Mơ đổi đời bên kia biên giới
Bà Dương Thị Bình – người dân thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, cho biết, thôn không có đất canh tác, nhiều người có sức nhưng không có việc làm. Đang lúc khó khăn, một người dân trong xã đi làm ở Trung Quốc về, giới thiệu cho người làng công việc với lương cao. Mọi người rỉ tai nhau và cùng rủ nhau bỏ làng mơ giấc mộng làm giàu bên kia biên giới. Đầu năm ngoái, con rể bà Bình vay tiền cùng nhiều người sang Trung Quốc làm thuê. Ngoài chi phí đi lại, mỗi người phải đóng cho người môi giới 3 - 4 triệu đồng. Họ xuất phát từ Hà Nội lên Lạng Sơn và đi bằng các thuyền nhỏ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau 3 tháng, con rể bà thất thểu về nước với lý do không được trả lương. Tiền đi chưa trả được, giờ lại gánh thêm nợ tiền về.
Bà Bình kể về hai vợ chồng con gái lớn của gia đình đi lao động “chui” ở Trung Quốc bị quỵt tiền. (Ảnh: C.P)
Bà Bình kể: “Đầu năm nay, vợ chồng con gái tôi lại dắt nhau sang Trung Quốc với hy vọng làm được tiền trả nợ lần trước và có tiền nuôi con. Tuy nhiên, sau 3 tháng làm việc, hai vợ chồng lại dắt nhau trở về mà không được trả lương”.
Cùng thôn với bà Bình, chị Trịnh Thu An - người vừa trở về từ Trung Quốc cho biết, không có đất canh tác, vợ chồng chị làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ chi tiêu cho gia đình. Mong muốn thoát khỏi cái nghèo, đầu năm nay, vợ chồng chị gửi con cho ông bà, rời bỏ quê hương bắt đầu cuộc sống chui lủi bên xứ người.
“Sang đến tỉnh Quảng Đông, vợ chồng tôi cùng làm một xưởng sản xuất hoa nhựa. Tại đây, những công việc nặng nhọc đều dành cho những người như chúng tôi, không giấy tờ hợp pháp, không hợp đồng và thường xuyên phải trốn chui trốn lủi vì sợ cảnh sát Trung Quốc bắt giữ. Sau 3 tháng lao động, căn bệnh rối loạn tiền đình của tôi tái phát nên vợ chồng đưa nhau trở về quê. Sau đó, chồng tôi quay lại làm tiếp vì chưa được trả tiền công” – chị An kể.
Lao động chui chưa thể chấm dứt?
Ông Lý Sinh Vượng - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, chiếm 98% dân số trong xã là người dân tộc Dao. Diện tích đất canh tác ít, nhiều người dân không có đất canh tác, thậm chí có gia đình không có đất làm nhà. Mấy năm gần đây, một lượng không nhỏ người dân trong xã đi lao động chui ở Trung Quốc. Trong đó, năm ngoái có 300 người, 6 tháng đầu năm nay có 150 người.
Theo ông Vượng, một số người dân đã bị chủ Trung Quốc quỵt tiền công do không có giấy tờ hợp pháp, không được chính quyền địa phương bảo vệ, không được ký kết hợp đồng lao động. Đặc biệt, nhiều gia đình trong xã cả 2 vợ chồng đều đi lao động chui, phó mặc con ở lại với ông bà,... nên nhiều trẻ lâm vào các tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an ninh ở địa phương.
Liên quan tới “dòng” người sang Trung Quốc làm việc chui, ông Phạm Văn Thanh – Phó Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐTBXH TP.Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc chưa có bất cứ thỏa thuận nào về lao động, vì vậy tất cả lao động ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì nếu đi sang Trung Quốc lao động chỉ là đi theo con đường bất hợp pháp”.
Cũng theo ông Thanh, do lao động đi làm bất hợp pháp nên huyện Ba Vì nói riêng và TP.Hà Nội nói chung chưa có thông tin cụ thể về số người đi lao động chui. Ông Thanh cho biết, hàng năm Sở LĐTBXH vẫn chỉ đạo các phòng lao động quận, huyện, thực hiện tuyên truyền để người dân tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp...
Ông Tống Hải Nam - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH): Mới chỉ thí điểm hợp tác lao động
Tình trạng lao động đi làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc phổ biến tại một số tỉnh vùng biên Việt Nam – Trung Quốc, nhiều nhất là người dân các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, gần đây bắt đầu phổ biến ở các tỉnh, thành Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An.
Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH thực hiện chương trình thí điểm hợp tác lao động giữa các huyện vùng biên thuộc tỉnh Hà Giang với một số huyện của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Vì chương trình đang trong quá trình thí điểm nên chưa thể tổng kết, đánh giá hay mở rộng chương trình. Điều này đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam đi làm việc tự do tại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, có thể bị quỵt tiền, bị cướp bóc, bị đánh đập... thậm chí bị bắt giữ mà không được pháp luật bảo vệ.
Bộ LĐTBXH đã có công văn yêu cầu tăng cường vai trò quản lý lao động ở các địa phương, thực hiện tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài để người dân biết.
Minh Nguyệt (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.