Doanh thu tài chính tăng đột biến, Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lãi cao nhất 7 quý
CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Mã: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý III với 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao nên biên lợi nhuận gộp giảm từ 9% xuống 7%.
Doanh thu tài chính gấp gần 32 lần cùng kỳ, đạt 319 tỷ đồng do Minh Phú nhận được khoản cổ tức từ công ty con. Mức cổ tức lớn nhất công ty nhận được đến từ CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang với 270 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng Thủy sản Minh Phú với 27 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí tài chính của Minh Phú tăng 48% lên 147 tỷ đồng, chủ yếu là trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty con. Các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ.
Trừ hết đi chi phí, Minh Phú báo lãi sau thuế hơn 198 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 13,2 tỷ đồng trong quý III/2024. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây của Minh Phú.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty mẹ Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.207 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 135 tỷ đồng, cao gấp 19 lần cùng kỳ.
Trong phiên họp thường niên năm 2024, Minh Phú đặt mục tiêu năm nay sản lượng sản xuất đạt 70.000 tấn, qua đó mang về 18.569 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.266 tỷ đồng. Đây là lần thứ ba trong vòng 5 năm qua công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế vượt mốc nghìn tỷ.
Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản công ty mẹ của Minh Phú xấp xỉ 8.159 tỷ đồng, tăng 588 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có khoảng 2.638 tỷ đồng nợ phải trả và phần lớn trong số này là mục ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với đầu kỳ, đạt 5.521 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1.242 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MPC hiện ở mức 16.300 đồng. Mã này đã mất 14% so với vùng giá cao nhất năm ghi nhận vào tháng 6/2024 (18.900 đồng). Với khoảng 400 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên sàn UPCoM, vốn hoá thị trường của công ty hơn 6.535 tỷ đồng.
Mục tiêu lãi nghìn tỷ năm 2024 của Minh Phú vẫn gặp không ít thách thức
Theo ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú, mục tiêu lãi nghìn tỷ năm 2024 của Minh Phú vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức từ biến động kinh tế. Cụ thể, Minh Phú nhận thấy vấn đề lạm phát cao có thể tiếp tục gây giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản và tăng giá nguyên liệu nuôi trồng và chế biến. Minh Phú lựa chọn chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và giữ chất lượng nguyên liệu đầu vào để đối mặt với thách thức này.
Vấn đề thứ hai được ban lãnh đạo Minh Phú đề cập là khủng hoảng giá năng lượng và cước phí vận chuyển. Theo đó, Minh Phú cho biết sẽ theo dõi thị trường và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh linh hoạt, đẩy mạnh mở rộng sang các quốc gia châu Á nhằm giảm chi phí vận chuyển và tìm kiếm thị trường ngách cũng như tăng khả năng phục vụ thị trường nội địa. Cụ thể, Minh Phú cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường trong nước với mục tiêu đưa tổng tỷ trọng doanh thu nội địa từ mức 1% hiện tại lên 5-10%.
Minh Phú chỉ rõ rằng giá thành sản xuất cao khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tôm toàn cầu giảm do suy thoái kinh tế.
Cho đến nay, ngành tôm Việt Nam và ngành nông nghiệp nói chung đang gặp phải không ít thách thức, như chi phí nhân công cao, chi phí xử lý nước thải đắt đỏ, chất lượng tôm giống chưa đạt chuẩn và phương pháp nuôi trồng không bền vững.
Nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, như BAP và ASC, dẫn đến giá bán tôm không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công trong nuôi tôm của Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%).
Các phương pháp nuôi trồng cũng chưa hiệu quả khi mật độ nuôi cao khiến tôm dễ bị stress và nhiễm bệnh.
Trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ có thể bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến vì các Chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến.
Minh Phú đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục triệt để, có khả năng gây thiếu nguyên liệu cho chế biến trong nửa cuối năm 2024. Các doanh nghiệp chế biến tôm như Minh Phú muốn đạt lợi nhuận kinh doanh phải linh hoạt thị trường trong những tháng cuối năm 2024.
Tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao. Cước tàu biển cũng tăng do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ.
Tại Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường này do bị Mỹ áp thuế cao. Vì vậy, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con...
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay sẽ tăng trưởng mạnh, giúp bù đắp sự suy giảm trong nửa đầu năm vừa qua.
Ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết, công ty đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà cung ứng thủy sản hàng đầu thế giới trong thời gian tới với hai nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, sẽ không cạnh tranh với sản phẩm tôm từ Ấn Độ và Ecuador thông qua khía cạnh giá cả, mà sẽ tập trung vào việc gia tăng chất lượng vào sản phẩm tôm và tạo sự khác biệt trên thị trường.
Thứ hai, sẽ tập trung hoàn thành và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo Công nghệ sinh học MPBio nhằm đưa giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam thấp hơn.
Đánh giá về triển vọng ngành tôm, ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện tại sản phẩm tôm Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong đó, tôm Việt Nam đang phải chịu sức ép từ cả hai phía cung - cầu. Cụ thể, khi nguồn cung tăng, nhu cầu giảm, dẫn đến làm giảm giá trị xuất khẩu. Đồng thời, chi phí nguyên liệu đầu vào cao cũng khiến tôm Việt Nam bị cạnh tranh về giá và trở nên kém thu hút trên thị trường quốc tế.
Để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh, Minh Phú dự kiến đẩy mạnh nuôi và sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học MPBiO. Công ty dự kiến đến năm 2035 sẽ sản xuất được 15 tỷ tôm giống và cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.