VVF sáp nhập SHB: Lợi nhuận tăng, đua nhau lập công ty tài chính

Trần Giang Thứ hai, ngày 19/12/2016 12:18 PM (GMT+7)
Lợi nhuận của nhiều ngân hàng như VPBank, Techcombank… cho thấy sự đóng góp lớn đến từ cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đây là lý do các ngân hàng đua nhau lập công ty tài chính tiêu dùng.
Bình luận 0

img

SHB vừa được chấp thuận thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức chấp thuận việc Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Quyết định có hiệu lực từ ngày 12.1.2017  và vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 12.000 tỷ đồng.

NHNN cũng đã cấp giấy phép thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB), với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Sẽ có “gà đẻ trứng vàng”

Đối với SHB, lợi ích quan trọng từ thương vụ này là cơ hội tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng (tăng 10,16%), nhờ vậy cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và cho phép ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay bán lẻ và tiêu dùng (đây được xem là phân khúc tiềm năng nhất trong hoạt động ngân hàng hiện tại).

Quan trọng hơn, việc ra đời Công ty tài chính tiêu dùng SHB có thể giúp SHB cải thiện được lợi nhuận. 9 tháng đầu năm, SHB mới đạt được 788 tỷ đồng, trong khi mục tiêu cả năm là 1.350 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2017, SHB dự kiến lợi nhuận là 1.596 tỷ đồng và động lực mới để đạt được kế hoạch này chính là Công ty tài chính tiêu dùng SHB.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB, cho biết SHB có định hướng và tiêu chí rất rõ ràng về phân khúc khách hàng mục tiêu và sản phẩm mục tiêu mà Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ tập trung phát triển. Do đó, sự ra đời của Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ không chồng chéo hay hạn chế sự phát triển của mảng tín dụng ngân hàng bán lẻ của SHB.

Trước SHB, làn sóng ngân hàng nhận sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng đã mở màn bằng một loạt các thương vụ như HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) sau đó chuyển thành HDFinance có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, tiếp tục chuyển nhượng 49% cổ phần cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance);

VPBank thành lập FE Credit sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản; Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa Chất (VCFC), chuyển thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) vốn 600 tỷ đồng;

MB nhận sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC), thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB (M Finance) với số vốn 500 tỷ đồng…

Lý do khiến các ngân hàng đua nhau thành lập công ty tài chính, đó là lợi nhuận. Nhìn báo cáo tài chính quý III.2016 của Techcombank và VPBank cho thấy cho vay tài chính tiêu dùng chính là mảnh đất màu mỡ để tăng lợi nhuận.

9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng của VPBank đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12%, trong số này, cho vay qua công ty tài chính FE Credit chiếm 22%. Đây chính là động lực đẩy lợi nhuận 9 tháng đầu năm của ngân hàng này lên tới 3.100 tỷ đồng.

img

Techcombank cũng là 1 điển hình. 9 tháng đầu năm 2016, cho vay khách hàng tăng 21,48% so với đầu năm, đạt 135,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Techcombank tập trung vào cho vay khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng (dư nợ cho vay cá nhân tăng 54% so với cùng kỳ và bằng 43,5% tổng dư nợ). Thu nhập lãi thuần tăng 17,26% so với cùng kỳ lên 4.204 tỷ đồng. Đây cũng là động lực đẩy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank lên 2.864 tỷ đồng.

Gánh nặng nợ xấu

Mặc dù đem lại lợi nhuận cao nhưng cho vay tài chính tiêu dùng cũng không phải là bức tranh toàn màu hồng. Nhìn vào báo cáo tài chính của VPBank cũng thấy được điều đó. 9 tháng đầu năm, nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank, công ty tài chính FE Credit chiếm 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu. Tính chung, tổng quy mô tổng nợ xấu của VPBank hợp nhất ở mức hơn 4.012 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,09%. Xét về kết quả hợp nhất thì đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số hơn chục nhà băng đã công bố minh bạch số liệu.

Riêng đối với thương vụ sáp nhập SHB với Công ty tài chính Viettel-Vinaconex, SHB cũng không hẳn hưởng lợi. Chất lượng tài sản của Viettel-Vinaconex là khá thấp, dư nợ của công ty chỉ ở mức nhỏ. Tính đến ngày 30.6.2016, dư nợ của Viettel-Vinaconex chỉ là 113,6 tỷ đồng so với 140.941 tỷ đồng dư nợ của SHB trong cùng kỳ. Như vậy, dư nợ của Viettel-Vinaconex chỉ tương đương 0,8% của SHB.

Trong khi đó nợ xấu của Viettel-Vinaconex là 41,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 36,9%. Kết quả kinh doanh trong một vài năm gần đây của Viettel-Vinaconex cũng kém khả quan, ghi nhận lỗ 12 tỷ đồng trong năm 2014; chỉ lãi 1,4 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2015 và tiếp tục lỗ 30,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, quy mô của Viettel-Vinaconex là khá nhỏ với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản 1.050 tỷ đồng trong khi đó vốn điều lệ của SHB là 9.846 tỷ đồng và tổng tài sản là 212 nghìn tỷ đồng (tính đến ngày 30.6.2016), do đó thương vụ sáp nhập này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tài sản và hoạt động của SHB.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết: Hiện nay, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được tham gia góp vốn mua cổ phần Công ty tài chính SHB để thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Khi các tổ chức này tham gia góp vốn, SHB sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống CNTT hiện đại, kinh nghiệm phát triển san phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng để đảm bảo Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sẽ có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường và phát triển đúng chiến lược của SHB.

Đối tác chiến lược, ngoài giá cả cổ phần phải liên quan tới vấn đề chiến lược kinh doanh để cùng phát triển bền vững, chứ không chọn các đối tác vào mua để làm đẹp công ty rồi sau đó bán là chúng tôi không lựa chọn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem