Vua Minh Mạng với việc sưu tầm sách

Lê Thái Dũng Thứ hai, ngày 12/01/2015 19:00 PM (GMT+7)
Tháng 6 năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng ban chiếu tìm sách còn sót, tức là những sách vở trước tác từ xưa, trải qua biến thiên của lịch sử còn sót lại, lưu giữ trong dân gian.
Bình luận 0
Theo sử sách đã chép lại việc vua ban chiếu tìm sách, có đoạn: “Trẫm để ý điển xưa noi theo chí trước, nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quan thuật lại… Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước thì không kể tường hay lược đem nguyên bản tiến nộp, hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”.
img
Vua Minh Mạng.

Tháng 9 năm Tân Tị (1821), trong chuyến Bắc tuần, nhà vua lại ra chiếu chỉ tìm sách lạ với lời dụ rằng: “Trẫm những lúc rảnh tay muôn việc, muốn xem điển tích để xét chế độ duyên cách, phong thổ dị nghi; trước đã sưu tầm mà sách sót còn nhiều. Nay lại sức truyền, ai có sách lạ chứa trong nhà, không câu nệ văn tự thô kệch, ngôn ngữ ẩn húy, cho tâu lên ngự lãm, sẽ ban khen thưởng”.

Sách Đại Nam thực lục cũng cho biết một phần nội dung bài chiếu đó như sau: “Nghĩ rằng Bắc thành là nơi văn hiến, tất có thể tìm tòi được. Vậy tất cả văn tự còn sót lại của đời trước hoặc những sách vặt của các tư gia, cho cả những sách kín của nước ngoài, phàm là ghi chép sự thực, có thể giúp ích cho đời, thì không câu nệ văn chương quê mùa, lời lẽ kiêng dấu, đều do sở tại chuyển dâng. Trẫm sẽ thu xem và hậu thưởng”.

Bấy giờ có danh sĩ là Phạm Qúy Thích, Phạm Đình Hổ đến bái yết, vua hỏi về sách lạ, họ có dâng lên một số sách là Lê gia văn phái, Hiến chương loại chí, Nhật dụng thường đàm. Trong sách “Châu Phong tạp thảo” của mình, Phạm Đình Hổ cho biết: “Nay có lệnh chỉ cho tìm kiếm, thần xin kính cẩn vâng mệnh, lục lọi sách cũ cất giữ trong nhà, có được quyển nào sẽ dâng tiến… Ngày mồng 6 tháng 11, đệ trình đạo biểu tiến dâng các sách Lê triều hội điển 2 quyển, Bang giao điển lệ 1 quyển…, giao cho quan Tổng trấn chia ủy cho các viên thư lại sao chép để tiến lãm”.

Sách Đại Nam hội điển sự lệ cho biết việc vua Minh Mạng xuống chỉ cho sưu tầm sách vở ở các nơi rằng: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), xuống chỉ: Văn Miếu ở Bắc thành, nguyên trữ các bản in Ngũ kinh Tứ thư đại toàn và Võ kinh trực giải. Chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát, thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc Tử Giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”. Trong sách Minh Mạng chính yếu cũng cho biết: “Vua sai quan ở Bắc thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn, Vũ kinh trực giải, Chính sử trước sau, Tứ trường văn thể…”.

Tháng 5 năm Canh Dần (1830) vì ham sách nên vua cho dựng một lầu sách ở Nội các, sách Quốc sử di biên viết: “Vua thích xem sách Trung Quốc, thu nhặt được vài nghìn quyển, sai quan Nội các soạn đề thư mục để vào thư lầu, mỗi ngày dâng vài quyển để vua xem. Mỗi khi vua đi chơi ngoại thành, sai lính đem sách đi theo để hầu vua hỏi đến”.
img
Hoàng đế đọc sách (Tranh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn Internet)
Ngày 19 tháng 5 năm Đinh Dậu (1837), vua ban chiếu cầu tìm các sách lạ kỳ thú và dụ rằng: “Nước ta từ đời Hồng Bàng về sau, hiếu tử, thuận tôn, nghĩa phu, tiết phụ thường chẳng thiếu gì. Nhà thế gia có các loài long, quy, điểu, thú tốt đẹp, kỳ dị dưới đến các việc tầm thường cũng lại không ít, đều có lý thú để làm chuyện vui, không nề lời nói nôm na quê kệch, đều cho biên chép thành tập, lục tục tiến tâu, như sách Thái Bình quảng ký của Lý Phỏng nhà Tống.

Sử sách cũng ghi lại việc dân chúng và triều thần dâng sách lên cho vua, như quan Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng sách Gia Định thông chí (3 quyển) và sách Minh Bột di ngư văn thảo, Chiêm hậu Hoàng Công Tài dâng sách Bản triều ngọc phả và sách Kỷ sự, Cung Văn Hy người phủ Quảng Đức dâng sách Khai quốc công nghiệp diễn chí (7 quyển), Nguyễn Đình Chính người Thanh Hóa dâng sách Minh tương khải cáo lục (34 điều), Võ Nguyên Biều người Quảng Ngãi dâng sách Cố sự biên lục (1 quyển), Ngự sử đạo Hà Ninh dâng hai quyển Lê sử tục biên (2 quyển), vua đều khen và cho thưởng vàng lụa theo các bậc khác nhau.

Trong một số trường hợp, sách thu thập dâng lên không đạt yêu cầu về nội dung nhưng vẫn được Minh Mạng thu nạp để lưu, như Tham Hiệp tỉnh Cao Bằng là Hoàng Đa Trợ dâng một bộ bản sao sách kiến tượng, vua xem thấy trong đó các phép suy lường, tính nghiệm độ số chưa được tinh vi nhưng vì nhiệt tình hưởng ứng phong trào sưu tầm sách nên vua vẫn chuẩn cho thu sách vào và khen thưởng để khuyến khích. Hoặc trường hợp, người nhà Thanh là Trần Úng dâng lên hai bộ sách Hoàng Thanh kinh giải và Thông giám tập yếu. Hai bộ sách đó trong kho đã có lại là sách góp nhặt thành bộ không mới lạ gì nhưng nghĩ đến tấm lòng thành kính của người dâng sách nên vua chuẩn cho thu một bộ Hoàng Thanh kinh giải giao cho Quốc Tử Giám để dùng và thưởng cho Trần Úng 20 lạng bạc.

Có thể nói, hầu hết sách thời này đều được nhà nước quản lý chặt chẽ, và theo các nhà nghiên cứu, những sách vở, ván khắc mộc bản mà chúng ta còn giữ được đến ngày nay cũng là nhờ chủ trương sưu tầm sách cũ của vua Minh Mạng.

Tài liệu tham khảo:

- Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) - NXB Giáo dục, 2007
- Đại Nam hội điển sự lệ (Quốc sử quán triều Nguyễn) - NXB Khoa học Xã hội, 1997
- Minh Mạng chính yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn) – NXB Thuận Hóa, 2010
- Quốc sử di biên (Phan Thúc Trực) – NXB Văn hóa thông tin, 2009
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem