Wedding Planner: Nghề “hot” thu hàng chục triệu đồng mỗi dự án
Wedding Planner: Nghề “hot” thu hàng chục triệu đồng mỗi dự án
Trung Hiếu
Thứ năm, ngày 23/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Wedding planner, tạm dịch là người lên kế hoạch lễ cưới. Người làm công việc này sẽ áp dụng kiến thức và chuyên môn của mình để lên một bản kế hoạch gồm các giai đoạn khác nhau phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Wedding planner: Nghề đang "hot" tại Việt Nam. Clip: Trung Hiếu
Chi hàng chục triệu đồng để thuê “Wedding Planner”
Với mong muốn đám cưới diễn ra suôn sẻ, tiết kiệm thời gian và công sức cho hai bên gia đình, chị Lê Quế Nhi (21 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định thuê "Wedding Planner" (người lên kế hoạch lễ cưới - PV) để giúp đỡ tổ chức hôn lễ của bản thân.
Chị Nhi chia sẻ: “Do công việc của mình và chồng đều bận rộn nên không thể tự lo hết tất cả mọi khâu được. Giải pháp của chúng mình là tìm đến dịch vụ wedding planner để hôn lễ được tổ chức bài bản và chúng mình vẫn có thể kiểm soát được các công việc trong tiệc cưới”.
Theo chị Nhi, đám cưới của vợ chồng chị được tổ chức vào giữa tháng 5 vừa qua. Để chuẩn bị cho “ngày trọng đại” này, chị Nhi đã tìm người lên kế hoạch cho lễ cưới từ 3 tháng trước. “Đầu tiên, mình trao đổi với bạn wedding planner về ngân sách dự kiến có thể sử dụng cho đám cưới của vợ chồng mình. Sau đó, bạn ấy sẽ là người chủ động giới thiệu các dịch vụ thuê váy cô dâu, chọn hoa cưới, trang trí đám cưới, tổ chức tiệc, tìm người chụp ảnh... cho mình. Nếu chưa ưng ý, mình sẽ thảo luận lại với bạn ấy đến khi chốt được phương án cuối cùng chứ không phải 'lách cách' gọi điện cho từng nơi.”, chị Nhi nói.
Vừa xem những tấm ảnh kỷ niệm được chụp tại đám cưới, chị Nhi vừa tâm sự: “Đám cưới là sự kiện quan trọng không chỉ của cô dâu, chú rể mà còn của cả hai bên gia đình. Nhờ thuê được người lên kế hoạch đám cưới mà trong ngày vui đó, gia đình mình và gia đình chồng có thể thoải mái đón khách, chụp ảnh, ăn uống thay vì phải tất bật lo rất nhiều việc ‘không tên’, ví dụ như 'chạy đôn chạy đáo' tìm chỗ ngồi cho khách, sắp xếp mâm cỗ... Vì vậy, mình sẵn sàng bỏ ra số tiền gần 10 triệu đồng để thuê wedding planner”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Phạm Thị Thùy Dung (33 tuổi), chủ một doanh nghiệp chuyên tổ chức đám cưới tại Hà Nội cho hay: “Wedding planner là một khái niệm khá mới và chỉ phổ biến ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây”.
Chị Dung cho biết thêm: “Thị trường wedding planner ở nước ta hiện nay thường gồm 3 sự lựa chọn: Thứ nhất là những đơn vị hoặc cá nhân làm nghề wedding planner thuần túy và chuyên nghiệp, hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, họ có những chứng chỉ hoặc bằng cấp đào tạo liên quan đến lĩnh vực wedding planner, số đơn vị như vậy ở Việt Nam không nhiều”.
“Thứ hai là những đơn vị hoặc cá nhân làm các dịch vụ đám cưới có kèm theo gói wedding planner, tính phí dịch vụ theo các phần việc được giao và ký kết. Thứ ba là tổ chức/cá nhân tự nhận là wedding planner nhưng không tính phí dịch vụ lên kế hoạch tiệc cưới. Đây hầu hết là các đơn vị cưới hỏi trọn gói đầu tư và nâng tầm thành wedding planner dù hiểu biết về nghề ở mức độ không cao”, chị Dung tiếp lời.
Tâm sự nghề wedding planner: “Số lượng khách hàng tăng thêm 200% so với cùng kỳ năm ngoái”
Gắn bó với công việc lên kế hoạch lễ cưới từ năm 2017, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (29 tuổi) hiện đang là một wedding planner tự do tại Hạ Long, Quảng Ninh. Chị chia sẻ: “Công đoạn quan trọng nhất của việc lên kế hoạch đám cưới đó là trao đổi, nhận biết được mong muốn, nhu cầu và tài chính của cô dâu, chú rể để 2 bên hiểu nhau. Bản kế hoạch tổ chức tiệc cưới thường phụ thuộc vào phong tục, vùng miền hoặc hoàn toàn theo mong muốn của khách hàng".
Theo chị Huyền, một wedding planner tự do sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình làm việc so với những doanh nghiệp có dịch vụ này. "Mình sẽ phải tự làm hết tất cả mọi thứ, từ việc tìm khách hàng phù hợp, cân đối tài chính cho khách hàng và chỉ đạo thi công để tác phẩm cuối cùng theo đúng mong muốn và hình dung của cô dâu, chú rể”.
Sau 8 năm trải nghiệm công việc wedding planner, chị Huyền đúc rút được những kinh nghiệm cho bản thân: "Wedding planner cần khéo léo, nhanh nhạy, rõ ràng, cẩn thận, quan tâm từng chi tiết nhỏ. Khéo léo vì người làm công việc này không khác gì một nhân viên kinh doanh cả, chúng mình cũng cần tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng và ‘chốt đơn’. Nhanh nhạy để nắm bắt được chính xác nhu cầu của khách hàng và có phương án xử lý trong tất cả các tình huống phát sinh. Rõ ràng và cẩn thận để sự kiện diễn ra tốt nhất có thể. Quan tâm đến từng chi tiết nhỏ để sự kiện được chỉn chu nhất”.
Chị Chu Thị Hồng Nhung (22 tuổi), một wedding planner tại Hà Nội cho rằng, nghề lập kế hoạch cho tiệc cưới đang là công việc được nhiều bạn trẻ, nhất là gen Z lựa chọn. “Hiện nay, xu hướng các bạn trẻ muốn tạo ra một đám cưới của riêng mình với nhiều kỉ niệm đáng nhớ đang ngày càng phổ biến và để hiện thực hóa thì rất cần một wedding planner hiểu và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng của cô dâu, chú rể. Sự sáng tạo trong công việc là một trong những yếu tố khiến mình lựa chọn công việc này”.
Chia sẻ về kỷ niệm tổ chức đám cưới ấn tượng nhất, chị Nhung cho hay: “Đó là tiệc cưới có số lượng khách ít nhất mình từng làm, chỉ vỏn vẹn 8 khách. Tuy nhiên, cô dâu, chú rể vẫn rất đầu tư trang trí, tỉ mỉ lựa chọn tiệc và xây dựng hoạt động để đảm bảo tất cả mọi người đều cùng tham gia được. Sau khi kết thúc phần lễ, họ dành rất nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ về quá trình trưởng thành của cô dâu, chú rể, câu chuyện tình của họ ra sao cùng những kỉ niệm khó quên của những người bạn về đôi tân lang, tân nương”.
Khi được hỏi về mức thu nhập trung bình của người làm nghề wedding planner, chị Phạm Thị Thùy Dung (33 tuổi), chủ một doanh nghiệp chuyên tổ chức đám cưới tại Hà Nội cho biết: “Thông thường, một wedding planner chạy sự kiện đám cưới hoặc lên kế hoạch đám cưới từ đầu đến cuối sẽ có mức thu nhập dao động từ 8 đến 20 triệu đồng/tháng. Mùa cưới bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau, thường các bạn wedding planner sẽ phải chuẩn bị trước từ 3 đến 6 tháng, khoảng thời gian còn lại trong năm thì các bạn ấy sẽ học thêm kỹ năng hoặc lên kế hoạch cho những dự án đám cưới xa hơn”.
Theo chị Dung, trong một năm, doanh nghiệp của chị có thể nhận được từ 200 đến 300 gói dịch vụ wedding planner theo yêu cầu của khách hàng. “Lượng khách có nhu cầu thuê wedding planner ở thời điểm hiện tại cao gấp đôi (tức là tăng trưởng 200%) so với cùng kỳ năm ngoái”.
Chị Dung đưa ra dự đoán về xu hướng tương lai của nghề wedding planner: “Mình nghĩ công việc này sẽ ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam, theo xu hướng chuyên môn hóa hơn. Ngoài wedding planner, hiện nay còn xuất hiện thêm nhiều thuật ngữ như ‘Wedding Stylist’ (người tạo phong cách cho đám cưới), hoặc ‘Wedding Design’ (người thiết kế cho đám cưới). Có những wedding planner chỉ nhận những đám cưới tổ chức ngoài trời, có người chỉ nhận tiệc cưới nước ngoài hoặc quy mô lớn… Đây là sự phân cấp trong nghề nghiệp khiến cho các bạn trẻ không cần lo lắng sẽ thiếu việc làm nếu theo đuổi ngành này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.