Em ơi, Sài Gòn xóm!

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 11/10/2021 06:28 AM (GMT+7)
Sài Gòn có xóm. Không hào nhoáng mà lặng lẽ như bài "Xóm đêm" của Phạm Đình Chương. Nếu như làng đặc trưng cho cộng đồng nông thôn, thì xóm lại mang nét đặc trưng của cộng đồng cư dân đô thị.
Bình luận 0

Người Hà Nội tự hào với phố Hà Nội, với cả đống phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" như Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Bột, Hàng Chiếu... 

Trong văn học nghệ thuật, phố Hà Nội là một đề tài sáng tác không bao giờ cũ với nhiều tác phẩm đỉnh cao ở mọi thể loại như: tập tùy bút "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam, bài hát "Em ơi Hà Nội phố" của Phú Quang, hoặc tập hợp những bức tranh chuyên về phố Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái được gọi chung là "Phố Phái"...

Em ơi, Sài Gòn xóm! - Ảnh 1.

Từ một cái xóm, nay đã thành cái chợ: Chợ Xóm Chiếu. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Vậy Sài Gòn có gì? Sài Gòn có xóm. Không hào nhoáng mà lặng lẽ thôi như bài "Xóm đêm" của Phạm Đình Chương vậy. 2 chữ "xóm tôi" nghe rất đỗi thân thương quen thuộc, 2 chữ "xóm tao" lại nghe kiêu hãnh tự hào. Nếu như làng đặc trưng cho cộng đồng nông thôn, thì xóm lại mang nét đặc trưng của cộng đồng cư dân đô thị. 

Vậy tình cảm dành cho "xóm tôi", "xóm tao" đó có từ lúc nào? Hình thành từ lúc nhỏ xíu cơ. Đứa nào mà hồi nhỏ đi học hoặc ra đường chơi, bị tụi con nít ngoài đường rượt chạy có cờ, chạy thoát được về đến xóm, quay mặt lại sửng cồ với tụi kia rằng "chỗ này xóm tao", thì mới thấy hai chữ "xóm tao" thân thương tự hào thế nào.

Vừa hô một tiếng, là cả xóm kéo ra ngay, bọn "truy binh" chỉ có nước thấy khó rút về. Mặc dù thằng bị rượt ở trong xóm vẫn bị bắt nạt suốt, nhưng mỗi khi nó có chuyện, mấy anh lớn chưa hề bỏ rơi nó bao giờ. Bố mẹ thấy con cái bị bắt nạt cũng xót đấy nhưng khi nào quá quắt lắm mới ra mặt, bởi có khi chính bố chúng nó ngày xưa cũng chuyên đi bắt nạt mấy thằng trong xóm.

Em ơi, Sài Gòn xóm! - Ảnh 2.

Tên xóm nay chỉ còn tên đường - đường Xóm Chỉ. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Bọn trẻ trong xóm thường xuyên tổ chức những trò chơi trẻ nít với nhau: tạt lon, thảy đá, nhảy dây, đá banh, đá cầu... Đang chơi bỗng có gánh hàng rong hoặc xe cà rem đi ngang, cả đám ngưng chơi hẳn mà vây lấy tranh nhau mua.

Hãi hùng nhất mỗi khi lỡ đá trái banh làm đổ nguyên gánh tàu hũ, bánh lọt hoặc bể kính nhà trong xóm. Mà như bị ma ám ấy, bể kính ở đâu không bể, lúc nào cũng nhè cái nhà ông hàng xóm khó tính nhất, hậu quả là bố mẹ phải đứng ra bồi thường rồi về nhà ăn đòn.

Ức nhất mỗi khi bị phạt phải ở trong nhà nhìn bọn trong xóm vui chơi mà ngứa ngáy cả người. Còn vui nhất, phải kể đến những trận đại chiến "long trời lở đất" giữa con nít xóm này với xóm kia, trật tự chỉ được vãn hồi khi bố mẹ vác roi ra lôi cổ về nhà.

Đến khi lớn lên, dù đã rời xóm hàng mấy chục năm trời, nhưng trong tâm khảm, nhiều người vẫn xem cái xóm đó là "xóm tôi". Có ông cụ quê Đồng Tháp, ở xóm Vườn Chuối (quận 3) một thời gian, cuối đời về lại Đồng Tháp sinh sống, nhưng mỗi khi có dịp đi Sài Gòn cũng phải ghé ngang Vườn Chuối thăm hỏi bà con, ngó lại căn nhà cũ. 

Cô Lan Chi (quận 7) cho biết: "Dù cả nhà dời đi rất lâu, nhưng tôi vẫn xem cái xóm ở hẻm 12 Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) là xóm nhà, vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với các hộ trong xóm. Hôm đám cưới con trai tôi còn mời nguyên xóm đến dự".

Em ơi, Sài Gòn xóm! - Ảnh 3.

Xóm Mới, nơi quần cư của cộng đồng từ miền Bắc di cư đến rồi thành lập. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Xét về xóm, đâu cũng có. Nhưng để trở thành nét đặc trưng bản sắc của Sài Gòn, phải nói đấy là những xóm nghề. Ở các khu phố cổ Hà Nội, điểm sản xuất cũng đồng thời là điểm kinh doanh nên các khu vực hàng này hàng nọ nằm ngay luôn tại trung tâm. Còn Sài Gòn có khác biệt, những khu vực xóm nghề chỉ chuyên phần sản xuất, xong rồi mang đi bán ở chợ hoặc những cơ sở kinh doanh khác.

Đầu tiên và dễ nhất, đấy chính là những xóm sản xuất nông sản, vốn xuất phát từ những làng nông nghiệp thời xa xưa. Như Xóm Thuốc (Gò Vấp) chuyên trồng thuốc lá để làm món thuốc rê (còn được gọi "thuốc ông già le lưỡi), sau chuyên gia công cho những hãng thuốc lá của Pháp như Bastos, Mélia... Nay Xóm Thuốc không còn làm thuốc lá nữa. Bên quận 5 có Xóm Cải, nơi đây vốn đất gò, dân Hoa kiều làm chốn trồng cải. Hoặc gần cầu Công Lý có Xóm Lách chuyên trồng rau xà lách, cầu Kiệu có xóm kiệu chuyên trồng củ kiệu...

Có trồng rồi phải có nuôi chứ. Sài Gòn vốn đặc thù đô thị, nên nuôi cũng phải có chuồng hẳn hoi, chứ không thả rông được. Nên mới có những xóm như: Xóm Chuồng Bò (quận 10), Xóm Chuồng Dê (quận 8), hoặc Xóm Gà (Bình Thạnh)... Riêng khu vực Ngã năm Chuồng Chó (Gò Vấp) không phải xóm xiếc gì cả, mà vì nơi này từng có trại huấn luyện chó nghiệp vụ của chế độ cũ.

Có xóm trồng, xóm nuôi, cũng phải có xóm chuyên nghề thủ công. Mặc dù nghề thủ công ấy có khi đã lụi tàn nhưng tên gọi vẫn còn như Xóm Đàn (quận 4), Xóm Than (Thủ Thiêm) chuyên làm than để chạy nồi súp de thời Pháp; hoặc đã thành nơi chuyên kinh doanh như Xóm Chỉ (quận 5)...

Tên xóm có khi chỉ vì một đặc trưng nào đó của xóm thôi, ví dụ Xóm cây xoài, Xóm vườn mít, Xóm chùa, Xóm đình... Tên xóm kiểu đấy, Sài Gòn có rất nhiều. Hoặc có xóm do nhiều người đến định cư lập ra một cái xóm mới, rồi gọi đấy là "Xóm Mới" (Gò Vấp) luôn.

Xóm dữ dằn nhất, chắc phải kể đến Xóm Chiếu (quận 4), nay đã trở thành chợ Xóm Chiếu. Nghe tên biết liền ngày xưa nơi đây từng làm chiếu, bán chiếu... Nhưng cũng nằm ngay thủ phủ giang hồ, nên ai léng phéng làm chuyện bậy bạ cũng có nguy cơ... đắp chiếu.

Thông thường, những cái tên xóm nghe rất nôm na, rất dễ hiểu. Nhưng Sài Gòn lại từng có một cái tên xóm rất hoa mỹ, đấy là xóm Bình Khang, xóm này lại không có địa điểm rõ ràng. Bình Khang vốn là nơi cư ngụ của chị em chuyên hành nghề son phấn ở kinh thành Trường An (Trung Quốc) vào thời xưa. Sau, những nơi chuyên làm nhà chứa mới có cái tên xóm Bình Khang. 

Dù thực tế nhiều tên xóm cũng đã biến mất, chỉ còn trong thư tịch, nhưng không hề biến mất trong lòng người. Bởi mỗi người đều có riêng cho bản thân một cái "xóm tao" đầy kiêu hãnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem