Vùng biển nổi tiếng ở Kiên Giang, dân đang giàu lên nhờ đóng lồng to nuôi cá bớp, cá mú bự chảng
Vùng biển nổi tiếng ở Kiên Giang, dân đang giàu lên nhờ đóng lồng to nuôi cá bự
Thứ sáu, ngày 23/08/2024 12:52 PM (GMT+7)
Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi biển, trong đó vùng biển rộng hơn 63.200km2, trải dài hơn 200km, có 143 hòn đảo lớn nhỏ… Tuy nhiên, nghề nuôi biển vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, từ đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Ông Ninh Văn Sờn, ngụ xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hơn 15 năm; trước đó chủ yếu nuôi bằng lồng bè truyền thống với cá bớp và cá mú trân châu. Ngoài ra, ông cũng nuôi thêm cá hồng mỹ, cá chim vây vàng.
Ông Sờn cho biết thêm, từ cuối năm 2023 đến nay, giá các loại cá nuôi duy trì khá cao nên đa số người nuôi đều có lời khá.
Cụ thể, giá cá bớp hiện tại từ 200.000-220.000 đồng/kg, cá mú trân châu 250.000 đồng/kg. Riêng gia đình ông Sờn từ đầu năm 2024 đến nay đã bán được hơn 2.000 con cá, đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.
Chỉ chúng tôi những dãy lồng nuôi cá trên biển, chị Võ Thị Thắm, ngụ xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải bộc bạch: “Tôi đang thả nuôi 40 lồng với nhiều loại như cá mú trân châu, cá chim vây vàng, cá cam, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chẽm… Với số lượng bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá mỗi năm, lợi nhuận cũng hơn thu 1 tỉ đồng…”.
Ông Lê Văn Xẻo, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt tại xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) cho biết, hợp tác xã hiện có 10 thành viên nuôi gần 200 lồng với nhiều loại cá như cá mú, cá chim vây vàng, cá bớp, cá mú trân châu… Trong đó, cá bớp và cá mú là 2 loài nuôi chủ lực của hợp tác xã nói riêng, các hộ nuôi biển ở xã Lại Sơn nói chung.
Vùng biển Kiên Giang có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: PHÚ HỮU
Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với một số đơn vị hỗ trợ cho các thành viên trong hợp tác xã nuôi thử nghiệm bằng lồng bè nhựa HDPE với hơn 10 lồng. Bước đầu thấy hiệu quả kinh tế cao so với lồng gỗ truyền thống.
Qua đó, hiện nay đa số các thành viên của hợp tác xã đã đầu tư lồng bè nhựa để nuôi thay thế cho lồng bè làm bằng gỗ. Lồng bè bằng gỗ 3-4 năm phải thay mới rất tốn công và cả chi phí; trong khi lồng bè bằng nhựa HDPE độ bền khoảng 20 năm, chịu sóng tốt, giúp cá phát triển nhanh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lồng nhựa HDPE khá cao nên nhiều người vẫn đắn đo.
Ông Lê Văn Khánh, ngụ xã Gành Dầu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cho hay: “Trước đây ông chủ yếu đánh bắt hải sản trên biển, nhưng việc đánh bắt càng ngày càng khó khăn, nguồn nguyên liệu khan hiếm. Gia đình chuyển sang nghề nuôi cá lồng bè, kết hợp với làm nhà bè để phục vụ khách du lịch tới tham quan, ăn uống”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2024 tỉnh đề ra kế hoạch thả nuôi 4.000 lồng cá trên biển. Trong đó 6 tháng đầu năm nhiều ngư dân các khu vực ven biển, ven đảo… thả nuôi hơn 2.800 lồng, sản lượng thu hoạch hơn 2.000 tấn. Về cơ bản tình hình nuôi cá lồng bè của tỉnh tương đối thuận lợi, giá cá thương phẩm khá cao nên hầu hết người nuôi đều có lợi nhuận…
Phát triển nghề nuôi biển gắn với du lịch
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, nghề nuôi biển dù rất tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, ngư dân nuôi cá lồng bè chủ yếu theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, kết cấu thô sơ, không chịu được sóng gió lớn, chưa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ở địa phương chưa có cơ sở sản xuất con giống, nên phải nhập từ các tỉnh; đối với người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tươi, dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi.
Việc tiêu thụ cá thương phẩm chủ yếu qua thương lái nội địa, trong khi xuất khẩu cá biển tươi sống còn rất hạn chế... Ngoài ra, công tác giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển, cũng như các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản trên biển còn chậm so với yêu cầu…
Bí thư Thành ủy Phú Quốc Lê Quốc Anh cho rằng, để gỡ vướng và cấp phép cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên biển cần có sự thỏa thuận của các bộ ngành và địa phương trong vấn đề cấp phép khu vực biển.
Thời gian qua có doanh nghiệp muốn đầu tư khu vực nuôi thủy sản trên biển Phú Quốc với công suất là 10.000 tấn mỗi năm nhằm cung cấp hải sản, các loại cá… phục vụ nhu cầu du lịch của đảo.
Nguyên nhân do lâu nay có những loại cá, hải sản để phục vụ khách du lịch tại Phú Quốc phải nhập từ miền Trung về khiến chi phí cao. Vì vậy, khi nghề nuôi cá trên biển Phú Quốc phát triển sẽ vừa đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch, vừa phục vụ xuất khẩu…
Hiện, TP Phú Quốc đang tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Từng bước giảm dần số lượng tàu khai thác để chuyển sang nuôi biển.
Các lồng nuôi biển phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường; qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, vùng nuôi biển của Kiên Giang sẽ tập trung quanh các đảo thuộc huyện Kiên Hải, TP Phú Quốc, TP Hà Tiên.
Tỉnh Kiên Giang khuyến khích thay đổi lồng nuôi truyền thống bằng vật liệu tre, gỗ, kim loại… sang sử dụng vật liệu nuôi bằng nhựa HDPE có độ bền cao, chịu được sóng lớn, phù hợp nhiều đối tượng nuôi. Đồng thời, áp dụng thiết bị số quản lý lồng nuôi như hệ thống camera giám sát, định vị, quan trắc 4 chỉ tiêu độ mặn, PH, DO và nhiệt độ.
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ủng hộ Kiên Giang phát triển nuôi biển gắn với du lịch; đồng thời đề nghị tỉnh cần có cơ chế kêu gọi đầu tư về nguồn giống, thức ăn, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện chuỗi liên kết để phát triển bền vững nghề này.
UBND tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, trong đó chú trọng nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Kế hoạch năm 2025, số lượng lồng nuôi đạt 7.500 lồng, sản lượng 29.890 tấn. Đến năm 2030 số lồng nuôi đạt 14.000 lồng, sản lượng 105.690 tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.