Vùng lau sậy thành vựa lúa

Thứ hai, ngày 16/08/2010 13:35 PM (GMT+7)
(Dân VIệt) - Từ một vùng lau sậy rậm rạp, được sự giúp sức của Đồn Biên phòng, chưa đầy hai năm sau Làng Ho đã trở thành vựa lúa cứu đói của bản Tân Ly, xã Lâm Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Bình luận 0
img
Cán bộ biên phòng và cán bộ bản Tân Ly thường xuyên đi kiểm tra kênh dẫn nước.

Mặt trời chưa tỏ, những cọng cỏ vẫn đẫm hơi sương, từng tốp người Vân Kiều bản Tân Ly đã tay cuốc, tay dao đi thăm ruộng.

Lúa nước bén rễ

Bà Hồ Thị Óc bước xuống khu ruộng của mình sục bùn, vớt rêu, nhổ cỏ. Nhìn bà làm ruộng không ai nghĩ chỉ 2 năm trước đây, việc gieo mạ, cấy lúa... còn rất xa lạ với người phụ nữ Vân Kiều này.

Trước năm 2009, đồng bào Vân Kiều ở Tân Ly chỉ làm rẫy, trồng sắn và lúa rẫy. Năng suất lúa rất thấp nên năm nào cả bản cũng đói lay lắt 4-8 tháng. Để giúp người dân cải thiện cuộc sống, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã xây dựng đề án "Quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dân cư, phát triển kinh tế - xã hội bản Tân Ly". Đầu năm 2009, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Làng Ho khai hoang ruộng nước, làm nhà cho bà con ở...

Đưa cây lúa nước về Tân Ly nói thì đơn giản nhưng đó là cả một quá trình đầy gian nan. Để cải tạo vùng đất chỉ có sỏi và đá tảng này, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã bỏ ra 1.000 ngày công để phát sạch cỏ lau, sậy, cậy đá, cuốc đất làm màu... Khi những mảnh ruộng vuông vắn hình thành, họ bắt tay sửa sang kênh dẫn nước, làm đập tràn ở khe Tân Ly cao hơn để giữ nước.

Cả bản Tân Ly có hơn 2ha lúa nước, mỗi ha cho thu 4,3 tấn, đủ thóc ăn cả năm.

Đất canh tác đã có nhưng làm cho bà con tin vào hiệu quả của cây lúa nước không dễ. Từ bao năm nay, đồng bào Vân Kiều chỉ quen với cây lúa rẫy, không ai tin cây lúa nước có thể tồn tại được ở đây. Vì thế mới có chuyện, vụ hè thu 2009, bộ đội biên phòng xuống ruộng cấy lúa, cả bản Tân Ly kéo ra xem, nhưng không một người dân nào lội xuống ruộng cấy lúa. Ngày thu hoạch vụ lúa nước đầu tiên, bà con vui như có hội, bởi năng suất lúa tới 4,1 tấn/ha. Cây lúa nước bắt đầu có chỗ đứng trong lòng người Vân Kiều ở Tân Ly

No cái bụng

Nhờ ruộng lúa nước, 254 người dân Vân Kiều bản Tân Ly đã thoát khỏi cái đói thường trực bao năm qua. Ông Hồ Hoạch - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, một trong những người cao tuổi của bản Tân Ly hồ hởi: “Cả bản có hơn 2ha lúa nước, mỗi ha cho thu 4,3 tấn, đủ thóc ăn cả năm".

Thắng lợi của khu ruộng Tân Ly 1, các khu ruộng Tân Ly 2, rồi Tân Ly 3 ra đời, nâng tổng diện tích trồng lúa nước của bản lên 2ha. Năng suất vụ đông xuân năm 2010 tới 4,3 tấn/ha. Từ chỗ không ai tin vào cây lúa nước, đến nay, gia đình nào cũng muốn có ruộng lúa nước.

Trong ngôi nhà gỗ vững chãi của mình, anh Hồ Văn Dư - Chủ tịch Hội ND xã Lâm Thuỷ, người bản Tân Ly thật thà: "Biết trồng lúa nước, người dân bản tôi không phải ăn sắn nữa". Trung tá Đặng Ngọc Tiến cho biết: Vụ đông xuân 2010, đơn vị tham mưu cho chính quyền chia ruộng cho bà con làm 6 khu, mỗi khu vực 8 hộ thay phiên nhau làm 2 vụ trong năm. Đơn vị cũng đang khảo sát những vùng đất khác để mở rộng diện tích trồng lúa nước.

Ngay sau khi trao cho bà con những thửa ruộng lúa nước xanh tốt, Đồn Tân Ly bắt tay vào dựng nhà đại đoàn kết. Nhà mới liên tiếp mọc lên giữa núi rừng Trường Sơn thay cho những ngôi nhà vách nứa xiêu vẹo, dột nát.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà to, đẹp nhất nhì bản, ông Hồ Văn Truôi cười móm mém: “Tôi ở nhà lợp lá không biết bao nhiêu năm rồi. Trời mưa, ở trong nhà cũng ướt hết. Có cái nhà mới, tôi ưng cái bụng lắm". Không riêng ông Truôi, năm 2009, 18 hộ bản Tân Ly đã có nhà mới vững chắc. Theo anh Tiến, năm 2010, Đồn Làng Ho sẽ làm 10 nhà nữa cho 10 gia đình.

Cây lúa nước và những ngôi nhà đại đoàn kết đang dần làm nên một diện mạo mới cho Tân Ly - vùng đất hứng chịu bom đạn của thời chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem