Vựa trái cây hướng ngoại

Thứ ba, ngày 06/04/2010 11:30 AM (GMT+7)
NTNN - Nhờ “thiên thời, địa lợi”, cây trái Tiền Giang luôn xanh tươi, trĩu quả, và được người tiêu dùng ưa thích. Giờ đây, các mô hình trồng cây ăn trái của Tiền Giang đều phát triển theo hướng xuất ngoại...
Bình luận 0

img
Mô hình bưởi da xanh xuất khẩu rất có triển vọng.

Thu nhập 300 triệu đồng/năm

 

Hiện nay, tất cả trên 10  huyện, thị trong tỉnh Tiền Giang đều trồng được cây ăn quả và mỗi vùng đất có một loại cây đặc trưng riêng như: Thanh long (huyện Chợ Gạo), dứa (huyện Tân Phước), sầu riêng, chôm chôm (huyện Cai Lậy), sơ ri (thị xã  Gò Công), bưởi long, xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè)… 

Tại huyện Chợ Gạo, cây thanh long đang lên ngôi, từ vài trăm ha ở xã Quơn Long, đến nay toàn huyện  đã nhân rộng được gần 3.000ha thanh long. Nhiều nhà vườn còn áp dụng kỹ thuật “xông đèn điện” về đêm xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, nếu ở thời điểm nghịch vụ như hiện nay, với giá từ 10-12 nghìn đồng/kg trái, tính ra mỗi ha trừ chi phí, nhà vườn có lãi  từ 100-150 triệu đồng/năm.

Chị Châu Kim Thúy, nông dân  xã Quơn Long (Chợ Gạo) chia sẻ: “Thanh long ở vùng này cho hiệu quả kinh tế cao nhất nên đa số nông dân đều “lên ruộng”  để trồng cây thanh long. Với cách làm này, sau 3 tháng người dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha”.

Cùng với thanh long, sầu  riêng và xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Toàn tỉnh có hơn 5.000ha sầu riêng, 1.000ha xoài cát Hòa Lộc, trồng tập trung ở các địa phương ven sông của huyện Cai Lậy, Cái Bè.

Theo các nhà vườn, gần đây do thị trường xuất khẩu hút hàng nên đầu ra của xoài cát Hòa Lộc và sầu riêng rất thuận lợi. Một ha đất trồng 2 loại cây này cho thu nhập trên từ 200-300 triệu đồng/năm.

Nâng diện tích trồng

Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư 3 dự án liên quan đến lĩnh vực cây ăn trái là đầu tư nhà máy sơ chế cây ăn quả, trái thanh long, dự án nâng cao năng lực, khoa học kỹ thuật trong sản xuất trái cây…; đồng thời sẽ tổ chức lại mối liên kết 4 nhà, phát triển các HTX trái cây… để đủ sức làm đối tác với các nhà doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế…

Để mô hình trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng đến việc quy hoạch vùng trồng, trợ vốn vay, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các nhà vườn.

Đến nay, tỉnh đã  xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 7 loại trái cây chủ lực, vận động nhà vườn sản xuất 5 loại trái cây theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap; trong đó mô hình sản xuất hơn 55ha trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn Global Gap đem lại tín hiệu rất lạc quan.

Gần đây, các nhà vườn  Tiền Giang còn tích cực nghiên cứu, sưu tầm các giống cây ăn quả mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để trồng như: mận An Phước, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm nhãn, ca cao …; trong đó mô hình bưởi da xanh xuất khẩu rất có triển vọng.

Ông Võ Văn Nhì, nông dân xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, bày tỏ: “Hiện nay trái bưởi da xanh là số 1, bởi thị trường xuất khẩu giống bưởi này rất hút hàng. Hơn năm qua gia đình tôi bán với giá rất cao và mức lãi trên 100 triệu đồng/ha  đạt  rất dễ dàng…”.

Trong 5 năm tới, Tiền Giang dự kiến phấn đấu nâng diện tích trồng cây ăn trái lên 76 nghìn ha với sản lượng hàng năm  đạt trên 1 triệu tấn/năm. Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung;  tiếp tục xây dựng thương hiệu nhãn hiệu hàng hóa, duy trì và nâng chất hoạt động hiệu quả của 4 chợ, trung tâm thương mại trái cây, 14 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trái cây; tăng cường tuyên truyền, quãng bá sản phẩm trái cây Tiền Giang.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem