Đánh giá cá tra VN, không có sự tham gia của VN là sai
Tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản đề nghị WWF đưa ra lý do, tiêu chí và những cơ sở cụ thể để xếp cá tra vào danh sách đỏ.
|
Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản tại buổi làm việc với đại diện WWF tại Việt Nam, ngày 8-12 |
Bà Trần Minh Hiền - Giám đốc WWF tại Việt Nam lý giải: Việc đánh giá và đưa các loài thuỷ sản vào danh mục xanh, vàng, đỏ được WWF làm thường xuyên hàng năm và đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng, mục đích của WWF là hướng đến tiêu dùng bền vững cũng như để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên phương pháp đánh giá thuỷ hải sản (mà cụ thể là cá tra) năm nay có nhiều đổi mới. Đó là sự phối hợp của ba tổ chức WWF, Hội Bảo tồn sinh vật biển (MSC) và Quỹ Biển Bắc (NSF), đồng thời tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế khác. Trong phương pháp này có 19 câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề về nước thải, dịch bệnh cùng các tác động khác.
Bà Trần Minh Hiền - đại diện WWF tại Việt Nam thừa nhận nên có cách tiếp cận đa bên như Tổng cục Thuỷ sản đề cập và chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này với lãnh đạo WWF để được cải thiện hơn trong những năm tiếp theo.
Bà Hiền cho biết thêm, việc đưa cá tra vào danh sách đỏ của cuốn hướng dẫn người tiêu dùng không nằm trong phần việc dự kiến của WWF Việt Nam trong chiến lược của mình, nên WWF Việt Nam không tham dự vào việc này và cũng không được biết cho đến khi kết quả của nó được thông báo.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng việc WWF đánh giá một sản phẩm của một quốc gia cụ thể mà không có sự tham gia của đại diện WWF tại quốc gia đó, cũng không có sự tham gia của các bộ, ban ngành của quốc gia đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Ông Tuấn nhấn mạnh, cần phải có phương pháp tiếp cận đa bên, có điều rất đáng tiếc là ngay cả Bộ NN&PTNT VN cùng các cơ quan quản lý thuỷ sản liên quan đến việc này đều không hề được tham luận bất cứ vấn đề gì. Như vậy chính bản thân WWF đã vi phạm nguyên tắc chung nhất của mình.
Công ty tư vấn cho WWF chưa hề đến Việt Nam
Cuốn Cẩm nang hướng dẫn của WWF đề cập đến sự kiện cá tra ghi nhãn Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản (ASC) trên thị trường dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm 2011. WWF cho rằng chừng nào ASC chưa xuất hiện trên thị trường, thì “bạn nên tìm một loài thủy sản khác thay thế, ví dụ như một loài thủy sản trong danh sách xanh”.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: (ASC) chưa được thành lập và phải đến tháng 6 - 2011 tiêu chuẩn của họ mới ban hành. Nếu WWF nói phải theo tiêu chuẩn này thì chẳng nhẽ các nước xuất khẩu, nhập khẩu cá tra phải đợi bộ chuẩn đó ra đời rồi mới tiếp tục hoạt động thương mại và người tiêu dùng toàn cầu chẳng nhẽ lại phải đợi đến lúc đó mới tiếp tục được ăn cá tra?
Ông Dũng cho biết thêm: “Tôi đã xem tiêu chuẩn ấy rồi và những tiêu chuẩn đó cơ bản không khác gì với tiêu chuẩn GobalGAP. Hiện nay rất nhiều nhà máy chế biến và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận GobalGAP - tiêu chuẩn cao nhất và uy tín nhất toàn cầu. Cá tra đã được Chính phủ VN đưa vào danh sách là sản phẩm chiến lược quốc gia. Vì vậy việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của VN.
Cũng theo Tổng cục Thuỷ sản, VN là nước đầu tiên ứng dụng các tiêu chí quốc tế cao nhất vào việc nuôi cá tra. Vậy mà WWF đánh giá việc quản lý nó đi xuống, đó là lỗi của WWF, họ quá tin vào các đánh giá độc lập của công ty tư vấn.
Nói về các công ty tư vấn cho WWF về việc đánh giá cá tra VN, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP khẳng định: “Các công ty đó chưa hề đến VN nên làm gì có đánh giá, họ lấy tài liệu từ các nguồn khác”.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.