Hoàng Ba Đình
Thứ năm, ngày 14/10/2021 10:11 AM (GMT+7)
"Cắt tóc" hay "hớt tóc"? Dùng chữ nào mới trúng? Khó quyết đoán thật. Nhưng với người Sài Gòn, với cái nghề "cầm đầu thiên hạ" này, phải chữ "hớt tóc" nghe có vẻ quen tai hơn.
Trong những ngày bình thường mới, việc hớt tóc là một trong những việc đầu tiên mà nhiều người làm khi được ra khỏi nhà. Có thể không đi ăn, có thể không đi chơi, nhưng đến 80% nam giới phải đi hớt tóc. 20% còn lại đã sắm được cái tông đơ, "ủi" luôn cả cái đầu ở nhà rồi.
Nghề hớt tóc hiện nay đã được chia thành những phân khúc khác nhau, từ bình dân vỉa hè, đến hớt tiệm, salon máy lạnh... Thậm chí, có những tiệm sang chảnh giá ngất trời được những chân dài chính hiệu cầm kéo tỉa tóc, tất nhiên mỗi lần hớt giá không rẻ.
Nhưng dù hiện tại như thế nào, nghề này đều có chung một gốc, đó là "hớt tóc thùng". Ngày xưa hớt tóc ít khi cố định một chỗ, mà mỗi ông thợ đều có một cái thùng đồ nghề, đi đến đâu rao đến đó, người có nhu cầu bèn gọi vào nhà hớt cho. Vào đến nơi, bắc cái ghế ra giữa nhà ngồi cho thoáng, ông thợ tóc mới lấy cái tấm vải to đùng quấn quanh người, chừa mỗi đầu cổ để tác nghiệp.
Sau mới đến mỗi người có một giang sơn riêng, cố định một chỗ. Phải sắm được cái ghế có nệm, to như cái ngai vua, bắt buộc phải có một tấm kính để người được hớt tóc ngắm nghía xem thành quả sau khi hớt. Phía trên tấm gương, có một loạt hình ảnh của những giai nhân tài tử, người nổi tiếng với tóc tai bềnh bồng.
Điểm danh có đủ mặt cả Tây lẫn Tàu như Alain Delon, Marlon Brando, Lưu Đức Hòa, Châu Nhuận Phát, David Beckham..., có chỗ còn lấy hình của Thái tử Charles (Anh quốc). Tất nhiên phải trừ mấy ông đầu hói như Louis de Funès hay Zidane ra.
Tiếp theo, phải để vài tờ báo, tạp chí để khách chờ tới lượt có thể đọc. Mấy ông vừa chờ, vừa đọc báo, lại bàn luận chuyện tin tức, thời sự với ông thợ, làm ông khách đang hớt tóc cứ thấp thỏm, lo lắng nhỡ ông kia có mải nói rồi sởn cho một phát làm hỏng cả mái đầu hay không.
Vui nhất mỗi khi ngồi chờ đợi ở đây là gì? Đó là khi chờ một thằng nhóc tuổi nhi đồng đến hớt tóc. Chẳng hiểu sao nhé, cái bọn dưới 6 tuổi cứ mỗi khi đi hớt tóc là lại khóc, khóc trời sầu đất thảm. Có khi bố nó phải phụ ông hớt tóc trói nó vào ghế rồi ghì chặt đầu mới hớt được. Ai mà thấy chắc lại bảo bạo hành trẻ em. Đi bác sĩ tiêm thuốc chưa chắc chúng đã khóc, mà cứ đi hớt tóc là nước mắt lại rơi.
Với bọn này, ông thợ cũng chuẩn bị sẵn cho chúng một cái ghế gỗ, để chồng lên trên cái ghế sẵn có, mới vừa tầm thợ hớt. Mấy cu cậu sau khi khóc lóc, tóc tai xong xuôi, rất khoái đưa tay ra sau sờ sờ cái gáy vừa mới hớt.
Đến tuổi mới lớn, mỗi khi vào tiệm, đều phải bàn bạc rất kỹ với ông thợ hớt, để xem kiểu nào mới hợp, mới mốt... Ở cái tuổi ấy, có không làm bài, không học bài vẫn kênh kênh đến lớp, nhưng lỡ cái đầu mà không như ý chắc không dám đi học.
Đa số các anh choai choai đều có một yêu cầu chung: để cái "bát" dài. Đầu đinh bát dài, ta bu bát dài, undercut bát dài, tỉa tầng bát dài... Để ra đường gặp các em gái lại vờ vĩnh vuốt bát lên vén vào mang tai. Thế mới sành điệu, thế mới ngầu thì phải.
Mà chăm chút cho mái tóc hoàn toàn đúng, bởi "cái răng cái tóc là gốc con người". Nhiều khi cái mái tóc đi theo cả đời. Như nói đến ca sĩ Đan Trường, tưởng tượng ngay đến "tóc hai mái". Cả đống biệt danh được gọi theo tóc tai dù có khi người được gọi đã đổi kiểu tóc lâu lắm rồi: đầu đinh, trọc, ba vá, hai mái, muỗng dừa, móc lai, đầu chùa, tóc vàng, đầu đỏ, quắn, xoăn, thậm chí có cả "đầu ghẻ".
Đến hiện tại, người làm nghề này phải thông thạo rất nhiều kỹ năng cùng lúc: hớt tóc, lấy ráy tai, nhuộm, uốn, duỗi... Có khi còn phải kiêm thêm mát xa, xoa bóp, ấn huyệt, gội đầu, lột mụn. Có ông đầu tóc trọc lốc, nhưng cứ khoái ra tiệm hớt tóc, hỏi sao, thì ra ổng ghiền ra tiệm lấy ráy tai. Mà tay nghề lấy ráy tai của thợ hớt tóc Việt Nam có thể nói tuyệt đỉnh thiên hạ. Mấy ông Tây sang Việt Nam được thử món này cũng rất khoái, mặc dù ban đầu khá ngại vì thấy tự nhiên đưa một que kim loại nhọn hoắt chọc vào tai.
Hớt tóc có một tâm lý rất lạ. Hớt cho nam xong, hết 50 nghìn, nguyên quả đầu mới, nhìn đúng chất. Hớt cho nữ, thấy chẳng khác gì cả, hết 500 nghìn. Thế mà các chị còn bảo rẻ. Mà nam hớt cho nữ lại đẹp hơn nữ hớt cho nữ. Còn nữ hớt cho nam, như vài ông nói lại "thấy đã hơn". Không rõ "đã" ở chỗ nào.
Nguyên nhân đưa đẩy vào nghề rất nhiều. Anh Đức Lâm kể: "Hồi đó, tôi đi bộ đội, tuần nào cũng kiểm tra nội quy, tác phong, anh em cứ nhờ cắt miết... Xuất ngũ đi làm thợ luôn".
Còn anh Đức Hiền lại bảo: "Em cũng đi nghĩa vụ mà bên công an, em sang trại tù, chuyên làm cai ngục. Cứ có tù mới đến lại đưa em cái tông đơ cạo cho họ. Sau, em cũng về làm hớt tóc".
Điểm hẹn của những người hớt tóc mới vào nghề là những điểm hớt tóc miễn phí. Thực sự có rất nhiều: Gò Vấp, quận 5, Bình Thạnh, Tân Bình... Đa số khách hàng thuộc thành phần lao động hoặc sinh viên. Người được hớt "chùa", kẻ được luyện tay nghề, thợ thầy chỉ bảo nhau, các bên đều có lợi, lại giữ được cái nghĩa cái tình.
Mới hết đợt giãn cách vừa rồi, hầu như các điểm hớt tóc đều không tăng giá, như anh chủ tiệm hớt tóc Lượng (Gò Vấp) nói: "Ai cũng như ai, mình không hỗ trợ người ta thì thôi, chứ sao lại tăng giá!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.