La là chưa về công tác thực sự tại địa phương, số còn lại đã về làm PCT các xã”.

Được biết trong số TTT được đưa về các xã có nhiều em chỉ có bằng tại chức, trong khi chất lượng đào tạo tại chức đang còn nhiều tranh cãi, vậy việc đưa những em này về làm cán bộ liệu có đáp ứng được chất lượng PCT xã không, thưa ông?

- Trong việc tuyển chọn thì chúng tôi có những ưu tiên cụ thể, trong đó điểm học tập và điểm phỏng vấn là ngang nhau. Điểm học tập đánh giá 100 điểm, điểm phỏng vấn 100, điểm ưu tiên nếu có cao nhất là 30 điểm. Thứ tự ưu tiên thế nào do hội đồng tuyển chọn các tỉnh quyết định. Chúng tôi cũng căn cứ theo quy định của Bộ GDĐT là không phân biệt bằng cấp và loại hình đào tạo. Anh có thể học tại chức, chính quy, từ xa… nhưng quan trọng khi phỏng vấn anh thuyết phục được hội đồng. Quan trọng nhất là TTT phải cho hội đồng tuyển chọn thấy được tố chất lãnh đạo của mình.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem