Vướng quy định, sâu đục thân hoành hành, rừng ngập mặn Cần Giờ đang "chết"

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 30/07/2020 19:10 PM (GMT+7)
Rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Cần Giờ là tài nguyên vô cùng quý giá của TP.HCM. Tuy nhiên, các nhà khoa học tiếp tục cảnh báo, chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đáng báo động.
Bình luận 0

Sâu bệnh phát triển

Theo PGS.TS Viên Ngọc Nam (Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), rừng ngập mặn có vai trò hấp thụ khí CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính. Do đó, cần tiến hành trồng rừng trên đất hoang của rừng ngập mặn, đất ao tôm và ruộng muối bỏ hoang.

Một hecta rừng ngập mặn (RNM) tích tụ trung bình 1,5 tấn carbon/ha/năm đối với rừng đước 30 tuổi. Trầm tích ở RNM là 700 tấn carbon ở độ sâu 1m. Khi rừng bị sâu bệnh và quá tuổi thành thục thì lượng hấp thụ CO2 cũng giảm.

Vướng quy định, rừng ngập mặn Cần Giờ đang “chết” - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh I.T

Theo PGS.TS Nam, tỉa thưa là biện pháp lâm sinh tác động đến rừng nhằm tạo điều kiện cho rừng sinh trưởng và phát triển. Nhưng thời gian qua, RNM Cần Giờ không được tỉa thưa nên sâu bệnh phát triển.

Hiện tượng cây chết, chất lượng rừng bị giảm đi dẫn đến đa dạng thực vật RNM suy giảm. "Đây là một trong những hạn chế trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở RNM Cần Giờ", PGS. TS Nam nhận định.

TS. Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước cũng cho rằng, chất lượng RNM hiện nay đang là một vấn đề đáng báo động.

Theo TS Thành, RNM là yếu tố quan trọng, có vai trò chi phối các yếu tố khác của hệ sinh thái đất ngập nước ở cần Giờ. Đồng thời, là yếu tố quan trọng nhất của Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) RNM Cần Giờ. 

Việc quản lý RNM phải dựa trên nền tảng kiến thức khoa học và các quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này.

Vướng quy định, rừng ngập mặn Cần Giờ đang “chết” - Ảnh 2.

Một cây đước tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ảnh IT

Năm 2002, Bộ NNPTNT đã Ban hành Quy phạm kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng đước. Theo đó, có quy định 3 lần tỉa thưa cho rừng.

Lần 1, khi rừng 5-6 tuổi, cường độ tỉa thưa là 35-50%, số thân cây chừa lại là 9.000-10.000 cây/ha. Lần 2, khi rừng 11-12 tuổi, cường độ tỉa thưa là 35%, số thân cây chừa lại là 5.000-5.500 cây/ha. Lần 3, khi rừng 20-21 tuổi, cường độ tỉa thưa là 35%, số thân cây chừa lại là 2.600-2.800 cây/ha.

Độ tuổi trung bình của cây đước là 21 năm tuổi. Tuy nhiên, cho đến nay, rừng đước trồng ở Cần Giờ đã hơn 30 tuổi. Mật độ cây bình quân ở nhiều khoảnh rừng rất cao so với quy định, nhưng chưa một lần được chính thức tỉa thưa như một biện pháp kỹ thuật lâm sinh bắt buộc.

Không được tỉa thưa

Sau ngày thống nhất đất nuớc, RNM Cần Giờ (lúc bấy giờ là huyện Duyên Hải) thuộc tỉnh Đồng Nai quản lý. Năm 1978, huyện Duyên Hải được chuyển về cho TP.HCM quản lý, sau này đổi tên thành huyện Cần Giờ.

Theo Ban quản lý Khu DTSQ RNM Cần Giờ, yêu cầu của nhiệm vụ phục hồi lại RNM lúc này là phải trồng lại trong thời gian ngắn nhất (20-30 năm), đảm bảo đúng yêu cầu khoa học kỹ thuật, rừng sớm phủ xanh đạt chất lượng tốt.

Năm 1991, rừng Cần Giờ được Chính phủ công nhận là rừng phòng hộ. Rừng Cần Giờ được giao khoán cho các hộ chăm sóc, khai thác. Cũng trong những năm 1991-1999, hiện tượng ủ than từ việc tận dụng các cành tỉa thưa diễn ra khá ồ ạt.

Để tránh tình trạng lợi dụng việc tỉa thưa để phá rừng, tháng 6/1999, UBND TP ra Quyết định số 3172/QĐ-UB-CNN nghiêm cấm tỉa thưa rừng phòng hộ Cần Giờ nhằm hạn chế hiện tượng ủ than.

Vướng quy định, rừng ngập mặn Cần Giờ đang “chết” - Ảnh 4.

Du khách khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.

Năm 2000, UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn (DTSQ RNM) thế giới. Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cũng được thành lập. Rừng Cần Giờ được bảo vệ kỹ lưỡng hơn.

Nhưng đến năm 2005, đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo về tình hình sâu bệnh tấn công và rừng Cần Giờ đang chết. Nhiều nhà khoa học lúc đó đã thống nhất cần thực hiện biện pháp tác động lâm sinh vào rừng Cần Giờ, nhằm nâng cao chất lượng rừng, tạo điều kiện cho rừng sinh trưởng và phát triển.

Tại hội thảo 20 năm quản lý và phát triển RNM Cần Giờ mới đây, giới khoa học lại tiếp tục lên tiếng cảnh bảo về chất lượng rừng.

Theo TS. Thành, việc không được tỉa thưa dẫn đến hậu quả là mật độ cây quá dầy đã làm cây không còn đủ không gian dinh dưỡng để sinh trưởng. Đường kính cây nhỏ hơn nhiều so với trạng thái bình thường.

Vướng quy định, rừng ngập mặn Cần Giờ đang “chết” - Ảnh 5.

Giới khoa học tiếp tục cảnh báo chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ

Sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu đục thân. Đã có những khoảnh rừng bị sâu đục thân hơn 60% số cây, kèm theo đó là hiện tượng cây đổ ngã khi bị gió lớn đã xuất hiện. Chưa kể một lượng sinh khối của rừng đã bị mất đi.

Trong khi rừng đước ở tỉnh Cà Mau hay ở Malaysia, Thái Lan, Philippines,... được quản lý rất khoa học, trong đó có biện pháp tỉa thưa nên rừng rất khỏe, đẹp.

"TP.HCM được xem là trung tâm khoa học, sở hữu một khu rừng đước quý giá nhưng lại đang được quản lý rừng rất thiếu cơ sở khoa học về lâm sinh", TS Thành nói.

Theo Ban quản lý Khu DTSQ RNM Cần Giờ, gỗ của cây đước là sản phẩm ưa chuộng, được sử dụng phổ biến làm củi đốt và hầm than chất lượng cao. Thống kê cho thấy, lượng gỗ tăng trường bình quân hàng năm của toàn bộ diện tích rừng trồng đước hiện nay có thể thu được 49.398 m3/năm. Với đơn giá khái toán theo thời giá là 800.000 đồng/m3, giá trị thu được bằng tiền (49.398 m3 x 800.000 đ), khoảng gần 39.520 tỷ đồng.

Hiện nay, việc quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ nghiêm cấm tỉa thưa rừng nên không có các hoạt động thu hoạch sản lượng gỗ củi từ rừng, đại diện Ban quản lý cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem