Ngoài tai tiếng là hoàng đế hoang dâm trụy lạc, "Vua Lợn" Lê Tương Dực có những việc làm tiến bộ, tích cực gì?
Xuất xứ của biệt danh “vua Lợn”
Lê Tương Dực tên thật là Lê Oanh, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông; thân sinh vua là Kiến vương Lê Tân, thân mẫu là Trịnh Thị Tuyên.
Thời Lê Hiến Tông ở ngôi, Lê Oanh được phong tước Giản Tu công; sau khi Lê Hiến Tông mất, Lê Túc Tông kế nghiệp thì Lê Oanh vẫn giữ tước như cũ. Ở ngôi được 6 tháng thì Lê Túc Tông lâm bệnh qua đời, anh trai vua là Lê Tuấn được đón vào cung lên ngôi đại thống (tức Lê Uy Mục), từ đó triều chính dần suy vi bởi Lê Uy Mục là người hiếu sát, nghi kỵ người trong tôn thất mà bức hại, người bị giết kẻ bị cầm tù. Bấy giờ bản thân Lê Oanh cũng bị bắt giam, sau ông tìm cách đút lót cho lính cai ngục rồi tìm đường chạy trốn vào Tây Đô (Thanh Hóa ngày nay).
Tại Tây Đô, Lê Oanh được một số quan tướng đứng đầu là Nguyễn Văn Lang đã đón về lập làm minh chủ, chuẩn bị dấy nghĩa lật đổ Lê Uy Mục. Quân xướng nghĩa đã dựng cờ theo hiệu của Cẩm Giang Vương (anh của Lê Oanh) rồi ra hịch dụ các đại thần văn võ, lại ban bài hịch khác kể tội của Lê Uy Mục đã làm, đó là “đánh thuốc độc bà nội, sát hại các thân vương. Lấy lòng riêng mà giết nhân dân, không biết cùng cực; lấy thân thiết mà đòi tiền của, mặc sức tham lam. Bốn biển khốn cùng, muôn dân sầu oán” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu:
Túc Tông số lẻ vận suy,
Để cho Uy Mục thứ chi nối đời.
Đêm ngày tửu sắc vui chơi,
Tin bè ngoại thích hại người từ thân.
Văn Lang xướng suất phủ quân,
Thần Phù nối ánh phong trần một phương.
Giản Tu cùng phái ngân hoàng,
Vào Thanh hợp với Văn Lang kết thề
Đem binh vây bức đô kỳ,
Qủy vương khuất mặt, quyền về Trư vương.
Đầu tháng 11 năm Kỷ Tị (1509), đại quân của Lê Oánh kéo ra Bắc, chiếm được kinh đô, vua Lê Uy Mục bị bắt giam vào ngục. Trong ngục Lê Uy Mục uống thuốc độc tự tử. Ngày 4 tháng 12 cùng năm, Lê Oanh lên ngôi hoàng đế (sử gọi là Lê Tương Dực).
Hoàng đế vui vầy bên nữ sắc. (Hình minh họa – Nguồn: vietbao).
Lê Tương Dực làm vua đến tháng 4 năm Bính Tý (1516), cầm quyền được hơn 6 năm, ông bị coi là người háo sắc, dâm dục nên có biệt danh là “vua Lợn”. Thực ra biệt danh này dựa vào lời nhận xét của sứ thần nhà Minh, vào tháng giêng năm Qúy Dậu (1513) chánh sứ là Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Phan Hy Tăng sang sách phong vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Sử chép: “Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn ..." (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sách sử còn viết rằng vua đã gọi cung nhân của Lê Uy Mục và cung nhân của triều trước vào hậu cung để thông dâm, lại cho xây dựng quá nhiều công trình xa hoa rất tốn kém… Một số đại thần can ngăn vua nhưng không được chấp thuận có người như Trịnh Duy Sản bị đánh đòn, vì thế họ đã bàn mưu lật đổ Lê Tương Dực. Đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Tý (1516) quân của Trịnh Duy Sản bất ngờ đánh vào hoàng cung, Lê Tương Dực chạy đến trước cửa Quốc Tử Giám thì bị giết chết, không được đặt miếu hiệu mà bị giáng xuống làm Linh Ẩn vương.
Nhận xét về vua, sách Đại Việt sử ký toàn thư có lời bàn rằng: “Linh Ẩn giam dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít, mượn tên của anh để cướp nước, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khoá nặng nề, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là "vua Lợn”, điềm nguy vong đã hiện ra vậy”.
Những việc làm tiến bộ của một vị vua tài năng
Lê Tương Dực thực ra là một người thông minh, có tài nhưng tiếc rằng ông sớm thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được để rồi sớm sa vào hưởng lạc, thích xây dựng nhiều công trình to lớn làm tổn hao ngân khố, kiệt quệ sức dân dẫn đến cơ nghiệp sụp đổ. Lời nhận xét trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ngắn gọn nhưng rất khách quan về ông như sau: “Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy!”.
Những việc làm ích lợi, đáng khen ngợi của Lê Tương Dực, nhất là giai đoạn đầu làm vua có thể kể đến như đề cao sự hiếu nghĩa, chủ động trong đối ngoại với phương Bắc và với các quốc gia ở phương Nam và phía Tây là Champa và Ai Lao. Vua rất cứng rắn trong việc giữ gìn nội trị, sai quân đánh dẹp, thậm chí có lần còn trực tiếp chỉ huy việc bình định phản loạn, khôi phục lại ổn định địa phương.
Về kinh tế, ông cho thống kê lại các hạng ruộng đất, bãi dâu, đầm ao; phân định các loại thuế và để khuyến khích việc nông tang, có lần Lê Tương Dực còn tự mình cày ruộng tịch điền vào mùa xuân tháng 2 năm Giáp Tuất (1514).
Về xây dựng kiến trúc, sử sách chê rằng Lê Tương Dực làm quá nhiều việc thảo mộc, nhưng những công trình ấy đều là những công trình quy mô đẹp đẽ thể hiện tài năng của người thợ nước Việt. Năm Tân Mùi (1511) vua cho dựng điện Thiên Quang, đến năm Nhâm Thân (1512) lại xây dựng công trình gọi là điện lớn với cả trăm nóc theo thiết kế của Vũ Như Tô, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết như sau: “Trước đây, Vũ Như Tô một người thợ ở Cẩm Giàng, xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm cửu trùng đài. Mặt trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch, vòng quanh khuất khúc, mở thông cửa cống có thể chở thuyền nhẹ ra vào”. Tháng 5 năm Giáp Tuất (1514) vua sai đắp thành bên sông Tô Lịch, làm điện Tường Quang
Trong việc trị quốc, điều hành chính sự, vua Lê Tương Dực theo lời tâu của Tả thị lang bộ Lại là Lương Đắc Bằng cho thi hành 14 điều trị bình. Lại cho chỉnh đốn lại hệ thống quan chức. Đến ngày 27 tháng 4 năm Tân Mùi (1511), Lê Tương Dực ban Trị bình bảo phạm, gồm 50 điều khuyên răn, nhắc nhở từ quan lại đến dân chúng phải biết giữ lòng trung lương, làm những điều có ích cho xã hội, giữ lẽ công bằng, làm tốt trách nhiệm. Ông cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, thi cử; trong thời gian làm vua đã mở được 2 khoa thi Hội lấy đỗ 90 tiến sĩ, lại cho sửa chữa, trùng tu Quốc Tử Giám; cho dựng bia Tiến sĩ;…
Vinh quy bái tổ. (Tranh khắc gỗ dân gian – Nguồn: dantri.com.vn).
Về văn hóa lịch sử, Lê Tương Dực sai bề tôi biên soạn sách sử là bộ Đại Việt thông giám thông khảo gồm 26 quyển hoàn thành tháng 4 năm Tân Mùi (1511). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Trước đây, Vũ Quỳnh, Binh bộ thượng thư, Quốc Tử giám tư nghiệp kiêm sự quan đô tổng tài, phụng chiếu biên tập sách Đại Việt thông giám, chép từ Hồng Bàng thị đến mười hai sứ quân làm Ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm thứ nhất Lê Thái Tổ bình định được cả nước làm Bản kỷ, trình bày rõ ràng theo sự biên niên các triều đại, gồm 26 quyển. Đến nay, biên tập xong, dâng nộp. Sau nhà vua hạ lệnh cho Lê Tung làm bài "Tổng luận"…
Với thời gian hơn 6 năm cầm quyền, có thể nói Lê Tương Dực đã cống hiến cho đất nước một số điều đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa lớn, đúng như trong một bài ký, quan đại thần Đỗ Nhạc có viết như sau: “Vua lấy thông minh làm vua, duệ trí nêu nước, mở rộng quy mô của Thái Tổ dựng cơ đồ, rộng thêm trị hiệu của Thánh Tông sùng văn giáo, mới đặt giảng diên, để tâm điển tịch. Để tỏ ra văn chương ngang trời dọc đất của nhà vua thì làm tập Bảo thiên thanh hạ, để mở rộng gương sáng châm trước xưa nay về trị đạo, thì soạn tập Quang Thiên thanh hạ. Thánh bậc ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần túc. Hơn nữa đến nhà Thái học, hỏi trị đạo, ra nơi điện đình thi học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!”.
Như vậy nếu nói Lê Tương Dực là hôn quân thì chưa đúng, mà bảo ông là anh quân lại càng sai. Ở vua có đủ hai mặt tốt, xấu cũng giống như người đời có câu: “Nhân vô thập toàn”, bên cạnh những thành tựu đã làm được, ông đã mắc một số sai lầm dẫn đến kết cục vị hoàng đế này chịu một cái chết bi thảm vào tháng 4 năm Bính Tý (1516) khi mới 24 tuổi.
PV (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.