Xã biên giới Ia O (Gia Lai): Bùng phát di dân tự do

Thứ hai, ngày 21/02/2011 20:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần 1 năm nay, hàng chục hộ dân đến sinh sống quanh lòng hồ Thuỷ điện Sê San 4, thuộc địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai.
Bình luận 0

Không chỉ đánh bắt, chăn nuôi thuỷ sản, nhiều hộ còn đóng bè, kéo gỗ rừng từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum qua địa phận huyện Ia Grai.

Năm 2004, Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Sê San 4 xây một dãy nhà cấp 4 phục vụ nhu cầu ăn, ở của cán bộ, công nhân. Đầu năm 2010, dự án hoàn thành, Ban Điều hành bàn giao những ngôi nhà này cho UBND xã Ia O quản lý. Song, hiện những nhà này trở thành nơi trú ẩn của các hộ miền Nam di cư tự do.

Bỏ biển lên rừng

Mọi việc bắt đầu từ tháng 4.2010, anh Lê Văn Lợi quê ở Tây Ninh đến xã Ia O làm thuê cho chủ rẫy cà phê, cao su trên địa bàn. Phát hiện hồ Sê San 4 có nguồn cá nước ngọt khá dồi dào, xung quanh có nhiều nhà cấp 4 bỏ hoang, anh Lợi về quê bán đất, vườn, đưa vợ con và rủ thêm 2 gia đình ở quê lên Tây Nguyên lập nghiệp.

Thấy cuộc sống nơi đây dễ dàng hơn quê nhà, các hộ điện thoại về quê rủ nhiều gia đình cùng cảnh ngộ lên sinh sống, làm ăn. Mặc dù không được UBND xã Ia O đồng ý cho đăng ký tạm trú, nhưng trong một thời gian ngắn, có tới gần 40 hộ từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… bỏ quê hương đồng bằng kéo lên Ia O lập nghiệp.

Hỗ trợ người dân hồi hương

img Theo Nghị định 34 và Nghị định 112 của Chính phủ, những người di cư tự do, cư trú tại khu vực biên giới là không đúng quy định của pháp luật. img

Ông Dương Mạnh Tiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai

 Cuộc sống của các hộ di dân tự do ban đầu chỉ gắn với việc đánh bắt cá ngoài sông Sê San để mang ra chợ bán. Sau đó, một số hộ đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Sê San 4, hình thành một làng chài ven hồ. "Đất đai là của Nhà nước. Chúng tôi đến định cư, làm ăn, Nhà nước cần tạo điều kiện, cớ sao lại đuổi chúng tôi đi"- cụ Nguyễn Văn Ngoan (82 tuổi), đại diện hộ di cư tự do đang sinh sống tại khu nhà của Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Sê San 4, nói.

Việc di dân tự do ồ ạt đến Ia O hơn 1 năm qua đã gây mất an ninh trật tự vùng biên. Theo ông Rah Mah Bưh-Phó Trưởng Công an xã Ia O, chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền và một số hộ đã về quê, số còn lại xuống ghe thuyền - nơi nuôi cá lồng dưới lòng hồ Sê San 4, ở tạm. Song, nhiều người lấy cớ họ là người Việt Nam, không vi phạm pháp luật nên họ có quyền ở lại để lao động sản xuất.

Một số người đã lợi dụng ghe thuyền vận chuyển gỗ từ phía bắc hồ sang địa phận xã để tẩu tán lâm sản trái phép. Kiểm tra giấy tờ, lực lượng Công an xã Ia O phát hiện một số đối tượng không có chứng minh thư nhân dân, không có hộ khẩu thường trú cũng như lý lịch không rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Mạnh Tiệp -Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: Theo Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam và Nghị định 112/2008 cấm xây dựng chuồng trại chăn nuôi, đào lấp bờ bao nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực lòng hồ, thì những người di cư tự do, cư trú tại khu vực biên giới là không đúng quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương đang tuyên truyền vận động hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn tạo điều kiện cho những hộ di cư gặp khó khăn về kinh tế có thể hồi hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem