Lâm Xung, Quan Thắng, Lỗ Trí Thâm chỉ là đệ nhất với “vũ khí lạnh”
Tài năng, tính cách của các anh hùng Lương Sơn phong phú, mỗi người một vẻ. Có những người giỏi chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần Minh, Đổng Bình… có những người giỏi võ thuật như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm… còn một đội ngũ các tướng chuyên đánh thủy quân như anh em Trương Hoành – Trương Thuận, 3 anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đới Tông, Thời Thiên…
Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn, chuyên gia “vũ khí nóng” độc nhất vô nhị Lương Sơn Bạc.
Vũ khí mà mỗi vị đầu lĩnh sử dụng cũng rất khác nhau. Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa với năng lực sử dụng trường thương kiệt xuất, lại giỏi cả môn đánh bổng hay sử phác đao. Quan Thắng, hậu duệ Quan Vũ, đúng như ngoại hiệu “Đại đao” của mình, sở hữu cây Thanh Long Đao chém đầu tướng địch như lấy đồ trong túi. “Tích lịch hỏa” Tần Minh danh chấn thiên hạ với cây Lang nha bổng (gậy răng sói), rồi “Báo tử đầu” Lâm Xung, không chỉ điêu luyện với bát xà mâu, mà thương pháp cũng xuất quỷ nhập thần.
“Song tiên” Hô Duyên Chước, dòng dõi danh tướng Hô Duyên Tán, chuyên dùng vũ khí là đôi roi sắt. Từ Ninh nổi bật với cây Câu liêm thương. Hay Lỗ Trí Thâm hùng dũng với chiếc thuyền trượng nặng hơn 60 cân. Dĩ nhiên, chẳng thể thiếu Lý Quỳ với đôi bản phủ (rìu sắt cán ngắn lưỡi lớn) giết người không ghê tay. “Phác thiên điêu” Lý Ứng với tài nghệ phi đao, giết người trăm bước trong nháy mắt. Dụng cung, nỏ thì có “Nhất tiễn định càn khôn” – Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh hay “Lãng tử” Yến Thanh.
Lâm Xung dánh chấn thiên hạ với “bát xà mâu”, Lỗ Trí Thâm với “thuyền trượng” và “Đại đao” Quan Thắng chẳng là gì nếu đối đích với…
108 vị anh hùng là cả trăm loại vũ khí với hình dáng, tên gọi muôn hình muôn vẻ, phong phú đa dạng vô cùng. Nhưng đại đa số những thương, những đao, chùy, bổng, rìu, trượng, cung nỏ, phi đao… đều là vũ khí lạnh. Những binh khí truyền thống này, phát huy tác dụng hiệu quả nhất, là do tay người sử dụng. Bắt Lý Quỳ dùng thương hay nỏ thì khác nào “trói chân trói tay” chàng ta. Bảo Hoa Vinh dùng thuyền trượng của Lỗ Trí Thâm thì có khác gì Lương Sơn chấp người khi giao chiến…
Thương đao cung nỏ so sao được với “vũ khí nóng”
Thế nên, thứ vũ khí mạnh nhất, có công dụng khủng khiếp nhất, trong bối cảnh thời Bắc Tống nói chung và ở nơi “Bến nước” Lương Sơn Bạc nói riêng, tuyệt nhiên không nằm trong nhóm binh khí lạnh kể trên. Đó phải là thứ “vũ khí nóng”, một khi lâm trận “xuất chiêu” có thể giết trăm ngàn người cùng lúc, phá hủy thành trì, gây ra sự hoảng loạn cho đối thủ. Đó chính là những khẩu hỏa pháo.
Pháo được phát minh vào cuối thời Bắc Tống, đầu Nam Tống trong lịch sử Trung Quốc. Chính là giai đoạn cuối của Tống Huy Tông (ở ngôi đến năm 1126) – vị Hoàng đế được nhắc rất nhiều trong Thủy Hử của Thi Nại Am.
:… Những khẩu hỏa pháo của Lăng Chấn.
Lần sử dụng pháo với đạn đẩy bằng thuốc nổ trên chiến trường đã được lịch sử ghi chép lại đầu tiên là vào ngày 28 tháng 1 năm 1132 khi tướng Hàn Thế Trung của Nam Tống dùng hoả pháo để đánh thành Kiến Châu (nay là Kiến Âu). Lịch sử hình thành pháo gắn liền với lịch sử phát minh ra thuốc súng. Những khẩu pháo đầu tiên được chế tạo bằng đồng, nòng nhẵn, bắn đạn bằng đá hoặc bằng gang hình cầu.
Trong Thủy Hử truyện có một đầu lĩnh độc nhất vô nhị, bởi chàng là chuyên gia duy nhất về “vũ khí nóng”. Chính là “Oanh thiên lôi” Lăng Chấn. Họ Lăng người gốc Yên Lăng, là đệ nhất nhân thời đó trong lĩnh vực chế tạo hỏa pháo và thuốc súng. Ngoại hiệu “Tiếng sét vang trời” của Lăng Chấn, cũng phần nào lột tả được năng lực và sở trưởng của chàng ta.
Đệ nhất hỏa pháo – Lăng Chấn
Lăng Chấn xuất hiện lần đầu tiên trong Thủy Hử, ở hồi 54, nhân chuyện Hô Duyên Chước theo lệnh triều đình đánh dẹp Lương Sơn, qua chính lời kể của “Song tiên” như thế này: “Tôi định phân binh để đánh kỳ cho phá hết sơn trại, lấp phẳng thủy nhai, bắt cả gian tặc, mà phá tan sào huyệt mới nghe. Song còn hiềm một nỗi bốn mặt toàn thị hồ nước, không có đường lên, vậy duy còn có cách dùng súng hỏa bác mà bắn đánh, thì thể nào cũng có thể phá được. Trước đây tôi nghe ở kinh sư có một người tên là Oanh Thiên Lôi Lăng Chấn, chế súng Hỏa Bác có thể bắn xa tới mười bốn mười lăm dặm, đạn đá đến đâu, đất lở trời long, núi tan đá vỡ đến đó.Vả chăng người đó võ nghệ tinh thông, cung tên thạo giỏi, nếu được người đó ra đây, thì thế nào cũng có thể phá tan quân giặc ngay”.
Lăng Chấn – đầu lĩnh ngồi ghế thứ 52 Lương Sơn Bạc.
Lăng Chấn trước khi được cử đi giúp Hô Duyên Chước đánh Lương Sơn thì đang đảm nhiệm chức Quan phó sứ kho Giáp trượng của triều đình: “Bấy giờ Oanh Thiên Lôi đến bái kiến Cao Thái Úy, Thái Úy cấp văn bằng trao cho làm chức Thống Lĩnh Hành Quân, truyền lệnh sắp sửa yên mã khí giới để ra đi lập tức. Lăng Chấn vâng lệnh ra về sửa soạn các đồ dùng, chế thuốc làm súng cùng các thứ giá súng đạn, xếp cả lên xe, và sắp đủ cung đao mã giáp, dẫn ba bốn mươi tên quân hoá đi ra địa phận Lương Sơn. Khi ra tới trại, Lăng Chấn chào chủ Tướng là Hô Duyên Chước, và Tiên Phong là Hàn Thao, rồi thăm dò các nơi xung yếu ở sơn trại, và đặt ba thứ súng để đánh. Ba thứ súng đó một là Phong Hỏa Bác, hai là Kim Luân Bác, ba là Tử Mẫu Bác, đều sai đặt giá súng ở bên Bến Nước, để phòng bị sẵn sàng ở đó”.
Tất nhiên, vũ khí nóng của Lăng Chấn – cụ thể là những khẩu hỏa pháo – có độ sát thương và phá hủy vô cùng khủng khiếp nên vừa nghe tin “Oanh thiên Lôi” xuất hiện, nghĩa quân Lương Sơn đã gấp rút bỏ tiểu trại, kéo hết quân về sơn trại chính. Hồi 54 có đoạn cho thấy Hỏa pháp của Lăng Chân khiến Lương Sơn hoảng đến mức nào.
“Tống Giang nghe nói, liền bỏ tiểu trại ở bên Áp Chủy, mà kéo về tất cả ở trên sơn trại. Tiều Cái, Công Tôn Thắng đón tiếp vào Tụ Nghĩa Sảnh mà hỏi rằng: - Nay quân giặc đã dùng thứ súng như vậy, thì ta dùng cách nào để đối địch cho lại? Vừa hỏi được một câu, thì bỗng thấy có ba tiếng súng nổ luôn, đánh vào Thủy Trại ngoài bến Áp Chủy. Tống Giang thấy vậy, trong lòng bối rối lo âu, cùng các vị Đầu Lĩnh đều thất sắc ngây người không biết làm sao cho được”.
“Oanh Thiên Lôi” và những khẩu hỏa pháo do chính chàng chế tạo.
Sau nhờ kế hay của Ngô Dụng, lệnh cho thuỷ quân Lương Sơn lên bờ, phá hoại các giá pháo, dụ Lăng Chấn xuống sông cướp thuyền, Lăng Chấn mắc mưu, khi cướp được thuyền thì mới biết thuyền đã bị đục thủng, để rồi bị nhóm Lý Tuấn, Trương Hoành, Trương Thuận, ba anhem họ Nguyễn bắt sống. Được Tống Giang nhất mực thuyết phục, Lăng Chân đã chính thức gia nhập nghĩa quân Lương Sơn Bạc từ đó.
Khi phân định ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Lăng Chấn trở thành đầu lĩnh chuyên chế tạo hoả pháo, ngồi ghế thứ 52. Sau khi nhận chiêu an triều đình, họ Lăng cùng các đầu lĩnh tham gia các chiến dịch đánh dẹp quân Liêu và các lực lượng chống đối khác, lập nhiều chiến công quan trọng. Trong chiến dịch đánh Phương Lạp, hoả pháo của Lăng Chấn được sử dụng thường xuyên để bắn vào thành trì đối phương nhằm gây ra sự hỗn loạn cho quân địch. Các anh hùng Lương Sơn tận dụng ưu thế đó để tấn công và chiếm thành.
Lăng Chấn là một trong số ít những đầu lĩnh sống sót trở về triều sau chiến thắng Phương Lạp. “Oanh thiên lôi” sau được triều đình phong cho chức quan đứng đầu Hoả dược cục nhà Tống, chuyên chế tạo hoả pháo, vũ khí nổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.