Cẩn trọng với phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang (bài 1): 20 cây sầu riêng bằng 4 mẫu lúa

Minh Thành (Cổng TTĐT Tiền Giang) Thứ hai, ngày 31/07/2023 12:08 PM (GMT+7)
Với việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã giúp tình hình tiêu thụ sầu riêng trở nên khởi sắc. Hiệu quả kinh tế cao là yếu tố hấp dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng phía Bắc Quốc lộ 1 chuyển sang trồng sầu riêng.
Bình luận 0

Với việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã giúp tình hình tiêu thụ sầu riêng trở nên khởi sắc. Hiệu quả kinh tế cao là yếu tố hấp dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng phía Bắc Quốc lộ 1 chuyển sang trồng sầu riêng.

Việc tỉnh Tiền Giang đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn đã giúp niềm tin của người trồng sầu riêng càng được củng cố. Đặc biệt, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đã tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ loại trái cây này.

Củng cố niềm tin

Sầu riêng được xem là loại cây "vua" trong các loại cây ăn trái ở tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại là rất lớn. Nhiều người dân trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của loại cây này chính là rất "mẫn cảm" với mặn. Nhìn lại 02 mùa hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020, người trồng sầu riêng ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh lâm vào cảnh điêu đứng khi mặn xâm nhập sâu. 02 đợt xâm nhập mặn lịch sử đó đã gây thiệt hại khoảng vài ngàn ha sầu riêng của tỉnh. 

Nhiều vườn sầu riêng suy kiệt, người dân phải mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc, phục hồi. Thời điểm đó, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khá lưỡng lự trong việc trồng lại mới cây sầu riêng hay chuyển sang cây trồng khác.

Khi phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang (bài 1): Khá giả nhờ xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 1.

Ông Mến là một trong những hộ nông dân đầu tiên trồng sầu riêng ở ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Để giúp người dân an tâm sản xuất, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục vườn sầu riêng. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là triển khai các công trình phòng, chống hạn, mặn. Theo đó, để kiểm soát mặn, trữ ngọt, tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống đê bao, cống đập tại các huyện, thị phía Tây của tỉnh. 

Đặc biệt, việc đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864 giai đoạn 1 và cống Nguyễn Tấn Thành giúp niềm tin của người dân với cây sầu riêng được củng cố. Người dân tiếp tục lựa chọn gắn bó với loại cây đã cho họ cuộc sống ấm no, sung túc thời gian qua.

Bén duyên với cây sầu riêng từ năm 2012, nhưng đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã làm vườn sầu riêng hơn 02 công của ông Nguyễn Tấn Ngọc (xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) gần như chết rụi. 

Thời điểm mặn xâm nhập sâu, vườn sầu riêng của ông Ngọc đang cho trái. Vừa nuôi trái, vừa chống chọi với hạn, mặn gay gắt nên cây đã bị suy kiệt nặng và chết. Ông Ngọc cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi thấy mặn lên tới đây. Sau khi sầu riêng chết, tôi cũng như bà con xung quanh rất băn khoăn trong việc trồng mới lại sầu riêng. 

Tuy nhiên, bây giờ không trồng sầu riêng thì biết trồng cây gì. Lúc đó, nghe tỉnh sắp xây dựng một số cống ngăn mặn lớn nên nông dân chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Từ đó, gia đình tôi mới quyết định trồng lại sầu riêng".

Có thể nói, với việc đầu tư hệ thống thủy lợi ngăn mặn đã giúp niềm tin của người trồng sầu riêng được củng cố. Không chỉ những người đã trồng sầu riêng tiếp tục gắn bó với loại cây này nhiều nông dân khác cũng mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây khác sang trồng sầu riêng.

Khi phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang (bài 1): Khá giả nhờ xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 2.

Ông Hiệp, nông dân xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa chuyển từ đất trồng lúa sang trồng sầu riêng được gần nửa năm.

Ông Lê Hoàng Hiệp (ấp 3, xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trước đây có 4 công đất canh tác lúa. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, ông Hiệp đã mạnh dạn lên liếp để trồng gần 90 gốc sầu riêng Monthong. 

Ông Hiệp cho biết, hết vụ lúa này, mảnh ruộng hơn 01 ha đó cũng sẽ lên liếp để trồng sầu riêng. Hiện nông dân làm lúa có lời ít lắm, do chi phí phân, thuốc cao quá. Ông Hiệp bày tỏ: "Ở đây, người dân chuyển từ làm lúa sang trồng dừa, mít Thái, sầu riêng. Sầu riêng chịu đất ở đây nên phát triển tốt lắm. Trồng sầu riêng bây giờ chỉ sợ nước mặn, nhưng nghe tỉnh đầu tư các cống ngăn mặn nên cũng yên tâm".

Tiêu thụ sầu riêng thuận lợi

Có thể nói, thời gian gần đây, cây sầu riêng phát triển "nóng" trên địa bàn tỉnh một phần cũng từ việc loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá sầu riêng lên "cơn sốt" khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có của sầu riêng từ trước đến nay.

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tý (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè) có 17,5 công sầu riêng, trong đó có 05 công đã cho trái và 12,5 công mới được 1 năm tuổi. 

Theo ông Tý, sau khi trồng 05 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Lợi nhuận trung bình cho mỗi công sầu riêng được khoảng 100 triệu đồng/công/năm. "Hiện nay, sầu riêng tiêu thụ rất tốt đa số là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên mang lại thu nhập rất cao" - ông Tý chia sẻ.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái của huyện là 23.000 ha. Những năm gần đây, diện tích sầu riêng và mít Thái tăng nhanh. Khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tăng rất cao. Lợi nhuận của trồng sầu riêng cao hơn lúa từ 15 - 16 lần. Do đó, nhiều người dân đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu. 

Năm 2022, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận từ 01 - 02 tỷ đồng/ha nên rất phấn khởi.

20 cây sầu riêng gần bằng 4 mẫu ruộng trồng lúa

Trên thực tế, lợi nhuận chính là yếu tố hấp dẫn làm cho người dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Gần cả đời gắn bó với ruộng lúa, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng vẫn không khá lên được, năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Mến (ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 1 công sầu riêng với hơn 20 gốc. 

Ở khu vực này, ông Mến là một trong những hộ tiên phong trồng sầu riêng. Nhận thấy cây sầu riêng phát triển tốt trên vùng đất này, ông Mến quyết định lên liếp 06 công đất lúa để trồng sầu riêng. Để chống ngập ún, gia đình ông đã đầu tư xây dựng bờ tường dài 400m với chi phí khoảng vài trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã có 2,3 ha sầu riêng.

Vợ ông Mến tâm sự: "Mỗi cây sầu riêng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chi phí khoảng 5 triệu đồng. Năm đầu tiên, hơn 20 gốc sầu riêng thu hoạch được 450 trái, bán được 90 triệu đồng. Trong khi đó, tôi làm 4 mẫu ruộng trồng lúa, vụ Đông xuân chỉ bán được 102 triệu đồng, coi như không có lời".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem