Vườn bưởi da xanh đặc sản nhìn đâu cũng thấy trái của một nông dân Hòa Bình, thu nửa tỷ/năm

Phạm Hoài - Tuệ Linh Thứ hai, ngày 31/07/2023 13:12 PM (GMT+7)
Nhờ được “mặc áo” chống nắng, chống côn trùng chích hút, những quả bưởi da xanh trồng theo quy trình VietGAP của ông Bùi Văn Tú, dân tộc Mường, ở xóm Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, (tỉnh Hòa Bình) luôn có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; qua đó, giúp ông "đút túi" nửa tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Clip: Nông dân trồng bưởi da xanh Bùi Văn Tú (SN 1963, dân tộc Mường, ở xóm Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, áp dụng quy trình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trồng bưởi da xanh trên đồi cao

Trang trại trồng cây ăn quả có múi của của lão nông Bùi Văn Tú nằm tít trên sườn đồi ở xóm Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. 

Vượt qua những đoạn đường đất dốc đứng, chúng tôi có mặt tại trang trại của ông Tú. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một số công nhân đang miệt mài dọn cỏ. Từ trên đồi cao, ông Tú đang điều khiển chiếc xe máy cũ kỹ, lao vun vút xuống chỗ chúng tôi.

Khi vừa tới nơi, chúng tôi cảm nhận được một mùi tanh nồng nặc của cá bốc ra. Chưa kịp để chúng tôi hỏi, ông Tú liền vội đáp lại 

"Bác vừa mới tưới phân cá ủ cho bưởi, thấy các cháu là bác chạy xuống đây liền!". Sau lời chào hỏi, ông Tú dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình. Men theo con đường đất lên tít sườn đồi, đâu đâu cũng là màu xanh của những cây bưởi.

Mặc áo cho bưởi da xanh VietGAP, lão nông ở Hòa Bình "đút túi" nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Trang trại trồng cây ăn quả có múi rộng khoảng 6ha, trong đó có 4ha trồng bưởi da xanh của lão nông Bùi Văn Tú. Ảnh: Phạm Hoài.

Chỉ tay vào những cây bưởi phía dưới, ông Tú cho biết, trang trại trồng cây ăn quả có múi của ông rộng khoảng 6ha, trong đó có 4ha bưởi da xanh với hơn 2.000 gốc.

Qua câu chuyện với ông Tú, chúng tôi được biết, thời trai tráng khỏe mạnh, ông Tú lặn lội khắp các tỉnh Tây Bắc để mưu sinh. Từng làm "vàng tặc" ở Lai Châu, rồi "lâm tặc" ở Sơn La, sau một thời gian bôn ba với đủ thứ nghề, có trong tay được ít vốn liếng, sẵn có quả đồi của gia đình, ông Tú về quê phát triển kinh tế.

Năm 2017, ông bắt đầu trồng khoảng 4ha bưởi Diễn. Lúc bắt đầu trồng, ông Tú gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, kinh nghiệm chăm sóc bưởi Diễn không có phải vừa tự học, vừa làm rồi đúc kết kinh nghiệm.

Khi đã nắm lòng trong tay kinh nghiệm chăm sóc, những cây bưởi Diễn của ông Tú cây nào cây nấy sai trĩu trịt quả. Chưa kịp vui mừng, bưởi Diễn lúc này "được mùa, mất giá" và có những  lúc không bán được khiến kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Mặc áo cho bưởi da xanh VietGAP, lão nông ở Hòa Bình "đút túi" nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Để tránh côn trùng chích hút, chống rám nắng cho những quả bưởi, ông Tú đã nghĩ ra cách làm là "mặc áo" cho những quả bưởi. Ảnh: Tuệ Linh.

Sau mấy năm gắn bó với cây bưởi Diễn, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn không cao. Năm 2021, ông Tú đã mày mò và học cách ghép bưởi da xanh trên các trang mạng rồi ghép trên những cây bưởi Diễn của mình. Sau khi ghép thành công, ông đã chuyển toàn bộ bưởi Diễn của mình sang bưởi da xanh và tiến hành chăm sóc theo quy trình VietGAP.

"Mặc áo" cho trái bưởi da xanh, côn trùng đứng ngoài "khóc thét"

Chia sẻ về cách chăm sóc bưởi da xanh, ông Tú cho hay, để cây bưởi da xanh sinh trưởng và phát triển tốt thì lúc nào phải cho "ăn" phân đầy đủ và có chế độ chăm sóc riêng.

Sau khi cây bưởi thu hoạch xong quả, ông Tú dọn dẹp, tỉa những cành già yếu và cành bị sâu, sau đó bón phân chuồng, phân lân và phân kali cho cây.

Đến đầu tháng 10 âm lịch, ông lại tiến hành phun thuốc ủ mầm hoa cho cây bưởi, tổng cộng 3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. Từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 âm lịch, khi cây đậu quả, ông chú trọng khâu phòng, diệt côn trùng chích hút như bọ trĩ, rệp, nhện đỏ..., đồng thời bón phân chuồng và phân gà chấu cho cây.

Đầu tháng 5 âm lịch, ông Tú "mặc áo" cho những quả bưởi bằng túi vải không dệt - sản phẩm của Ấn Độ, để tránh côn trùng chích hút, chống rám nắng, đồng thời giúp giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, giúp những quả bưởi luôn có mẫu mã đẹp và chất lượng.

Mặc áo cho bưởi da xanh VietGAP, lão nông ở Hòa Bình "đút túi" nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Những quả bưởi sau khi được bọc túi vải không dệt sẽ có mẫu mã đẹp, tròn đều và bóng mượt. Ảnh: Phạm Hoài.

Cũng theo ông Tú, từ tháng 3 âm lịch đến rằm tháng 7 âm lịch, tháng nào ông cho cây bưởi "ăn" phân, đối với phân hữu cơ như phân cá ủ, mỗi tháng ông bón từ 1 đến 2 lần giúp cải tạo đất, tăng sức đề kháng, có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi.

Một tháng còn lại trước khi thu hoạch, những cây bưởi sẽ được cách ly với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để quả luôn "sạch" và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Tú cũng cho biết, chăm sóc bưởi da xanh theo quy trình VietGAP phải rất tỉ mỉ. Loại phân, thuốc bảo vệ thực vật, bón như thế nào và quy trình chăm sóc đều phải có ghi chép cụ thể hằng ngày và khắt khe nhất là khâu cách ly.

Nhờ chăm sóc theo quy trình VietGAP và "mặc áo" cho những quả bưởi. Mẫu mã và chất lượng của những quả bưởi da xanh của ông ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, trang trại trồng bưởi của ông Tú luôn được thương lái tìm đến tận nơi để mua với giá cao và không cần lo tìm đầu ra cho những quả bưởi.

Mặc áo cho bưởi da xanh VietGAP, lão nông ở Hòa Bình "đút túi" nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Trang trại trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP của ông Tú tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: Phạm Hoài.

Được biết, mỗi ha bưởi da xanh ông Tú thu được 20 - 30 tấn quả. Với giá bưởi da xanh bán trung bình từ 20.000 đồng/kg, mỗi năm, ông Tú "đút túi" nửa tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Ngoài tạo thu nhập cao cho bản thân, ông Tú còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập từ 5 -7 triệu đồng mỗi tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem