Không để mất lâm trường
Khi mới gặp anh Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), chúng tôi không nghĩ anh lại là con người chuyên làm về lâm nghiệp, bởi trông vóc dáng của anh rất giống với một doanh nhân bất động sản, chứng khoán hơn một giám đốc công ty lâm nghiệp. Năm nay, anh Thái đã gần bước sang tuổi ngũ tuần, nhưng qua câu chuyện với anh, chúng tôi vẫn nhận thấy một bầu nhiệt huyết.
|
Anh Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình thăm vườn ươm cây keo, mỡ. |
Khi biết tôi có ý định viết về mình, anh Thái khiêm tốn bảo: “Đây là công lao chung của tất cả mọi người, tôi chỉ là người hướng công nhân làm thôi!”. Tuy nhiên, qua câu chuyện của anh, chúng tôi được biết, đã có thời lâm trường của anh tưởng như phải xóa sổ.
Tiền thân của Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình (trước năm 2005) là Lâm trường Yên Sơn, được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lâm trường quản lý khoảng 3.000ha đất rừng, với khoảng 80 công nhân, thuộc địa phận 6 xã là Tân Hồng, Tân Tiến, Trung Trực, Kiến Thiết, Xuân Hông (huyện Yên Sơn) và Tràng Đà (TP. Tuyên Quang).
Cũng như nhiều lâm trường khác trên cả nước, Lâm trường Yên Sơn cũng nằm trong tình trạng làm ăn không hiệu quả, khâu quản lý kém dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá, thất thoát tài nguyên, gây ảnh hưởng đến môi trường…
Một trong những nguyên nhân do buông lỏng quản lý, giao rừng cho những hộ không có khả năng để phát triển, bảo vệ rừng. “Trước kia chúng tôi có tới 15 người bảo vệ rừng, nhưng đôi khi giao “quyền” cho bảo vệ lại là “con dao hai lưỡi”, nên chúng tôi rút chỉ để lại 5 bảo vệ ở các điểm hay xảy ra chặt phá rừng” – anh Thái cho hay.
Chức năng của lâm trường, ngoài việc trồng và phát triển kinh tế rừng, còn phải làm nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ một số diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, do tư tưởng trông chờ, ỉ lại, nên cách đây hơn chục năm, người dân chủ yếu “khai thác” rừng là chính, rất ít người chịu trồng rừng.
Anh Thái tâm sự: “Trước đây, chúng ta quản lý theo “kinh tế tập thể”, người làm ít cũng hưởng như người làm nhiều, vả lại trình độ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng còn kém, vì thế hầu hết diện tích rừng chỉ đạt trữ lượng gỗ có15m3/ha”.
Từ việc kinh tế rừng trồng kém hiệu quả, đã khiến cho đời sống của công nhân trong lâm trường gặp nhiều khó khăn, đã có người phải bỏ nghề hoặc lấn sang khai thác rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để kiếm kế sinh nhai. “Nếu duy trì cách quản lý này, chỉ vài năm nữa lâm trường có thể biến thành những cánh rừng trọc!” – anh Thái cho biết.
Đổi mới để phát triển
Trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Hồng Thái kể: Ngày trước, tôi học Đại học Lâm nghiệp chuyên ngành kỹ thuật cây trồng. Ngay từ khi còn làm công nhân, anh cũng đã có nhiều ý tưởng “đổi mới” lâm trường và đến năm 2007, anh được đề cử làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Công ty năm 2009.
Cũng kể từ đây, nhiều ý tưởng, kế hoạch được anh ấp ủ từ lúc còn là công nhân đã được anh đưa ra thực hiện. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu công ty, đêm nào Thái cũng trăn trở, nhiều đêm không ngủ để giải bài toán làm thế nào cho công ty có lãi, người dân có thu nhập…
Và một ý tưởng mang tính cách mạng đã được anh đưa ra, đó là, vận động người dân góp vốn chuyển sang trồng rừng liên doanh. Giám đốc Thái cho biết: “Chỉ khi gắn với quyền lợi trực tiếp, người dân mới thực sự có trách nhiệm với rừng. Từ cách làm đó, trong những năm gần đây, chất lượng rừng của công ty đã đạt 80 – 120m3 gỗ/ha”.
Từ năm 2010, Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình đã trồng mới 200ha rừng, khai thác và tiêu thụ trên 7.000m3 gỗ nguyên liệu, đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động là 3 - 4,3 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, năm 2012, công ty sẽ trồng mới 250ha rừng sản xuất gồm keo và mỡ, trong đó trồng trên các xã thuộc huyện Yên Sơn là 234ha.
Cách làm này đã đáp ứng nguyện vọng, do đó số lượng người dân tham gia trồng rừng liên doanh ngày càng nhiều. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi rừng tới năm 2008, công ty đã áp dụng hình thức trồng rừng liên doanh lâu dài với các hộ dân.
Anh Nguyễn Văn Núi, ở bản Khuổi Lếch, xã Trung Trực một trong những hộ nhận liên doanh với công ty trồng 40ha keo cho biết: “Trước kia, chúng tôi làm cho lâm trường chỉ được hưởng lương, nay liên doanh nhận khoán với công ty chúng tôi còn được chia phần trăm khi rừng khai thác”. Theo tính toán của anh Núi, trung bình keo cứ 6 – 7 năm là cho thu hoạch, đạt 70 – 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 60 triệu đồng/ha.
Khi hỏi về những dự định trong tương lai, Giám đốc Thái cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên doanh trồng rừng sản xuất với người dân, đồng thời sẽ ký hợp đồng với các nhà máy giấy trên địa bàn để ổn định đầu ra cho sản phẩm”.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.