Vườn nhiễm phèn trồng cam, mít chết hàng loạt, đem trồng na Thái không ngờ quả to đùng, thương lái mua hết

Thứ hai, ngày 15/05/2023 18:54 PM (GMT+7)
Trong vài năm trở lại đây, anh Nguyễn Hoài Ngân, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã phát triển trồng cây na Thái trong khu vườn của gia đình. Mặc dù diện tích đất trồng na Thái là đất sét, nhiễm phèn nhưng cây na sinh trưởng rất tốt, trái năm sau luôn cao hơn năm trước và bán được giá.
Bình luận 0

Bước vô vườn, chúng tôi nhìn thấy quanh gốc na anh Ngân không dọn sạch cỏ, khi hỏi thì anh bảo rằng, đó là cách giữ độ ẩm cho cây trong mùa nắng nóng. Còn trái trên cây na Thái hầu hết đều được bao bằng túi nilon nhằm tránh các loại sâu hay sinh vật gây hại tấn công. 

Mở lớp bọc bao trái na cho chúng tôi xem thử, anh Hoài Ngân thổ lộ: “Na Thái khi được bao trái màu sắc đẹp hơn, vì tránh được ánh nắng trực tiếp soi chiếu vào phần lớp vỏ bên ngoài, đặc biệt còn đảm bảo trái không bị ruồi vàng đục cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi thu hoạch, giá bán tốt hơn. Hiện tại, mô hình trồng na Thái của gia đình tôi đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ. Na đã được thương lái và tiểu thương đặt mua hết số lượng”.

Anh Ngân có tổng diện tích trồng na Thái lên đến 4ha, trong đó 2,5ha đang cho trái. Sở dĩ anh quyết định trồng na Thái với diện tích lớn như vậy, vì anh đã có thời gian nghiên cứu trồng thử nghiệm 50 cây na xen canh trong vườn cam sành, quýt, mít. Mặc dù ít được chăm sóc nhưng cây na vẫn phát triển rất tốt. Sau 2 năm, anh Ngân thu hoạch vụ đầu tiên, bình quân mỗi trái nặng từ 400 - 900 gram. Khi đem trái đi bán tại các chợ truyền thống, tiểu thương rất thích và đặt hàng liên tục.

Thấy đầu ra ổn định, anh Ngân tiếp tục nhân rộng số lượng na trồng xen canh trong khu vườn. Năm 2015, 2016, do ảnh hưởng đợt hạn, mặn nên cam, quýt, mít chết hàng loạt nhưng cây na Thái vẫn phát triển xanh tốt nên anh Ngân đã mạnh dạn trồng hết 4ha cây na Thái. 

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng na 1ha đã cho thu hoạch hơn 4 năm và 1,5ha đang thu hoạch vụ na đầu tiên, còn lại 1,5ha sẽ cho thu hoạch vào năm 2024. 

Vườn nhiễm phèn trồng cam, mít chết hàng loạt, đem trồng na Thái không ngờ quả to đùng, thương lái mua hết - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Hoài Ngân, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) bên vườn na Thái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Na Thái cho thu hoạch 2 vụ/năm (vào tháng 4 và tháng 11), mỗi vụ thu hoạch kéo dài 1 tháng, năng suất bình quân 12 tấn/năm/ha (cây 3 năm tuổi trở lên). Na có giá bán 40.000 - 60.000 đồng/kg (phân loại nhất, nhì, ba), còn vào thời điểm tết Nguyên đán có giá 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg. 

Tính riêng vụ na Thái năm 2023, với diện tích 2,5ha đang vào vụ thu hoạch, ước năng suất thu hoạch hết vụ hơn 15 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận trên 350 triệu đồng/năm.

Anh Hoài Ngân chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc cây na Thái: “Để trồng cây na Thái đạt năng suất, nhà vườn phải am hiểu đặc tính của cây, cách chăm sóc cây và tính toán khoảng cách giữa các cây trồng trên cùng diện tích đất hợp lý (1ha đất có thể trồng 700 cây na). Đồng thời, vườn trồng na cần tạo các mương nước lớn, nhằm tiêu thoát nước nhanh vào các tháng mùa mưa, còn mùa nắng chỉ cần tưới nước 1 lần/2 ngày". 

Theo anh Ngân, sau thời gian trồng 2 năm, cây na Thái bắt đầu cho trái. Đối với na cho thu hoạch đợt trái đầu tiên, 1 cây chỉ cần để 15 - 20 trái, nhằm đảm bảo cho cây vừa nuôi thân vừa nuôi trái. Các vụ mùa na tiếp theo tùy vào độ lớn của cây giữ lại số lượng trái trên cây nhiều hơn, để đảm bảo tuổi thọ của cây được lâu bền. 

"Tôi dự tính sẽ mở rộng diện tích trồng cây na Thái thêm 2ha và tìm thêm thương lái ký kết hợp đồng nhằm tạo sự ổn định, lâu dài cho đầu ra của trái na” - anh Ngân chia sẻ. 

Ông Nguyễn Văn Hận - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành thông tin: “Na Thái là loại cây ăn trái được trồng mới tại huyện Châu Thành. Anh Nguyễn Hoài Ngân là nhà vườn “tiên phong” đưa cây này về vùng đất của xã Hồ Đắc Kiện để trồng. Qua nhiều năm canh tác, cây na phát triển rất tốt trên vùng đất sét nhiễm phèn tại địa phương, đặc biệt ngoài chịu được phèn, cây na Thái còn chịu được độ mặn lên đến 10/00 và có thể chịu độ mặn cao hơn, hiệu quả kinh tế khá tốt. Thực tế, tại hộ anh Nguyễn Hoài Ngân, mỗi năm cây na Thái cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng". 

Theo ông Hận, thông qua hiệu quả kinh tế của cây na Thái, nhiều hộ dân lân cận hộ anh Nguyễn Hoài Ngân đã chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây na Thái. Hiện tại, diện tích na Thái tại xã Hồ Đắc Kiện 10ha và các hộ dân trồng na đã được vận động tham gia vào Tổ hợp tác trồng na Thái, với diện tích 10ha, có 7 thành viên tham gia. Thành viên có diện tích trồng na nhiều nhất là 4ha và ít nhất là 2.000m2. Anh Nguyễn Hoài Ngân làm Tổ trưởng Tổ hợp tác na Thái. 

"Hướng tới, huyện sẽ nghiên cứu thị trường đối với đầu ra của trái na Thái và điều kiện tự nhiên các vùng đất tại các địa phương trên địa bàn huyện, để có những định hướng lâu dài trong việc phát triển cây na Thái trên địa bàn huyện…" - ông Hận nói. 

Trái na Thái có mẫu mã đẹp, to, khi chín có mùi thơm dịu nhẹ, thịt trái bên trong trắng, vị ngọt đậm, có độ dẻo vừa phải, ít hạt. Thời gian bảo quản trái lên đến trên 7 ngày nên rất được thị trường ưa chuộng. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nếu bà con muốn phát triển trồng cây na Thái, cần nghiên cứu về sự thích nghi của cây, với thổ nhưỡng vùng đất tại địa phương và nhất là tìm đầu ra cho trái na Thái sau thu hoạch.

Thúy Liễu (www.baosoctrang.org.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem