Ninh Thuận: Cảm giác “hái tận tay, ăn ngay tại chỗ" khiến du khách mê mẩn những vườn trái cây Lâm Sơn

Đức Cường Thứ hai, ngày 18/07/2022 19:02 PM (GMT+7)
Du khách tham quan tỏ ra ra thích thú với cảm giác “hái tận tay, ăn ngay tại chỗ" những loại trái cây đặc sản thơm, ngon, ngọt nức tiếng tại những vườn trái cây Lâm Sơn, ở huyện miền núi Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Bình luận 0

Hái tận tay, ăn ngay tại chỗ

Tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, (Ninh Thuận) những ngày này, đâu đâu trên những chùm trái cây chín mộng cũng rộn vang tiếng cười của du khách tham quan lẫn niềm vui, niềm phấn khởi của các nhà vườn khi bước vào mùa cao điểm trái chín.

Ninh Thuận: Du khách tận thấy cảm giác “hái tận tay, ăn tận gốc” ở xứ miệt vườn trái cây Lâm Sơn - Ảnh 1.

Rất đông khách tham quan du lịch trải nghiệm tại vườn trái cây Bé Tèo tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn ngày 16/7. (Ảnh: Đức Cường)

Nhiều chủ vườn trái cây nơi đây cho biết, dù năm nay sản lượng không bằng như mọi năm nhưng "trong cái rủi lại có cái may" khi hoạt động du lịch trải nghiệm "hái tận tay, ăn ngay tại chỗ" lại nhộn nhịp ngay từ đầu mùa. 

Nhờ đó, hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đổ về nơi đây để tận hưởng cảm giác thiên nhiên tươi mát và thưởng thức vị ngọt đặc trưng của trái cây Lâm Sơn.

Chị Nguyễn Thị Mạnh, chủ vườn trái cây Bé Tèo rộng gần 2ha ở xã Lâm Sơn cho biết, so với mọi năm thì năm nay số lượt khách đến tham quan, vui chơi tại vườn có tăng, trung bình mỗi ngày vườn của chị đón từ 200-300 lượt khách tham quan, thời điểm cuối tuần số khách có thể lên đến 400 – 500 lượt/ngày.

Với giá vé vào vườn là 40.000 đồng/người lớn và 10.000 đồng/trẻ em, du khách có thể tận tay cắt hái và thưởng thức miễn phí những chùm chôm chôm tươi rói đủ chủng loại từ chôm chôm nhãn, chôm chôm thái…

Riêng các loại trái cây đặc sản được trồng theo tiêu chuẩn trái cây sạch như sầu riêng, bơ, măng cụt, bưởi… đều được chủ vườn phục vụ và bán mang về khi du khách có nhu cầu với giá cả phải chăng. Trong đó, sầu riêng có giá từ 45.000 – 80.000 đồng /kg, măng cụt từ 60.000 – 65.000 đồng/kg…

Ninh Thuận: Du khách tận thấy cảm giác “hái tận tay, ăn tận gốc” ở xứ miệt vườn trái cây Lâm Sơn - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Mạnh, chủ vườn trái cây Bé Tèo bên cây sầu riêng trĩu quả. (Ảnh: Đức Cường)

Song song đó, để mang đến sự trải nghiệm mới lạ cho du khách, các nhà vườn đã chủ động cải tạo cảnh quan sinh thái, đồng thời phục vụ những món ăn đặc sản miền sơn cước như gà thả vườn, rau rừng… ngay dưới những tán cây trĩu quả.

Đang vui vẻ ghi lại khoảnh khắc bên dàn trái cây chín đỏ, chị Minh Thuận ở TP Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, mỗi năm một lần khi đến mùa trái cây thì chị đều cùng bạn bè và người thân đến tham quan, và đây đã là lần thứ 3 chị đến với vườn trái cây Lâm Sơn.

Cũng theo chị Thuận, nơi đây không khí mát dịu, cảnh quan tươi đẹp và đặc biệt là vị ngon ngọt của các loại trái cây Lâm Sơn rất khác biết so với những nơi khác. 

"Măng cụt có vị thơm, thanh, nhiều múi, hạt nhỏ ít lép; chôm chôm thì luôn có độ tươi, vị ngọt, giòn, tróc hạt. Đặc biệt là sầu riêng cơm dày, hạt lép cực kì ngon và béo và chín tự nhiên." Chị Thuận cho hay.

Nhiều nhà vườn tại đây cho biết, mỗi năm vườn trái cây chỉ hoạt động được 3 tháng (từ tháng 6 - 8 dương lịch) và hiện nay đang thời gian cao điểm trái chín nhưng sản lượng không đủ để phục vụ khách tham quan, nhiều chủ vườn phải mua thêm trái cây từ các vườn nhỏ xung quanh để đáp ứng nhu cầu du khách.

Ninh Thuận: Du khách tận thấy cảm giác “hái tận tay, ăn tận gốc” ở xứ miệt vườn trái cây Lâm Sơn - Ảnh 4.

Chị Minh Thuận cùng bạn là Hiền Mai tạo dáng chụp hình lưu niệm tại vườn trái cây xã Lâm Sơn. (Ảnh: Đức Cường)

"Nhờ đó nguồn thu từ các hoạt động du lịch trải nghiệm và thưởng thức trái cây tại vườn đã tạo được nguồn thu xứng đáng cho nông dân làm vườn. Riêng gia đình chị cũng đảm bảo thu nhập từ 10 - 20 triệu mỗi ngày và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương 150.000 đồng/ngày." Chị Mạnh chủ vườn Bé Tèo cho hay.

Vận động người dân phát triển du lịch

Theo UBND xã Lâm Sơn, thương hiệu trái cây Lâm Sơn đã được công nhận và có chỉ dẫn địa lý, hiện nay toàn xã có 487 ha trồng cây ăn quả với các loại trái cây chủ yếu như: Chôm chôm, sầu riêng, bơ, bưởi, mít, măng cụt…

Ninh Thuận: Du khách tận thấy cảm giác “hái tận tay, ăn tận gốc” ở xứ miệt vườn trái cây Lâm Sơn - Ảnh 5.

Nhiều nông hộ đã áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng cao, thơm ngon, thu hút du khách. (Ảnh: Đức Cường)

Thời gian trước, khi vào vụ thu hoạch trái chín bà con thường bán cho thương lái, nhưng hiện nay nhiều chủ vườn đã tập trung phát triển du lịch ngay tại vườn. Và hiện toàn xã đã có 24 hộ đang hoạt động theo hướng du lịch trải nghiệm để phục vụ du khách và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Trương Công Đàm, chủ tịch Hội nông dân xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, để phát triển các vườn cây ăn trái thì chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền bà con tập trung cải tạo đất vườn, đồng thời tìm kiếm các nguồn giống mới để đa dạng hóa các loại cây trái.

Ninh Thuận: Du khách tận thấy cảm giác “hái tận tay, ăn tận gốc” ở xứ miệt vườn trái cây Lâm Sơn - Ảnh 6.

Những vườn trái cây trĩu quả phục vụ du lịch trải nghiệm tại chỗ xuất hiện ngày càng nhiều ở xã Lâm Sơn, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. (Ảnh: Đức Cường)

Bên cạnh đó, Lâm Sơn cũng đã thành lập các nhóm liên kết để cùng nhau hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái và làm du lịch. "Một số hộ dân cũng đã bắt đầu thay cách làm để phục vụ tốt hơn cho hoạt động du lịch trải nghiệm tại vườn. Trong đó, có nhiều hộ là bà con dân tộc Raglai và K'Ho ở các thôn Gòn, Tầm Ngân cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm vườn trái cây và là vệ tinh cung ứng trái cây cho các vườn trái cây lớn hơn...", ông Đàm thông tin.

Xã Lâm Sơn thuộc xã trung du miền núi, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 15.000ha, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 96%. Toàn xã có 10 thôn, với gần 15.000 nhân khẩu, trong đó có các dân tộc thiểu số như K'Ho, Raglay…

Vườn trái cây Lâm Sơn nằm dưới chân đèo Ngoạn Ngục dọc trên tuyến Quốc lộ 27, cách TP Phan Rang-Tháp Chàm ( cách trung tâm tỉnh Ninh Thuận) khoảng 50km và cách trung tâm huyện Ninh Sơn khoảng 10km về phía Tây. Đây là khu vực giao thoa giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận nên có điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi với nguồn nước dồi dào quanh năm nên những vườn cây ăn trái nơi đây trĩu quả, ngọt thơm đặc trưng so với trái cây ở các vùng khác.

img

Khách tham quan ngờ như mình bị lạc lối giữa vườn cây trái trĩu quả chỉ có ở miền Tây. (Ảnh: Đức Cường)

Trong giai đoạn 2016-2020, xã Lâm Sơn đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thực hiện chính sách đầu tư hỗ trợ trong nông nghiệp, nhân dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp ưu thế của địa phương, đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; cơ sở hạ tầng cơ bản được hoàn thiện. Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem