Báo NTNN số 59/2014 có phản ánh tình trạng người dân vứt xác gia cầm bị dịch bừa bãi trên sông khiến nhiều người rất hoang mang, lo bị lây lan dịch bệnh cho người và gia súc.
Vậy người có hành vi đó có bị pháp luật xử lý không?
Trần Đức Ninh (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM)
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo- Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội) trả lời:
Vứt xác gia cầm ra sông không những gieo rắc mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc. Bởi vậy Khoản 4, Điều 8, Pháp lệnh Thú y năm 2004 quy định: “Cấm vứt xác động vật làm lây lan dịch bệnh cho động vật, cho người”.
Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vứt xác động vật mắc bệnh ra sông có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì còn phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điểm b, Khoản 3, Điều 5, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 của Chính phủ quy định: Chủ vật nuôi vứt xác động vật mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vứt xác động vật vào nguồn nước, người vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 183- Bộ luật Hình sự 2009, Khoản 1 quy định:
Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Lê Chiên (ghi) (Lê Chiên (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.