20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 23/07/2020 13:34 PM (GMT+7)
20 năm quản lý, phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn (KDTSQRNM) Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM nói chung và nhân dân huyện Cần Giờ nói riêng, trong nỗ lực kiến thiết sau chiến tranh.
Bình luận 0

GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) đánh giá như thế tại Hội thảo 20 năm quản lý và phát triển KDTSQRNM Cần Giờ tại TP.HCM, ngày 23/7.

20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM - Ảnh 1.

Khu dữ trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh IT

Trước chiến tranh, RNM Cần Giờ có hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Giai đoạn trước năm 1945, RNM Cần Giờ có tên là Rừng Sác, là một phần của rừng Sác miền Đông Nam bộ với tổng diện tích khoảng hơn 38.000ha.

Trong những năm tháng chiến tranh (1965-1969), RNM Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi các hóa chất diệt cỏ và các chất hóa học khác của quân đội Mỹ. Viện Khoa học Mỹ ước tính khoảng 57% diện tích RNM bị chết.

Những cánh RNM bạt ngàn xanh tốt biến thành những vùng đất hoang hóa, khô cằn; nguồn tài nguyên động, thực vật rừng và thủy hải sản gần như bị hủy diệt; môi trường sinh thái ô nhiễm nặng nề; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương và các vùng lân cận.

20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM - Ảnh 2.

Khôi phục rừng Cần Giờ ngay sau chiến tranh. Ảnh tư liệu

Sau ngày thống nhất đất nuớc (1975), RNM Cần Giờ (lúc bấy giờ là huyện Duyên Hải) thuộc tỉnh Đồng Nai quản lý. Năm 1978, huyện Duyên Hải được chuyển về cho TP.HCM quản lý, sau này đổi tên thành huyện Cần Giờ.

TP.HCM nói chung và nhân dân huyện Cần Giờ nói riêng đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong việc trồng khôi phục lại hệ sinh thái RNM Cần Giờ.

Theo Ban quản lý DTSQRNM Cần Giờ, yêu cầu của nhiệm vụ phục hồi lại RNM lúc này là phải trồng lại trong thời gian ngắn nhất (20-30 năm), đảm bảo đúng yêu cầu khoa học kỹ thuật, rừng sớm phủ xanh đạt chất lượng tốt, tiết kiệm vật tư, hạ giá thành đầu tư, nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.

20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM - Ảnh 3.

Người dân sinh sống trong rừng ngập mặn Cần Giờ.

Từ năm 1978 - 2019, tổng diện tích trồng rừng đạt 23.079ha. Hệ sinh thái rừng trồng phát triển ổn định đã tạo môi trường thuận lợi phục hồi rừng tự nhiên.

Hiện nay, diện tích có rừng (hơn 32.446ha) chiếm 93,47% tổng diện tích tự nhiên của rừng phòng hộ Cần Giờ, qua đó góp phần nâng cao độ che phủ rừng của huyện Cần Giờ, cũng như TP.HCM.

Từ những kết quả đạt được, ngày 21/1/2000, huyện Cần Giờ được Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là KDTSQ RNM Cần Giờ. Đây là KDTSQTG đầu tiên của Việt Nam, mở đầu cho việc đề cử và công nhận 8 khu DTSQTG sau này.

20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM - Ảnh 4.

Mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ.

Theo GS. Nguyễn Hoàng Trí, hệ sinh thái RNM Cần Giờ là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu của thành phố, của quốc gia và quốc tế. Công trình phục hồi, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái RNM Cần Giờ thể hiện truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhân dân thành phố nói chung và nhân dân huyện Cần Giờ nói riêng trong nỗ lực kiến thiết sau chiến tranh.

Thành công này đến từ nhận thức chung của cộng đồng và các bên cùng tham gia, trong đó có lực lượng biên phòng tham gia bảo vệ rừng. Thứ nữa là các mô hình kinh tế thân thiện môi trường như nuôi yến, nuôi trồng thủy sản... giúp người dân tham bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, RNM Cần Giờ cũng đang phải đối diện nhiều thách thức. Trong đó, nhận thức, hiểu biết về KSQ của cộng đồng nhìn chung còn ở mức thấp. Cơ cấu tổ chức, nguồn lực con người và vật chất cho bảo về rừng còn thiếu thốn.

"Sắp tới, phải có phương hướng giảm bớt công tác kiêm nhiệm để tiến tới hình thành bộ phận chuyên ngành có chức năng riêng để quản lý KDTSQ Cần Giờ", GS. Trí nói.

20 năm phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ là nỗ lực tuyệt vời của TP.HCM - Ảnh 5.

Đại diện Bộ Ngoại giao trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đã có nhiều thành tích bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận.

Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ thừa nhận vẫn còn một số khó khăn khi còn thiếu cán bộ chuyên trách thực hiện đầy đủ các hoạt động của KDTSQ.

Đời sống của người dân trên địa bàn huyện và các địa phương giáp ranh còn nhiều khó khăn và phụ thuộc vào nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, tạo áp lực không nhỏ đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

"Sắp tới, TP.HCM và huyện Cần Giờ vẫn tiếp tục nỗ lực để KDTSQTG Cần Giờ luôn xứng đáng là KDTSQTG đầu tiên trong mạng lưới sinh quyển Việt Nam, đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, TP.HCM, cũng như huyện Cần Giờ nói riêng", ông Dũng chia sẻ.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem